24/02/2019 - 18:16

Hò Cần Thơ - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 

Hò Cần Thơ vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hò Cần Thơ là loại hình trình diễn dân gian miền sông nước, miệt vườn, chuyển tải tiếng lòng của người Cần Thơ từ trăm năm qua bằng lối hò dân dã mà duyên dáng. Nói như nhạc sĩ Lư Nhất Vũ: “Giọng hò Cần Thơ âm vang triền miên, bay bổng trải dài đã từng nổi tiếng là một đặc sản lâu đời…”.

Nghệ nhân trình diễn Hò Cần Thơ.

Cũng như bao điệu hò khác ở Nam bộ, Hò Cần Thơ ra đời trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt của người Cần Thơ. Hò Cần Thơ góp vui trong những buổi cấy trên đồng, chèo ghe dưới sông, gợi tình, gợi duyên trong những cuộc hò hát của trai gái thanh xuân… Năm tháng trôi qua, Hò Cần Thơ trở thành một kiểu giải trí bình dân mà điệu nghệ.

Trong phạm vi bài viết này, người viết xin được điểm qua những “lời vàng ý ngọc” của các nhà khảo cứu, nhà nghiên cứu về Hò Cần Thơ. Trước nhất, người dành nhiều tình cảm cho Hò Cần Thơ, phải kể đến nhà văn Sơn Nam. Trong cuốn “Tìm hiểu đất Hậu Giang”, ông cho rằng: Dòng nước ngọt từ Hậu Giang đổ xuống theo dòng kinh xáng, khai hoang cho một vùng đất trải dài. Cuộc văn minh nhờ vậy cũng được trổ ra. Họ tổ chức những cuộc hát đối đáp thi tài giữa trai và gái. Các bô lão, các vị hương chức làng được mời đến chấm thi. Thầy dạy hò ở Cần Thơ là được tín nhiệm nhất. “Các thầy áp dụng kỹ thuật bẻ câu hát. Bẻ tức là uốn nắn những câu hát sẵn có để thích ứng với hoàn cảnh mới”, nhà văn Sơn Nam lý giải.

Trong cuốn “Văn minh miệt vườn”, nhà văn Sơn Nam xác quyết rằng, chính miệt vườn đã sản sinh ra những điệu hò trứ danh như Hò Mỹ Tho, Hò Cái Bè, Hò Ngã Bảy… và dĩ nhiên không thể thiếu Hò Cần Thơ. Hay với “Nói về miền Nam”, sau khi lược thuật việc hình thành kinh xáng Xà No và hệ thống kinh xáng kế cận, ông đánh giá tỉnh Cần Thơ đứng nhứt Nam Kỳ về sản xuất lúa gạo. Kinh tế khá giả, đời sống thơ thới, người Cần Thơ vui vầy hò hát. Nhiều người di cư đến vùng mới đào kinh để làm thầy dạy hò. Nhà văn Sơn Nam cũng đúc kết, đa số các thầy dạy hò vốn là đào kép hát bội giải nghệ - được học trò rước đem về nhà để dạy, có lấy tiền.

Lần giở những tác phẩm để đời của nhà văn Sơn Nam, chúng tôi thú vị khi đọc được truyện “Con Bảy đưa đò” trong tập truyện “Hương rừng Cà Mau” của ông. Đó là một cô Bảy đưa đò ưa hò hát, có giọng hò và sở hữu những câu hò “thần sầu, quỷ khóc”. Nhiều người hò thách bị cô làm cho quê mặt. Vậy nhưng cô lại kiêng dè trước một thanh niên xa lạ vì lối hò đối chuẩn không ai bằng. Hỏi ra, anh ta từ miệt Bình Thủy - Phong Điền đi xuống miệt này, còn cô Bảy - tỏ thiệt là người Ba Láng - Cái Răng. Rõ ra, họ đều là người Cần Thơ và có lối hò Cần Thơ điệu nghệ đến vậy. Có đoạn cô Bảy lý giải như vầy: “Ðó là điệu “Hò Bánh bò” bắt chước giọng rao bán bánh bò trên sông. Ở đây sông rộng, nhà cửa, ghe xuồng thưa thớt. Mình phải có giọng vừa cao vừa dài, che lấp hết, để cho ai nấy nghe được mình. Khó hơn giọng hò cấy nhiều lắm, vì hò cấy có nhiều người ở gần mình để “hòa hơi” theo”.

Từ lý giải này, chúng tôi cũng đã tìm thấy trong cuốn “Tìm hiểu đất Hậu Giang” của nhà văn Sơn Nam một tư liệu quý rằng, khi kinh xáng đào xong, bà con buôn bán náo nhiệt, trong đó có bán trên sông ở các vàm kinh, gọi là “bán vàm”. “Lối rao hàng: “Ai bánh bò không…” lần lần biến ra “Bánh bò hông, bánh bò hơ…ơ…” mở đầu cho một điệu hò đặc biệt ở Cần Thơ, giọng hò bánh bò, ngoài điệu hò Thới Lai sẵn có”- lời thuật của nhà văn Sơn Nam. Rõ ra, Hò Cần Thơ từng vinh diệu với những giọng hò hay đến thế. Rất tiếc, điệu hò Thới Lai nay như đã thất truyền.

Khung cảnh sông nước, miệt vườn đã sinh ra điệu hò Cần Thơ.

Nhạc sĩ Lư Nhất Vũ là người có công đầu trong sưu tập, ký âm Hò Cần Thơ, từ những năm 1980. Trong cuốn “Dân ca Hậu Giang”, ông cho rằng, các loại hò sưu tầm được tại Hậu Giang (thời điểm đó gồm 3 địa phương bây giờ: Cần Thơ - Hậu Giang - Sóc Trăng- NV) đã bổ sung vào thể loại hò của dân ca Nam bộ. Hò cấy, hò mái dài Hậu Giang cũng không giống hò cấy, hò mái dài ở Đồng Tháp, Bến Tre, Cửu Long, Tiền Giang… Trong một tài liệu khác, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ cảm tác rằng: “Ngày xưa trên các sông rạch, kinh xáng giăng giăng chằng chịt, đã từng lanh lảnh giọng hò sông Hậu, giống hát huê tình Cần Thơ, giọng rao bánh bò của những người chèo ghe ngược xuôi theo con nước lớn ròng. Giọng hò Cần Thơ âm vang triền miên, bay bổng trải dài đã từng nổi tiếng là một đặc sản lâu đời chỉ có thể nảy sinh trong môi trường sông nước hữu tình, trên những cánh đồng mênh mông của miền đất Hậu Giang”.

Với Nghệ sĩ ưu tú, Thạc sĩ Huỳnh Khải (Nhạc viện TP Hồ Chí Minh), Hò Cần Thơ là tổng hợp, dung hòa ngôn ngữ, ngữ điệu, thang âm. Ông cho rằng, điệu hò Cần Thơ không phải hơi Ai, mùi mẫn một cách bi lụy, cũng không phải hơi Xuân lả lơi, mướt mát; mà phảng phất giữa Ai và Xuân, như chuyển tải nỗi lòng của những người lưu dân từ miền Trung vào. Đó là điệu hò không vui lắm nhưng cũng không buồn sầu ủ rũ.

Theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, Hò Cần Thơ đại thể có 3 loại: hò huê tình, hò cấy và hò mái dài. Mỗi điệu hò có giai điệu, cách thể hiện riêng trên nền những câu từ rất đẹp. Đây là một câu hò huê tình được ký âm lại trong cuốn “Dân ca Hậu Giang” từ bà Nguyễn Thị Phiến, 57 tuổi, ở Thạnh An – Thốt Nốt (thời điểm những năm 1980):

Hò ơ ớ… Ngó lên nhà thức ngủ bớ nhà. Giựt cái nống chống cái cửa thổi bếp lửa đốt cái đèn quơ nồi dọn dẹp à…

Hò ơ ớ ơ… mà chị em mình tới đây…”

Hay là:

“Hò ớ… Tôi con của thầy Ba Đại, ở tại Thới Lai

Tôi đi tới đây chẳng dám khoe tài

Làm thinh cũng ngặt ừ… hò ớ…

Làm thinh cũng ngặt mà chị nài tôi

phải dưng…”

Với hò cấy, xin trích dẫn một câu thể này:

Hò ơ… Em ơi anh cầm chài ơ…

Anh vãi năm bảy con cá lòng tong

Thương em nát gan nát ruột lại nát tấm… ờ… lòng… ơ…

Hò ơ ơ… thấy em ở bạc… ơ… mà trong lòng… ơ… anh hết… ơ… thương…”

Hò mái dài, hay còn gọi là hò mái trường, là cách hò lấy hơi giãn ra, dài hơi (trái ngược với hò mái đoản - hay cụt, ngắn, vắn), lời hò nhiều hơn và tiếp nối liên tục. Công trình “Dân ca Hậu Giang” ghi lại câu hò mái trường của ông Đỗ Văn Chu, 82 tuổi, ở Tân Lộc Tây - Thốt Nốt (thời điểm những năm 1980):

Ơ ớ ơ… đi vô gặp em bán trầu, đi ra gặp em bán mắm mà thấy em đằm thắm trong dạ anh thương.

Em ơi đi về thưa lại với song đường… ơ… đưa ông mai dong đến nói… ì i… hò ơ ơ ơ… đến nói mà cho… ơ… tường… ơ… dạ anh… ì i…”.

Còn đây là câu hò mái dài do bà Trần Thị Ba, 73 tuổi, ngụ Trung Nhứt, Thốt Nốt (thời điểm những năm 1980) hò:

Hò hờ ê… cây vông đồng không trồng mà nó mọc

Còn rễ cây vông đồng nằm dọc nằm ngang

Trái dưa gang sọc dài sọc vắn

Còn ngọn rau đắng trong trắng ngoài xanh

Anh có thương em thì đừng dỗ mà đừng… ơ… dành… ơ…

Chờ nơi phụ mẫu định… ơ… ì i i… phụ mẫu định mà… ơ…

Phụ mẫu…. ơ ờ… ơ… đành… ơ… em sẽ ưng…. ơ ì i i…”

Hò Cần Thơ từ lâu đã nổi tiếng gần xa, đã theo chân cố Giáo sư Trần Văn Khê trong những bài giảng về dân nhạc Việt Nam tại nhiều quốc gia trên thế giới. Một chuyện khác kể rằng, mẹ của cố nhạc sĩ Trần Kiết Tường là cụ bà Thái Ngọc Lang ở Ô Môn - người rất rành dân ca, trong đó có hò. Nhớ hoài tiếng ru của mẹ: “Hò ơ, hò ơ ơ ớ… sao Vua chín cái, sao Bánh Lái nằm chồng…”, lớn lên thành một nhạc sĩ nổi tiếng, Trần Kiết Tường khi viết ca khúc bất hủ “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” đã lấy âm hưởng điệu hò Cần Thơ quê hương để mở đầu ca khúc: “Hò ơ, hò ơ ơ ớ… Tôi hát ngàn lời ca. Bao la hơn những cánh đồng. Mênh mông hơn mặt biển Đông. Êm đềm hơn những dòng sông…”. Điệu hò miền Hậu Giang cứ vậy mà ngân vang suốt hàng bao năm qua… Và bây giờ, rất nhiều bài ca cổ đều sử dụng Hò Cần Thơ làm gối đầu cho câu vọng cổ. Rồi, ai yêu Cần Thơ, ai yêu làn điệu hò điệu nghệ đất Tây Đô lại nhớ tuồng cải lương “Tiếng hò sông Hậu” của cố soạn giả Điêu Huyền - người con đất Cần Thơ. Nhớ hoài tiếng hò lanh lảnh trên sông Hậu trong tuồng cải lương, gợi nhớ bao nhiêu là hoài niệm.

Vậy mới hay, Hò Cần Thơ tự hào vì góp thêm một giai điệu đẹp trong bản hòa ca dân nhạc Nam bộ.

---------------------

Tài liệu tham khảo:

* Các quyển “Nói về miền Nam - Cá tính miền Nam - Thuần phong mỹ tục miền Nam”, “Tìm hiểu đất Hậu Giang - Lịch sử đất An Giang”, “Đồng bằng sông Cửu Long nét sinh hoạt xưa và Văn minh miệt vườn” của Sơn Nam, NXB Trẻ, 2006;

* “Hương rừng Cà Mau”, Sơn Nam, NXB Trẻ, 2001;

* “Dân ca Hậu Giang”, Lê Giang - Lư Nhất Vũ - Nguyễn Văn Hoa - Minh Luân, Sở Văn hóa - Thông tin Hậu Giang, 1986.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết