Những năm gần đây, ngành y tế thành phố Cần Thơ đẩy mạnh lĩnh vực hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố và các tỉnh vùng ĐBSCL. Bệnh viện (BV) Đa khoa TP Cần Thơ là đơn vị tiêu biểu được thụ hưởng điều kiện cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại từ sự hợp tác đầu tư của thành phố với nguồn vốn ODA của Pháp, giúp các bác sĩ đảm bảo điều kiện triển khai nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu. Mới đây, các chuyên gia đến từ Hội phổi Pháp - Việt và các bác sĩ BV Đa khoa TP Cần Thơ cùng nhau chia sẻ nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn điều trị, phẫu thuật các bệnh lý lồng ngực.

Các bác sĩ Pháp – Việt có cơ hội chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong lĩnh vực điều trị các bệnh lý lồng ngực.
Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, Trưởng Khoa Ngoại lồng ngực – mạch máu, cho biết: Một năm trước đây, Chương trình hợp tác giữa Hội Phổi Pháp – Việt và BV Đa khoa TP Cần Thơ đã liên hệ trao đổi cơ hội hợp tác, đến nay mới bắt đầu thực hiện. Trong thời gian một tuần, từ giữa tháng 11 - 2019, các phẫu thuật viên lồng ngực của hai đơn vị cùng hội chẩn, tiến hành phẫu thuật cho 7 bệnh nhân mắc các bệnh giãn phế quản, mủ màng phổi, ung thư phổi… Với những bệnh lý này, BV Đa khoa TP Cần Thơ đều đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh trong vùng. “Qua quá trình hợp tác, chúng tôi chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm của mỗi đơn vị, theo đặc thù nền y tế mỗi nước, để thấy được sự tiến bộ và linh hoạt của y học. Song song với các ca phẫu thuật lâm sàng, các thành viên của Hội phổi Pháp - Việt còn dành thời gian cho các buổi sinh hoạt chuyên đề ở các khoa phòng để chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết cho đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên trong việc tập vật lý trị liệu sớm cho người bệnh”-Bác sĩ CKII Phạm Văn Phương nói.
Ngày thứ hai sau ca phẫu thuật cắt thùy phổi có phế quản giãn, sức khỏe của bệnh nhân Bùi Thị Cẩm Vân (58 tuổi, ở Ninh Kiều) cải thiện rõ rệt. Cô Vân cho biết, căn bệnh đã hành hạ cô hơn 3 năm qua, đi khám và điều trị ở nhiều nơi nhưng không khỏi. Khổ sở hơn, cứ khoảng chu kỳ 10 ngày là cô lại ho ra máu tươi, lúc nào trong nhà cũng có sẵn thuốc cầm máu. Do cô mắc bệnh ho, lại ăn uống kém, nên thể trạng suy yếu, mặc cảm không dám ra ngoài giao tiếp xã hội, cuộc sống cũng buồn chán.
Theo bác sĩ CKII Phạm Văn Phương, do một phần phế quản của bệnh nhân Vân đã bị giãn, không còn làm tốt chức năng trao đổi oxy với không khí nữa, gây triệu chứng làm tăng tiết đàm nhớt nên khiến cô ho dai dẳng. Tình trạng kéo dài khiến bệnh ngày càng nặng hơn, biến chứng gây xuất huyết, ho ra máu, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng bệnh nhân. Khi bệnh nhân đến BV Đa khoa TP Cần Thơ điều trị, có đoàn bác sĩ của Hội phổi Pháp - Việt sang thăm, trao đổi kinh nghiệm làm việc nên chúng tôi cùng nhau hội chẩn, phẫu thuật điều trị cho cô Vân. Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, bệnh nhân sớm khỏe lại.
Bà Anne Bisserier, chuyên gia phục hồi chức năng hô hấp của Hội phổi Pháp - Việt cho rằng, phục hồi chức năng có vai trò quan trọng trong quá trình chăm sóc, hỗ trợ người bệnh mắc các bệnh lý lồng ngực phải phẫu thuật, giúp người bệnh giảm đau, giảm biến chứng sau mổ, rút ngắn thời gian nằm viện, nhất là giảm chi phí điều trị. “Qua một tuần làm việc tại BV Đa khoa TP Cần Thơ, tôi thấy đội ngũ những người làm phục hồi chức năng ở đây rất nhiệt thành tiếp thu kiến thức mới cũng như tận tình chăm sóc bệnh nhân. Hy vọng rằng thời gian tới, các dịch vụ kỹ thuật vật lý trị liệu, phục hồi chức năng sẽ được áp dụng rộng rãi hơn, sớm hơn trong việc điều trị hỗ trợ cho bệnh nhân sau phẫu thuật các bệnh lý lồng ngực”-bà Anne Bisserier cho biết thêm.

Chuyên gia phục hồi chức năng của Pháp hướng dẫn cán bộ y tế Cần Thơ tập vật lý trị liệu cho người bệnh sau phẫu thuật.
Tham gia đầy đủ các buổi sinh hoạt chuyên đề về tập vật lý trị liệu – phục hồi chức năng sau phẫu thuật do chuyên gia Pháp hướng dẫn, Kỹ thuật viên Bùi Thị Trinh, khoa Y học cổ truyền – phục hồi chức năng chia sẻ: “Qua các buổi sinh hoạt, tôi hiểu rõ hơn vai trò quan trọng của việc tập vật lý trị liệu và được cập nhật nhiều kiến thức hữu ích trong quá trình chăm sóc bệnh nhân. Thực tế hiện nay ở nhiều BV, do nhân lực ít trong khi lượng bệnh có nhu cầu tập vật lý trị liệu ngày càng tăng nên người bệnh hạn chế điều kiện được phục hồi chức năng sớm”.
Theo Sở Y tế thành phố Cần Thơ, thời gian qua, Trung ương và thành phố rất quan tâm thúc đẩy hợp tác với các nước, đã mời gọi đầu tư xây dựng nhiều dự án BV mới, hiện đại như: BV Ung bướu TP Cần Thơ, BV Tim mạch TP Cần Thơ..., góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân ĐBSCL.
Trên cơ sở hợp tác giữa ngành y tế thành phố và các tổ chức y tế các nước, các BV còn được tiếp cận sự tiến bộ của nền y khoa hiện đại trên thế giới như Mỹ, Pháp, Nhật Bản… Các bác sĩ Cần Thơ cũng học hỏi được nhiều hơn từ các chuyên gia thế giới về quy trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân, phòng tránh bệnh tật tại cộng đồng.
Hiện nay, hầu hết các BV công lập tuyến thành phố và nhiều BV tư nhân trên địa bàn đều có bác sĩ được học tập ở nước ngoài thông qua các chương trình hợp tác. Đội ngũ này sẽ góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, giữ vững vị thế Cần Thơ là trung tâm y tế vùng ĐBSCL.
|
Hiện nay, các bệnh lý đột quỵ ngày càng trẻ hóa, để lại nhiều di chứng sau bệnh, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng cuộc sống, gây nên gánh nặng cho gia đình và xã hội. Do vậy, tăng cường nhiều giải pháp kết hợp giữa điều trị nội, ngoại khoa và tập vật lý trị liệu sẽ giúp bệnh nhân hạn chế nhiều di chứng sau cơn khởi bệnh, khả năng hồi phục vận động cao. Theo xu hướng hiện nay, trong vòng 24 giờ sau khi điều trị, can thiệp, bệnh nhân ổn, sẽ được cán bộ y tế tập vật lý trị liệu sớm, đồng thời, hướng dẫn người nhà kiến thức chăm sóc, tập vật lý trị liệu cho người bệnh.
Bác sĩ Madalina Grigoroiu, phẫu thuật viên lồng ngực, Trưởng Đoàn Hội phổi Pháp – Việt, cho biết các bác sĩ Cần Thơ đã tiếp cận được nhiều kỹ thuật cao trong lĩnh vực phẫu thuật điều trị các bệnh lý lồng ngực. Hội phổi Pháp - Việt mong muốn các bác sĩ tiếp tục cập nhật kiến thức mới, phối hợp nhiều hơn giữa các chuyên khoa lồng ngực và chẩn đoán hình ảnh, hồi sức, chăm sóc đặc biệt, phục hồi chức năng để nâng cao hơn nữa hiệu quả chẩn đoán, điều trị cho người bệnh trong vùng. Do vậy, BV Đa khoa thành phố cần chú trọng nâng cao trình độ tiếng Pháp cho đội ngũ cán bộ y tế. Đây là điều kiện thuận lợi để các bác sĩ được tham gia các chuyến tu nghiệp ngắn và dài hạn tại Pháp.
Bác sĩ CKII Huỳnh Minh Phú, Phó Giám đốc BV Đa khoa TP Cần Thơ, khẳng định: “Thời gian tới, BV sẽ tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề của đội ngũ cán bộ y tế, theo xu hướng tiệm cận hơn với sự phát triển của y học thế giới. Đồng thời, nâng cao trình độ ngoại ngữ, nhất là với tiếng Pháp, sẽ tiếp tục được quan tâm, giúp các bác sĩ có cơ hội được tham quan, học hỏi những tiến bộ của nền y học hiện đại ở nước bạn”.
Bài, ảnh: THU SƯƠNG