30/07/2023 - 22:03

Hiệu quả mô hình “Hỗ trợ xã, phường xây dựng, sửa đổi quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới” 

Bài, ảnh: XUÂN ĐÀO

Xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai là 1 trong 9 xã, phường trên địa bàn TP Cần Thơ được triển khai mô hình “Hỗ trợ xã, phường xây dựng, sửa đổi Quy ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới (BÐG) giai đoạn 2021-2025”. Bước đầu, mô hình đã giúp người dân nhận thức đúng đắn, thực hiện các chuẩn mực, tạo sự bình đẳng hơn về giới trong cộng đồng.

Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình”Hỗ trợ xã, phường xây dựng, sửa đổi quy ước bảo đảm nguyên tắc BĐG” họp triển khai kế hoạch thực hiện năm 2023.

Ðây là mô hình giúp đỡ nạn nhân là phụ nữ, trẻ em bị bạo lực gia đình (BLGÐ) và bị tổn thương về sức khỏe, tâm lý, khó khăn về kinh tế, chỗ ở... để các nạn nhân tự tin tái hòa nhập cộng đồng. Thông qua mô hình này, cả phụ nữ và nam giới đều được nâng cao kiến thức về giới, BÐG và Luật Phòng, chống BLGÐ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của các thành viên trong gia đình, củng cố và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc... Hiện nay, toàn huyện Thới Lai có 94 câu lạc bộ phòng, chống BLGÐ; 13 mô hình phòng, chống BLGÐ. Các hoạt động tuyên truyền đã góp phần hạn chế những vụ BLGÐ.

Ban Chỉ đạo Vì sự tiến bộ phụ nữ huyện thường xuyên phối hợp Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình xã Ðông Thuận tổ chức hoạt động lồng ghép vào các buổi sinh hoạt chuyên đề BÐG, gắn với tổ chức họp mặt ngày 8-3, 20-10, Ngày Gia đình Việt Nam và lễ phát động Tháng hành động quốc gia phòng, chống BLGÐ... Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình của xã đẩy mạnh tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGÐ, Luật Phòng, chống mua bán người, các kiến thức về biện pháp ngăn chặn, khắc phục tệ nạn và hành vi xúc phạm tới trẻ em gái; xây dựng và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ: Gia đình hạnh phúc, Không sinh con thứ ba, Gia đình văn hóa, Nữ công, Ông, bà, cha, mẹ mẫu mực - con cháu hiếu thảo.

Theo ông Trịnh Minh Luân, Chủ tịch UBND xã Ðông Thuận, huyện Thới Lai, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện mô hình, cho biết, toàn xã đã xây dựng 9 địa chỉ tin cậy, 3 số điện thoại đường dây nóng đang hoạt động rất hiệu quả, kịp thời hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp khi có hiện tượng hoặc xảy ra bạo lực trên cơ sở giới. Mô hình được duy trì sinh hoạt hằng quý, phối hợp với các ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật bằng nhiều hình thức đa dạng, nội dung nhằm xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, khắc phục tệ nạn và hành vi xúc phạm tới trẻ em gái. Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo nỗ lực rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng các quy ước, công tác BÐG trên địa bàn xã từ gia đình đến xã hội, làm thay đổi các quan niệm về đạo đức, phong tục, tập quán; vị thế của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội được nâng cao. Qua đó, tình trạng BLGÐ ở địa phương giảm rõ rệt.

Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) TP Cần Thơ đã hướng dẫn phòng LÐ-TB&XH quận, huyện và UBND các xã, phường đang thực hiện mô hình tiếp tục phát huy hiệu quả tuyên truyền những chủ trương của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về BÐG, sự tiến bộ của phụ nữ và hôn nhân gia đình. Ðồng thời, tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân ở cơ sở bằng nhiều hình thức, đa dạng qua các kênh truyền thông; thông qua các hội thảo, hội thi, nói chuyện chuyên đề về BÐG, vì sự tiến bộ của phụ nữ và hôn nhân gia đình.

Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH TP Cần Thơ, đề nghị các xã, phường đang thực hiện mô hình “Hỗ trợ xã, phường xây dựng, sửa đổi quy ước bảo đảm nguyên tắc BÐG” tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, tập trung những quy định về phòng, chống BLGÐ, BÐG theo Luật Phòng, chống BLGÐ và Luật BÐG. Ðồng thời sắp xếp lịch kiểm tra, giám sát hoạt động của mô hình; tổ chức rà soát các quy ước của cộng đồng, xóa bỏ những phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu BÐG (nếu có); sửa đổi lại các quy ước nhằm đảm bảo nguyên tắc BÐG; kiểm tra, giám sát đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện mô hình.

Chia sẻ bài viết