04/12/2017 - 19:58

Hiệu quả từ nuôi heo rừng 

Chịu khó tìm tòi và học hỏi, ông Nguyễn Văn Rô, khu vực Thới An, phường Thới An Đông, quận Bình Thủy đã thành công với mô hình nuôi heo rừng. Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định, mỗi năm ông có thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Với tinh thần ham học hỏi, dám nghĩ dám làm, tận dụng diện tích đất ít ỏi của gia đình, hơn 10 năm trước, ông Rô đã quyết định chọn nuôi heo rừng để phát triển kinh tế. Lúc đầu, do không có vốn nên ông vay mượn của người thân mua khoảng 10 con heo làm giống và gầy đàn. Heo rừng dễ nuôi, phát triển tốt, cộng thêm nguồn thức ăn dễ tìm, chủ yếu là các loại cây, lá có sẵn trong vườn. Vì vậy, ông tận dụng khoảng 100m2 đất trống của gia đình để trồng rau lang, rau muống và các loại cỏ, tăng nguồn thức ăn cho heo.

Mô hình nuôi heo rừng của ông Nguyễn Văn Rô cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: NGUYỄN TÍN

Đứng cạnh đàn heo rừng khỏe mạnh, ông Rô chia sẻ: “Nuôi heo rừng là mô hình đầu tư không tốn nhiều chi phí nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Heo rừng là loài vật hoang dã, dễ nuôi nên có thể tận dụng tối đa nguồn thức ăn từ tự nhiên, như: chuối cây, lục bình, rau muống, khoai lang… để giảm chi phí trong quá trình chăn nuôi. Đặc biệt, heo rừng có sức đề kháng cao, hầu như không bị dịch bệnh”.

Hiện nay, đàn heo của gia đình ông phát triển thêm gần 50 con. Theo kinh nghiệm của ông Rô, do heo rừng sinh sống trong môi trường tự nhiên nên khi áp dụng nuôi trong chuồng bán hoang dã, người nuôi phải nắm bắt được tập tính sinh hoạt, kỹ thuật nuôi và cách chăm sóc. Trong đó, đặc biệt chú ý chu kỳ sinh trưởng của heo để chủ động phòng bệnh, bổ sung thức ăn. Chuồng nuôi cũng cần có vách ngăn cho heo nái sinh sản.

Theo ông Rô, mô hình nuôi heo rừng có ưu điểm là giá cả, đầu ra luôn ổn định, ít dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, chi phí đầu tư con giống ban đầu nhiều hơn so với heo thịt. Cứ 2 năm heo rừng đẻ từ 3-4 lứa, heo mẹ tự sinh sản và tự chăm sóc con. Sau 4-5 tháng là có thể xuất chuồng bán với giá hiện nay từ 80.000-100.000 đồng/kg (heo hơi). Riêng đối với heo bán giống, tùy theo trọng lượng của heo, có thể xuất chuồng bán từ 700.000 đến 3 triệu đồng/con. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông Rô có thu nhập khoảng 100 triệu đồng.

“Hiện nay, điều kiện kinh tế của người dân đã khá lên, mọi người đều hướng tới lựa chọn loại thực phẩm sạch nên thị trường tiêu thụ sản phẩm heo rừng rất thuận lợi. Mặt khác, nuôi heo rừng tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn của gia đình nên chi phí thấp, dù giá bán không được như trước nhưng lợi nhuận vẫn cao hơn nhiều so với các loại vật nuôi khác”- ông Rô thông tin.

Nhận thấy mô hình nuôi heo rừng của ông Nguyễn Văn Rô mang lại hiệu quả kinh tế cao, ông Ngô Văn Lạc, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thới An Đông, cho biết: “Thời gian tới, Hội Cựu chiến binh phường sẽ khuyến khích, vận động hội viên chăn nuôi heo rừng và có thể nuôi thử nghiệm thêm một số loại con đặc sản khác, từng bước tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao để tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống. Đồng thời, chuyển giao kinh nghiệm, kiến thức cho những hộ có nhu cầu chăn nuôi heo rừng”.

NGUYỄN TÍN

Chia sẻ bài viết