19/07/2016 - 09:21

Hình thành thói quen vận động cho trẻ

Giáo dục mầm non là bậc học quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, ngoài việc quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng chăm sóc trẻ, ngành giáo dục TP Cần Thơ chú trọng phát triển thể chất, tăng cường vận động, giúp trẻ phát triển toàn diện...

Năm học 2015-2016, năm thứ 3 TP Cần Thơ triển khai chuyên đề "Nâng cao chất lượng giáo dục phát triển vận động cho trẻ trong trường mầm non". Mục tiêu chung của chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển vận động giúp cho cơ thể trẻ phát triển tố chất nhanh, bền, dẻo dai và khéo léo, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực trẻ em Việt Nam. Thực hiện chuyên đề này, ngành giáo dục chỉ đạo các trường mầm non tăng cường cho trẻ tham gia hoạt động ngoài trời và tổ chức nhiều hoạt động phát triển thể chất cho trẻ như thể dục sáng với nhiều cách thức khác nhau: thể dục đồng diễn, thể dục sáng kết hợp với nhạc, các trò chơi vận động như: đi cà kheo, thi xem ai chạy nhanh và đúng tư thế, đá banh… Nhiều trường có hồ bơi tổ chức cho các cháu tập bơi. Ngoài ra Sở Giáo dục và Đào tạo còn chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo phát động phong trào làm đồ dùng, đồ chơi phục vụ chuyên đề. Qua 3 năm thực hiện chuyên đề, cơ sở vật chất các trường mầm non, mẫu giáo ngày càng khang trang, sạch đẹp. Năm học 2015 - 2016, có 160/169 trường mầm non, mẫu giáo có sân chơi và có đồ chơi ngoài trời, khu vui chơi vận động cho trẻ mầm non; 160/169 trường mầm non có khu vực vui chơi phát triển vận động cho trẻ như khu vực sân đá banh, khu vực dành cho trẻ chạy chậm, chạy nhanh, khu vực đi theo đường hẹp, đánh bóng chuyền, leo thang, cầu trượt, hồ bơi, sân bóng mini; 91/169 trường mầm non có phòng thể chất và Âm nhạc phục vụ cho trẻ trong việc tổ chức hoạt động giáo dục phát triển thể chất và âm nhạc cho trẻ trong trường mầm non; 33/169 trường mầm non có phòng thể chất riêng (tăng 13 trường so với năm học 2014 - 2015) và 91/169 trường mầm non có phòng thể chất và âm nhạc (tăng 15 trường so với năm học 2014 - 2015)…

Giờ giáo dục phát triển vận động cho trẻ ở Trường Mầm non thị trấn Thới Lai.

Khu phát triển thể chất ở Trường Mầm non Thị trấn Thới Lai (huyện Thới Lai) rộn rã bởi tiếng nói cười, hò reo, cổ vũ của trẻ khi tham gia các hoạt động giờ giáo dục phát triển như: ném bóng vào rổ; bò qua lốp xe, đá bóng trên sân cỏ mini, hoặc đi qua cầu thăng bằng… Các bé hứng khởi trải nghiệm những hoạt động bò, trườn, trèo, chạy, nhảy bằng các trò chơi liên hoàn dưới những tán cây xanh, thể hiện khả năng vận động khéo léo và sức bền dẻo dai của cơ thể. Thời gian qua, Ban giám hiệu Trường Mầm non Thị trấn Thới Lai luôn tìm tòi nghiên cứu và không ngừng tạo môi trường giáo dục phát triển vận động trong nhà trường. Từ chỗ tạo khoảng không gian rộng rãi an toàn, sắp xếp góc chơi hợp lý, phù hợp với độ tuổi, đến đầu tư các tủ đồ dùng, dụng cụ cần thiết cho việc phát triển vận động của trẻ ở các góc chơi, bổ sung các loại đồ chơi tự tạo phong phú về chủng loại, chất liệu đạt chất lượng, kích thích trẻ tham gia chơi dụng cụ phát triển vận động trong lớp cũng như ngoài trời. Cô Trần Thị Thảo, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thị trấn Thới Lai, cho biết: "Nhà trường luôn quan tâm cho trẻ tập thể dục buổi sáng ngoài trời; chống mệt mỏi giữa giờ kết hợp với hoạt động ngoài trời; vận động nhẹ nhàng giúp trẻ tỉnh táo, thoải mái sau giờ ngủ trưa… Qua thực hiện chuyên đề, trẻ phát triển tốt hơn, tự tin khi hoạt động nhóm, có tinh thần đoàn kết và tự lập cao".

Là một trong những đơn vị tích cực thực hiện chuyên đề, Ban giám hiệu Trường Mầm non Thị trấn Cờ Đỏ (huyện Cờ Đỏ) cũng đã xây dựng khu vận động bố trí các loại đồ chơi ngoài trời như: thanh leo, cổng chui, cầu tuột… để phục vụ cho trẻ vận động. Giáo viên đầu tư đồ dùng tại các góc thể chất trong lớp học, góc chơi cho việc phát triển vận động. Cô giáo dạy trẻ những kỹ năng vận động, hình thành và phát triển các tố chất vận động phù hợp với lứa tuổi của trẻ; sắp xếp không gian an toàn cho trẻ vận động, kích thích hoạt động tự vận động cho trẻ. Qua đó, thời lượng trẻ được hoạt động tăng lên, thể chất trẻ phát triển tốt, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng giảm. Trẻ phát triển rõ rệt về nhiều mặt, tích cực, hứng thú tham gia học tập, nhanh nhẹn trong mọi hoạt động, sức khỏe tốt hơn. Nhà trường còn vận động xã hội hóa để làm sân bóng đá mini cho trẻ, mua bổ sung thêm nhiều thiết bị, đồ chơi.

Thời gian tới, ngành giáo dục thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả chuyên đề, nhân rộng mô hình ra các trường; quan tâm xây dựng môi trường giáo dục thể chất và nâng cao chất lượng tổ chức các hoạt động giáo dục phát triển thể chất cho trẻ. Bên cạnh đó, đầu tư trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi, giáo dục tối thiểu, phục vụ triển khai mở rộng diện thực hiện chương trình giáo dục mầm non, đặc biệt chú trọng các thiết bị đồ chơi rèn luyện thể lực cho trẻ…

Bài, ảnh: M. HOÀNG

Chia sẻ bài viết