TP Cần Thơ được xác định là trung tâm công nghiệp- thương mại vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thời gian qua, thành phố tập trung ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu… Doanh nghiệp (DN) chủ động đổi mới công nghệ, năng động tìm thị trường mới và chăm sóc khách hàng mục tiêu để mở rộng hoạt động của DN. Song, trong sân chơi lớn của hội nhập, DN vẫn rất cần các “đòn bẩy” hỗ trợ từ chính quyền.
Khó trong phát triển công nghiệp ưu tiên
Đề án xây dựng danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên, ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố giai đoạn 2013-2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã xác định 5 nhóm ngành công nghiệp ưu tiên và 3 nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn. Theo đó, Sở Công thương thành phố đã phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu UBND thành phố phê duyệt chương trình đổi mới công nghệ hỗ trợ phát triển DN nhỏ và vừa, để khuyến khích DN nâng cao trình độ công nghệ, tăng hàm lượng khoa học trong sản phẩm. Đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong hội nhập kinh tế quốc tế. Năm 2016, Sở Công thương đã hỗ trợ 17 DN tham gia chương trình này và 8 tháng đầu năm 2017 có 7 DN tham gia chương trình.
Cửa hàng gạo của Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ. Ảnh: M. HUYỀN
Các ngành chức năng thành phố cũng tích cực phối hợp kêu gọi DN đầu tư vào các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp chủ lực. Năm 2016, có 21 DN đăng ký đầu tư, vốn đăng ký trên 1.158 tỉ đồng; đầu năm 2017 đến nay, Sở Công thương đã kêu gọi được 12 DN đăng ký đầu tư, vốn 346,78 tỉ đồng… Ngoài ra, Vườn ươm Công nghệ - Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc tại Cần Thơ cũng là nơi hỗ trợ DN khởi nghiệp trong các lĩnh vực chế biến nông sản, chế biến thủy sản và cơ khí chế tạo. Thành phố cũng kỳ vọng các DN trên địa bàn có thể tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hiện đại từ vườn ươm để nâng cao vị thế sản phẩm. Đặc biệt là các DN công nghiệp hỗ trợ của ngành cơ khí, nhưng sự phát triển này đến nay chưa đạt kỳ vọng đặt ra. Các DN công nghiệp hỗ trợ đa phần là DN nhỏ, công tác xúc tiến đầu tư cho ngành công nghiệp hỗ trợ của thành phố chưa đạt hiệu quả, chưa thu hút được các DN nước ngoài quy mô lớn đến đầu tư.
Ông Tăng Hồng, Giám đốc DNTN Cơ khí Sông Hậu, cho biết: “Mới đây, DN có đến vườn ươm để thử nghiệm độ cứng của sản phẩm mà DN đang sản xuất và được sự hỗ trợ rất tích cực từ Vườn ươm. Tuy nhiên, DN làm mặt hàng sơ mi- xy lanh, sản phẩm làm ra từ sự sáng tạo, nghiên cứu của DN nên có thể hiện tại chưa phù hợp để phát triển trong vườn ươm. Hiện 60% sơ mi- xy lanh của DN cung ứng cho động cơ phục vụ ngành nông nghiệp, 40% còn lại cho giao thông thủy, bộ”. Theo ông Tăng Hồng, thị trường trong nước cũng đang cạnh tranh khốc liệt với các DN có sản phẩm cùng loại. Do đó, từ năm 2016 đến nay, DN đã đầu tư khoảng 2 tỉ đồng để đổi mới công nghệ, gia tăng chất lượng sản phẩm và chặn đà sụt giảm về tiêu thụ trên thị trường. Tất cả các khoản đầu tư từ nguồn vốn của DN, vốn vay. Thành phố có chương trình hỗ trợ DN đổi mới công nghệ, nhưng quy định phải đầu tư máy mới, nhà nước hỗ trợ 30%, còn lại DN đầu tư trong khi nhu cầu của DN không tới đó và nguồn lực có hạn.
UBND TP Cần Thơ đã phê duyệt Đề án chiến lược sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2011-2015 (Quyết định số 2543/QĐ-UBND ngày 19-10-2011), với 6 nhóm sản phẩm. Cụ thể gồm: nhóm sản phẩm thủy sản chế biến (cá tra phi lê; tôm, mực đông lạnh; ghẹ, tôm đóng hộp); nhóm lương thực, thực phẩm chế biến (gạo xay xát, bia, nước giải khát các loại; sữa, sản phẩm từ sữa; dầu thực vật; rau, quả chế biến), nhóm sản phẩm cơ khí; nhóm sản phẩm dệt may- da giày; phân bón- hóa chất; nhựa-cao su. Nhóm ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản chiếm tỷ trọng khoảng 70,6% giá trị sản xuất toàn ngành. Theo đánh giá của Sở Công thương thành phố, trong giai đoạn 2011-2015 và từ 2016 đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp có xu hướng chậm lại, các ngành công nghiệp chủ lực có phát triển, nhưng không đạt mục tiêu đề ra…
Cần hỗ trợ DN củng cố nội lực
Thực tế nhiều DN trên địa bàn TP Cần Thơ đã nỗ lực đổi mới công nghệ, tiệm cận gần hơn với các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng xuất phát điểm thấp, quy mô tài chính hạn chế, DN gặp rất nhiều khó khăn khi vươn ra các thị trường lớn. Theo ông Tăng Hồng, DN hiện cung ứng xy lanh cho DN đối tác xuất khẩu sang thị trường Nga và mặt hàng này cũng bị cạnh tranh rất nhiều. Ngoài sự cạnh tranh, thì biến động tỷ giá ngoại tệ cũng ít nhiều ảnh hưởng đến thanh toán và giá xuất khẩu. Hiện DN vẫn giữ được thị trường này, nhưng đây cũng là sự cảnh báo cho DN, buộc DN phải thay đổi và đổi mới công nghệ để gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, tăng uy tín trên thị trường. Nhưng để làm được điều này, DN cần sự tiếp sức của thành phố về cơ chế, chính sách. Có thể xem xét cho DN miễn giảm tiền thuê mặt bằng để DN sử dụng nó đầu tư đổi mới công nghệ.
Một vấn đề khác, DN cần hỗ trợ thông tin thị trường để hoạch định chiến lược sản xuất và tiếp cận thị trường phù hợp với điều kiện của DN. Ông Lâm Minh Trí, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ, cho biết: “Hiện tại công ty chỉ ký gửi sản phẩm với C.T.C Cần Thơ, khoảng 7-8 cửa hàng mua gạo của công ty về tiêu thụ. Chúng tôi gặp sự cạnh tranh rất nhiều với các DN gạo khác. Do đó, mình phải nắm bắt được thị hiếu tiêu dùng và làm tốt công tác chăm sóc khách hàng. Đặc biệt là an toàn vệ sinh thực phẩm, phải tạo được lòng tin với khách hàng. Công ty phải có trách nhiệm cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan đến chất lượng sản phẩm gạo, niêm yết giá cụ thể”. Hiện tại, sản phẩm gạo thơm và chất lượng cao của công ty được kiểm soát và giám sát chặt chẽ từ khâu lúa giống đến quy hoạch tồn trữ và xay xát, chế biến gạo thành phẩm. Sản phẩm của đơn vị đã cung ứng xuất khẩu sang nhiều nước như: Singapore, Philippines, Malaysia, Indonesia, Australia và 1 số nước Trung Đông…
Theo ông Trí, tới đây Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Cờ Đỏ sẽ hoạt động theo mô hình công ty hai thành viên theo lộ trình chuyển đổi. Và để giữ thị phần, công ty sẽ chủ động chăm sóc khách hàng cửa hàng. Với kênh siêu thị, trước mắt công ty chưa có định hướng vào đó, do tiềm lực của mình chưa phù hợp lắm với kênh này. Công ty đang nhắm tới khách hàng bình dân. Thời gian tới, công ty sẽ hợp tác với các DN xuất khẩu để cung ứng sản phẩm cho họ. Ngoài ra, đẩy mạnh các cửa hàng bán gạo lẻ, đẩy mạnh các đầu mối đại lý để bán hàng được nhiều hơn. Hiện công ty đã mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại quận Ninh Kiều. Tại đây, công ty có thể giao dịch với các khách hàng lẻ và các khách hàng lớn, đối tác xuất khẩu. “Hy vọng rằng, với sự chuẩn bị này, thị trường của công ty sẽ ngày càng phát triển”- ông Trí nói.
Sự phát triển của DN góp phần rất lớn cho nguồn thu ngân sách của thành phố. DN đã rất nỗ lực để tìm kiếm thị trường và đổi mới sáng tạo, nhưng sự thật DN gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển và cần hỗ trợ kịp thời của địa phương.
GIA BẢO