20/01/2020 - 17:05

Hoa ra chợ Tết 

Tết tràn ngập khắp phố phường, làng quê với bao nhiêu loài hoa khoe sắc. Những ngày này, những hộ kinh doanh hoa Tết mới thật sự vào mùa. Chào mời khách, canh giữ, nâng niu những chậu hoa suốt từ ngày đến đêm, chỉ khi thấy hoa theo khách hàng về nhà, biết lời lãi ra sao, người bán hoa mới thật sự được đón Tết.

Nông hộ bán hoa cho khách ở đường Ba Mươi Tháng Tư.

24 giờ đêm, nhiều lô hoa kiểng dọc tuyến đường Hai Bà Trưng (khu vực bến Ninh Kiều) và tuyến Nguyễn An Ninh - Châu Văn Liêm vẫn sáng đèn. Không ít nông hộ vẫn thức cùng hoa và mong trời mau sáng. Bà Trần Thị Nga, 64 tuổi, ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều là một trong số đó. Gia đình bà Nga đã có 4 thế hệ theo nghề trồng hoa. Riêng bà, có thâm niên 49 năm trong nghề này. Bà Nga cho biết: “Năm nào tôi cũng đăng ký lô để bán bông chợ Tết. Mỗi năm trồng hoa chỉ trông chờ kết quả mấy ngày này. Năm nào 30 Tết hết bông sớm thì coi như năm đó ăn Tết ngon lành. Năm nay tôi đem hoa ra đây bán từ 16 tháng Chạp tới giờ. Mong từ 28 Tết trở đi, công viên chức, người lao động nghỉ Tết, sức mua sẽ tăng để còn về chuẩn bị đón giao thừa”. Năm nay, bà Nga trồng được 8.000 giỏ hoa các loại: cúc mâm xôi, hồng nhung, cát tường, bông dừa đứng, sống đời,... Tùy loại, có giá dao động từ 20.000-175.000 đồng/chậu. Để làm phong phú thêm gian hàng bông của mình, anh Đinh Ngọc Chi, ở phường Long Hòa, quận Bình Thủy tìm mua thêm hoa lan chưng bày xen kẽ các giỏ bông dừa, cúc nhám. Hơn 3 ngày bày bán ở chợ hoa đường Nguyễn An Ninh, anh Chi bán được khá nhiều chậu cát tường. Anh Chi cho biết: “Năm nay nhà đơn chiếc, bà xã bận bịu chăm 2 con nhỏ nên tôi trồng chỉ khoảng 1.000 giỏ hoa các loại. Đây là niềm hy vọng đầu năm, mong có thêm đồng lời để có cái Tết ấm cúng, đủ đầy hơn”.

Phạm Trung Tấn, nhà ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy (ngay làng hoa kiểng Phó Thọ) cùng ba em đem hoa ra bán ở đường Hai Bà Trưng từ 16 tháng Chạp. Tấn chia sẻ: Thường đến hơn 1 giờ khuya Tấn mới ngủ được và đến 4 giờ sáng đã dậy. Tấn đã phụ trách bán hoa Tết liên tục nhiều năm nay và rất có duyên với hoa kiểng từ khi mới sinh ra. Vì hồi mẹ mang bầu Tấn, ngày dự sinh cũng vào dịp Tết, cũng ở con đường Hai Bà Trưng, mẹ Tấn chuyển dạ và sinh rớt em ngay tại chợ hoa. Em còn định sau này sẽ gắn bó với nghề hoa kiểng.

Ở chợ hoa Tết, không chỉ có những nông hộ đem sản phẩm tự trồng ra bán mà còn có khá nhiều lao động mua hoa về bán lại. Em Nguyễn Văn Dễ, 23 tuổi, sống ở quận Ninh Kiều mới thử sức kinh doanh hoa Tết năm đầu tiên. Dễ cho biết, em hùn với một người anh, bỏ vốn khoảng 30 triệu đồng qua Sa Đéc mua hoa về bán, gồm các loại: Cúc Đài Loan, mâm xôi, tiger, vạn thọ, cát tường. Bỏ thời gian 2 ngày đến tận vườn chọn, mua từng chậu nên hoa của Dễ đẹp và đồng đều, được lòng nhiều khách hàng đi chợ Tết. Dễ cho biết: “Trước giờ em chỉ đi học, đây là lần đầu tiên em thử sức kinh doanh. Số vốn bỏ ra với em là khá nhiều, nhưng em nghĩ, với những kiến thức, kinh nghiệm thực tế mà em có được từ đợt kinh doanh này cũng sẽ không ít. Đây sẽ là khởi đầu để em trưởng thành và tự lập trong cuộc sống”. Không chỉ tạo cơ hội kinh doanh cho những người ngoài nghề như Dễ, chợ hoa Tết còn giúp tạo việc làm và thu nhập cho khá nhiều lao động phụ trách khâu chuyên chở hoa cho khách.

Khi khách đã vãn, các nông hộ bán gần nhau cùng xúm xít chuyện trò. Trước khi mỗi người một ghế bố, ngả lưng cho đỡ mỏi, những người chủ bán hoa lại cùng gửi gắm cho nhau lời chúc, hy vọng hôm sau bán đắt hơn hôm nay. Đa số các chủ hàng hoa chống muỗi và cái lạnh của hơi sương chỉ bằng chiếc mền mỏng và cái nón lá. Ai có chỗ rộng một chút thì giăng mùng 1 nóc hoặc mùng chụp, số hoa nhờ vào lực lượng bảo vệ dân phố canh giữ giúp. Vất vả là vậy, những người bán hoa chợ Tết chỉ mong những chậu hoa được bán ra đúng giá, phù hợp với công sức mà họ đã bỏ ra suốt hơn nửa năm ròng.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
chợ Tết