12/10/2021 - 09:01

Hiệu quả công tác hướng nghiệp tại Cần Thơ 

Hướng nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Giáo dục nhằm góp phần tạo sự cân đối về cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực. Tại TP Cần Thơ, công tác này được thực hiện nhiều năm qua và đạt kết quả khả quan nhờ sự nỗ lực của các trường phổ thông, đại học, cao đẳng... trong đa dạng hình thức tư vấn hướng nghiệp, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo.

Một buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh do ngành Giáo dục thành phố phối hợp Trung tâm Ứng dụng Tâm lý và Hướng nghiệp 4.0 JobWay tổ chức vào tháng 5-2021.

Hướng nghiệp từ trường phổ thông

Trong chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 (thường gọi là Chương trình GDPT mới) được triển khai thực hiện từ năm học 2020-2021, giáo dục hướng nghiệp được xây dựng trên cơ sở kế thừa ưu điểm của chương trình giáo dục hướng nghiệp hiện hành; bám sát nội dung Ðề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong GDPT giai đoạn 2018-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 522/QÐ-TTg ngày 14-5-2018. Giáo dục hướng nghiệp trong chương trình GDPT bao gồm các hoạt động của nhà trường phối hợp với gia đình và xã hội; nhằm cung cấp tri thức về nghề nghiệp, thị trường lao động; giúp học sinh tự đánh giá sở trường, nguyện vọng, quan niệm về giá trị và điều kiện của bản thân để lựa chọn định hướng nghề nghiệp phù hợp. Chương trình có 2 giai đoạn: Giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và Giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). 

Những năm qua, các trường phổ thông từ bậc tiểu học đến THPT ở Cần Thơ đều có tổ chức công tác tư vấn hướng nghiệp học sinh, với cách thức phù hợp điều kiện của mỗi đơn vị, cấp học. Chẳng hạn ở bậc THCS, nhiều trường tạo điều kiện học sinh lớp 8 và 9 trải nghiệm thực tế ở nhà máy, xí nghiệp, tham quan trường nghề trên địa bàn… Ở bậc THPT, bên cạnh các tiết học giáo dục hướng nghiệp theo quy định, trước thềm mỗi kỳ thi tốt nghiệp THPT đều có nhiều hình thức tư vấn hướng nghiệp.

Năm học 2020-2021 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, một số hoạt động trải nghiệm thực tế của các trường phổ thông bị hạn chế hoặc không thể tổ chức thực hiện. Tuy vậy, ngành giáo dục thành phố, các trường phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở Cần Thơ đã linh hoạt đa dạng nhiều hình thức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh. Một số trường THPT đã đưa nội dung giáo dục khởi nghiệp vào giảng dạy tại đơn vị nhằm giúp học sinh nhận thức đúng đắn về khởi nghiệp, khơi gợi tinh thần tự tạo việc làm, tự thân lập nghiệp, tự chủ, sáng tạo trong việc lựa chọn nghề nghiệp; đồng thời cung cấp những kiến thức và kỹ năng cần có để khởi nghiệp. Ðiển hình là Dự án SAFACO của nhóm học sinh Trường THPT Phan Văn Trị và Trường THPT An Khánh tham gia cuộc thi khởi nghiệp cấp toàn quốc đạt giải Nhì. Dự án không chỉ giúp học sinh phát huy khả năng tư duy, mà còn cho thấy các em trân quý nghề nông và có những ý tưởng sáng tạo về nông nghiệp hiện đại.

Ngoài ra, ngành Giáo dục TP Cần Thơ còn phối hợp Trung tâm Ứng dụng Tâm lý và Hướng nghiệp 4.0 JobWay tổ chức tư vấn trực tuyến chương trình “Kết nối chuyên gia đến từng học sinh TP Cần Thơ” năm 2021, giúp học sinh định hướng chọn ngành, nghề mà vẫn đảm bảo an toàn trước COVID-19.

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng đào tạo

TP Cần Thơ hiện có 5 trường đại học, 2 phân hiệu đại học và 9 trường cao đẳng (chưa kể hệ thống các trường trung cấp) đóng trên địa bàn. Hiện công tác tuyển sinh năm 2021 ở các trường gần như hoàn tất. Theo đánh giá chung của các trường cao đẳng, năm nay chất lượng tuyển sinh đầu vào cao.

Ths Lê Hoàng Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Năm nay chất lượng tuyển sinh các trường cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp nói chung, của trường nói riêng, là khả quan. Do nhu cầu học nghề, trung cấp của thí sinh khá cao. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển làm thủ tục nhập học tại trường đạt trên 70% tổng chỉ tiêu”. Ðây còn là kết quả tất yếu của nỗ lực tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh của trường. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, năm nay Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ gần như không thể tổ chức tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh trực tiếp ở các trường phổ thông, mà chuyển đổi sang hình thức trực tuyến thông qua mạng xã hội; đồng thời luôn gắn kết với các doanh nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm, nâng cao hiệu quả giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp. Nhờ đó đã tác động đến quyết định chọn lựa ngành nghề, trường học của thí sinh.

Tương tự, Trường Cao đẳng Cần Thơ có sáng kiến “Vận dụng mạng xã hội trong công tác tuyển sinh tại Trường Cao đẳng Cần Thơ: Thực trạng và giải pháp”, do Ths Lê Trọng Phong, Phó Giám đốc Trung tâm liên kết đào tạo - Tuyển sinh của trường thực hiện. Ðây là một trong những sáng kiến của TP Cần Thơ có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng trong toàn quốc năm 2021. Sáng kiến đã nhấn mạnh vai trò của mạng xã hội trong tư vấn, hướng nghiệp học sinh phổ thông; giúp người học tiếp cận thông tin tuyển sinh của trường cũng như định hướng học sinh, phụ huynh chọn trường, chọn ngành, nghề phù hợp. Qua thống kê ở thời điểm cuối tháng 6-2021 (học sinh lớp 12 đang chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT), thông qua các kênh vận dụng mạng xã hội, đã có hơn 5.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển bằng hình thức online trên website của trường. Theo TS Hồ Thanh Tâm, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cần Thơ, những năm gần đây học sinh đã có định hướng và quyết định chắc chắn trong chọn ngành nghề phù hợp. Năm nay chất lượng xét tuyển sinh đầu vào của trường cao hơn các năm trước. Ðiều này chứng tỏ các trường phổ thông và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp... đã nỗ lực đẩy mạnh tư vấn, hướng nghiệp, tạo chuyển biến tích cực trong chọn nghề nghiệp cho học sinh.

Thực tế cho thấy, công tác hướng nghiệp không chỉ dừng lại ở việc học sinh chọn ngành, chọn nghề, chọn trường để học sau khi tốt nghiệp phổ thông; mà còn phải được tiếp tục định hướng tại các cơ sở giáo dục đại học hoặc giáo dục nghề nghiệp. Theo các chuyên gia giáo dục, việc thực hiện tốt công tác hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên là “chìa khóa” nâng cao chất lượng đào tạo. Ðiều này đã minh chứng rõ trong “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tư vấn chọn ngành chọn nghề cho người học gắn với công tác tuyển sinh, hướng nghiệp, giải quyết việc làm ở các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp” do TS Ðỗ Thị Tuyết Nhung - Chủ tịch Hội đồng trường và TS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Phòng Ðào tạo, Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ thực hiện. Ðây là một trong các sáng kiến của TP Cần Thơ có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng trong toàn quốc năm 2021. Khi áp dụng các giải pháp trên tại Trường Ðại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ năm học 2020-2021, kết quả ghi nhận so với năm học 2019-2020 tỷ lệ sinh viên bỏ học, thôi học giảm từ 3,79% xuống còn 3,39%; tỷ lệ sinh viên bỏ học, thôi học sau năm thứ nhất học tại trường từ 4,47% giảm còn 4,18%; tỷ lệ sinh viên có việc làm sau một năm tốt nghiệp ra trường tăng từ 91,20% lên 92,85%. 

TS Ðỗ Thị Tuyết Nhung cho biết thực hiện tốt công tác tư vấn hướng nghiệp giúp người học có tâm thế tự tin, yêu thích ngành, nghề đã chọn, biết cách lập kế hoạch để phát triển nghề nghiệp của bản thân, góp phần giảm tỷ lệ bỏ học, nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác tuyển sinh; nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu xã hội, tăng khả năng tìm kiếm và giải quyết việc làm,… mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả về kinh tế, xã hội, giáo dục - đào tạo.

Bài, ảnh: Ng.Ngân

Chia sẻ bài viết