08/11/2021 - 05:54

Hiểu rõ thêm về công tác tuyên truyền trong đồng bào Khmer ở Cần Thơ 

Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ phối hợp với NXB Chính trị Quốc gia Sự thật biên soạn và xuất bản cuốn sách “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong đồng bào Khmer ở Cần Thơ hiện nay”, do TS Trần Việt Trường và ThS Nguyễn Ngọc Quy chủ biên. Sách được in song ngữ Việt - Khmer, vừa ra mắt độc giả trong tháng 9-2021.

Sách gồm 4 chương. Mở đầu là “Lý luận chung về công tác tuyên truyền” nêu rõ quan điểm, nguyên tắc, hình thức, nội dung tuyên truyền; vai trò và tác dụng của tài liệu đối với công tác tuyên truyền; chỉ ra đặc điểm tình hình và nội dung yêu cầu cho công tác tuyên truyền hiện nay. Chương hai “Kinh nghiệm công tác tuyên truyền trong đồng bào Khmer ở ĐBSCL hiện nay” giúp người đọc nắm bắt được những bài học thực tiễn, những kinh nghiệm quý giá khi làm công tác tuyên truyền ở vùng sông nước Tây Nam bộ. Ở chương tiếp theo, đội ngũ biên soạn phản ánh chi tiết “Thực trạng công tác tuyên truyền trong đồng bào Khmer ở Cần Thơ” để từ đó, đề xuất những giải pháp thiết thực trong chương cuối cùng “Nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền trong đồng bào Khmer ở Cần Thơ hiện nay”.

Sách là tài liệu giúp đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo, cán bộ cơ sở và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đồng bào Khmer. Đồng thời có đầy đủ thông tin chi tiết cho độc giả muốn tìm hiểu về đời sống của đồng bào Khmer hay cách thức của Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ kinh tế, nâng cao trình độ dân trí, đời sống tinh thần của đồng bào. Rất nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, gần gũi, dễ hiểu được thực hiện. Trong đó có Báo Cần Thơ Khmer ngữ (xuất bản 1 kỳ/tuần, với số lượng 4.000 tờ/kỳ) được phát hành miễn phí đến 602 chùa Khmer, 89 đồn biên phòng, 160 Trường Phổ thông Dân tộc nội trú, 7 Trường Đại học và nhiều địa chỉ cá nhân khác. “Theo đánh giá của nhiều đồng chí lãnh đạo Trung ương và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Báo Cần Thơ Khmer ngữ ra đời đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động bà con dân tộc Khmer hiểu rõ và chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước: ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, củng cố quốc phòng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân” (trang 134).

Đọc sách, độc giả được cung cấp khối lượng kiến thức vừa tổng quát, vừa chi tiết về công tác tuyên truyền trong đồng bào Khmer ở Cần Thơ nói riêng ở ĐBSCL nói chung. Đặc biệt, những giải pháp để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tiêu biểu như: chủ động phát huy vai trò của người có uy tín, các vị chức sắc, chức việc các tôn giáo trong cộng đồng các dân tộc ở cơ sở; tập huấn, bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng cần thiết cho cán bộ cơ sở; tăng cường đoàn kết các dân tộc trên địa bàn thành phố; nâng cao công tác tuyên truyền miệng, hoạt động báo cáo viên trong thời gian tới; phát huy vai trò của sư sãi Phật giáo Nam tông trong công tác tuyên truyền… Và không thể thiếu việc triển khai thực nghiệm các mô hình mới, sáng tạo, hiệu quả, thu hút đông đảo đồng bào tham gia.

Sách là cẩm nang cần thiết cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo, cán bộ cơ sở và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Đồng thời cho thấy quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về chính sách dân tộc theo nguyên tắc: “Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển”.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết