03/05/2014 - 20:34

Hiểm họa giao thông từ dây điện giăng ngang đường

Mới đây, trên tỉnh lộ 925 xảy ra vụ tai nạn giao thông do dây điện giăng ngang đường. Anh Sơn, người dân cư ngụ gần hiện trường xảy ra tai nạn, cho biết: “Lúc đó mới khoảng 5 giờ sáng, tôi đang lui cui bán bún thì nghe có tiếng xe ngã. Tôi chạy ra thì thấy xe tải bị vướng và làm đứt dây điện giăng ngang đường. Vừa lúc ấy, một phụ nữ điều khiển xe gắn máy ngang qua, bất ngờ dây điện rớt xuống khiến người này hoảng sợ, té xe. Dây điện giăng mắc ngang đường, không có biển báo độ cao, đường không có đèn, tài xế ở tỉnh khác nên không rành đường, vướng vào dây điện”. Nhiều trường hợp tử vong do điều khiển xe trên đường bị vướng dây điện giăng ngang đường. Điển hình trường hợp chị T.T.T.D. (25 tuổi, thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu). Khoảng 6 giờ 50, trên quốc lộ 1A, xe chở bia trên tuyến đường từ tỉnh Sóc Trăng xuống tỉnh Bạc Liêu, vướng dây cáp kéo ngang đường. Dây cáp đứt, rớt trúng cổ chị D. đang điều khiển xe gắn máy hướng ngược lại, khiến chị té xuống đường, tử vong.

 Người dân dùng cây tre nhỏ chống đỡ dây điện giăng ngang đường.

Theo quan sát của chúng tôi, một số tuyến đường trong TP Cần Thơ, dây điện, dây cáp võng xuống khá thấp, gây cản trở và nguy hiểm cho các loại phương tiện có chiều cao như xe thu gom rác, xe du lịch chất lượng cao, xe tải… ảnh hưởng mỹ quan đô thị và đe dọa tính mạng của người, phương tiện tham gia giao thông. Ở các tuyến đường nông thôn, một số nơi người dân tùy tiện kéo dây điện giăng ngang đường, rồi chống đỡ bằng cây tre, cây trúc, rất nguy hiểm trong thời tiết mưa, bão xảy ra thất thường. Nguy hiểm nhất là tình trạng đường dây điện người dân sử dụng kéo ngang đường, không có báo hiệu độ cao để người điều khiển phương tiện giao thông biết mà tránh.

Theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định về kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn, điều 18 qui định đường dây đi qua khu vực dân cư, công trình xây dựng khoảng cách thẳng đứng từ dây dẫn thấp nhất ở trạng thái tĩnh đến mặt đất, mặt nước, công trình không nhỏ hơn quy định sau: đến mặt đất khu vực đông dân cư là 6,0m; đến mặt đất khu vực thưa dân cư là 5,0m; đến mặt đường ôtô cấp I, II là 7,0m; đến mặt đường ôtô các cấp còn lại là 6,0m; đến vỉa hè, đường dành cho người đi bộ ở đoạn nhánh rẽ vào nhà 3,5m. Ngoài ra, theo qui định khoản 5, điều 11, Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt ngày 13-11-2013, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với cá nhân ném đinh, rải đinh hoặc vật sắc nhọn khác, đổ dầu nhờn hoặc các chất gây trơn khác trên đường bộ, chăng dây hoặc các vật cản khác qua đường, gây nguy hiểm đến người và phương tiện tham gia giao thông. Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải tháo dỡ công trình trái phép; tháo dỡ dây, các vật cản; thu dọn vật liệu, rác thải, đồ vật chiếm dụng mặt đường; thu dọn đinh, vật sắc nhọn và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Như vậy, ngành chức năng địa phương cần thường xuyên kiểm tra, xử phạt người dân, tổ chức vi phạm qui định của Nhà nước để đảm bảo an toàn giao thông cũng như tài sản, tính mạng con người.

Bài, ảnh: H.Hoa

Chia sẻ bài viết