Bài, ảnh: Chấn Hưng
Trên địa bàn quận Thốt Nốt, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được chú trọng nên những xích mích, tranh chấp trong nhân dân kịp thời được giải quyết. Qua đó, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài; ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Trước khi đưa vụ việc ra hòa giải, các thành viên Tổ hòa giải khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Thuận, họp bàn, thống nhất hướng giải quyết.
Vừa qua, UBND phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, nhận được đơn yêu cầu hòa giải liên quan đến tranh chấp quyền sử dụng đất của bà Mai Lệ Thủy - người con thứ ba của ông Mai Văn Khê và bà Nguyễn Thị Gương (ở khu vực Qui Lân 2), với 4 người con còn lại trong gia đình. Khi ông Khê và bà Gương mất không để lại di chúc.
Nhận được đơn, Hội đồng Tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai của UBND phường Trung Kiên đã đến nơi xác minh, tìm hướng hòa giải, tránh mâu thuẫn phát sinh giữa anh em ruột thịt. Ông Mai Thanh Sơn, con ông Khê, bộc bạch: “Được giải thích những quy định pháp luật về chia di sản thừa kế, anh em chúng tôi mới biết và đồng tình theo hướng giải quyết của địa phương, tình nghĩa ruột thịt được hàn gắn”. Ông Lê Thanh Tùng, Chủ tịch UBND phường Trung Kiên, cho biết: “Đây là 1 trong 11 vụ việc tranh chấp đất đai mà UBND phường Trung Kiên đã hòa giải thành trong năm 2022, góp phần tạo không khí hòa thuận trong gia đình và giữ vững tình làng nghĩa xóm”.
Nhờ làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở nên tình hình an ninh trật tự trên địa bàn phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, được bảo đảm. Tổ hòa giải khu vực Thới Hòa 2, phường Thới Thuận, có 7 thành viên là những người có uy tín ở địa phương, hoạt động hiệu quả. Với vai trò là Tổ trưởng Tổ hòa giải khu vực Thới Hòa 2, ông Lâm Công Thiện, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực, luôn chủ động gắn công tác hòa giải cơ sở với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc... Ông Thiện sâu sát, nắm rõ hoàn cảnh từng hộ, nên khi có đơn yêu cầu hay các gia đình xảy ra mâu thuẫn, ông nhanh chóng nắm bắt vấn đề. Trong quá trình hòa giải, ông kiên trì, gần gũi, tôn trọng và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Ông Thiện bộc bạch: “Khi hòa giải, tôi đều xác minh từ 2 phía, nắm thêm tình hình, dư luận trong nhân dân. Sau đó, tôi thông tin lại để các thành viên trong tổ hòa giải bàn bạc, đưa ra hướng giải quyết thấu tình, đạt lý trên cơ sở các quy định của pháp luật. Nếu sự việc phức tạp, ngoài khả năng giải quyết, chúng tôi thông tin nhờ công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường hỗ trợ”. Chính việc sâu sát cơ sở, kịp thời hóa giải từ những mâu thuẫn nhỏ nhất nên từ đầu năm 2022 đến nay, Tổ hòa giải khu vực Thới Hòa 2 chỉ nhận 1 đơn và đã hòa giải thành. Ông Nguyễn Thế Nhân, công chức Tư pháp - Hộ tịch UBND phường Thới Thuận, cho biết: “Các tổ hòa giải cơ sở của phường đã lồng ghép tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong các cuộc sinh hoạt của đoàn thể, họp dân. Các thành viên tổ hòa giải với tinh thần trách nhiệm và kinh nghiệm, kiến thức của mình đã giúp tình làng, nghĩa xóm ngày càng gắn kết, tình hình an ninh trật tự được giữ vững”.
Năm 2022, các tổ hòa giải cơ sở của quận Thốt Nốt đã tiếp nhận và hòa giải 156 vụ, trong đó, hòa giải thành 141 vụ, đạt 90,38%. Theo bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, các tổ hòa giải ở địa phương hoạt động ngày càng hiệu quả, vụ việc hòa giải thành đạt tỷ lệ cao, góp phần giảm thiểu các vụ việc khiếu nại vượt cấp, kéo dài, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật... Sắp tới, Phòng Tư pháp sẽ tăng cường phối hợp MTTQ và các tổ chức thành viên trong công tác hòa giải. Đồng thời, củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng tổ hòa giải và hòa giải viên thông qua việc thường xuyên bồi dưỡng kiến thức pháp luật; kết hợp chặt chẽ giữa công tác hòa giải cơ sở với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... góp phần ổn định an ninh trật tự ở địa phương.