13/11/2018 - 21:34

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV:

Hoàn thiện cơ chế giám sát, kiểm soát thực thi quyền lực 

Tại phiên thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018, ngày 13-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định báo cáo của Chính phủ được chuẩn bị nghiêm túc, phản ánh kết quả đạt được, chỉ ra những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống tham nhũng; đề ra các giải pháp khắc phục. Tuy nhiên, còn một số hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống tham nhũng vẫn chưa có giải pháp để khắc phục triệt để. Báo cáo vẫn chưa tách bạch được sai phạm về tham nhũng với các sai phạm khác được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Năm 2018, Chính phủ đã coi xây dựng, hoàn thiện thể chế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế trong một số trường hợp vẫn còn chậm, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; vẫn còn một số văn bản quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo, dễ bị lợi dụng để tham nhũng nhưng chưa được kịp thời sửa đổi.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với đánh giá của Chính phủ về những chuyển biến tích cực trong triển khai thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tuy nhiên cũng chỉ rõ công tác này còn một số hạn chế. Điển hình như: Một số bộ, ngành, địa phương vẫn chậm cải cách thủ tục hành chính. Việc công khai, minh bạch hoạt động ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn hạn chế.

Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong thời gian qua có tăng, nhưng vẫn chưa tương xứng với các vụ việc, vụ án tham nhũng bị phát hiện, xử lý, có dấu hiệu bỏ lọt việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ về những kết quả tích cực trong công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp thanh tra, kiểm toán chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác đấu tranh với tội phạm tham nhũng, kinh tế ở một số địa phương kết quả còn hạn chế. Một số trường hợp có biểu hiện bao che, tiếp tay cho sai phạm, tham nhũng.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay; bên cạnh “tham nhũng vặt’’, các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích’’, doanh nghiệp “sân sau’’, “công ty gia đình’’… đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng.

Tán thành với tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh một số nội dung cần được tập trung khắc phục trong năm 2019; đồng thời đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện cơ chế trong giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực nhằm phòng, chống tham nhũng.

TTXVN

 

Chia sẻ bài viết