21/05/2024 - 15:50

Hậu quả hành xử côn đồ 

Từ đầu tháng 5-2024 đến nay, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Cần Thơ xét xử nhiều vụ án giết người với hình phạt nghiêm khắc. Ða số các vụ án đều bắt nguồn từ nguyên nhân xã hội, mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cư xử, ăn nói… nhưng khiến người mất mạng, kẻ vào tù. Nếu như các bị cáo bình tâm suy nghĩ, đừng để nóng giận đánh mất lý trí thì đâu xảy ra thảm cảnh.

Ngày 9-12-2023, Danh Tròn (44 tuổi, ngụ tỉnh An Giang) dự đám giỗ tại nhà người quen thì gặp anh Nam. Tròn hỏi mượn tiền, anh Nam hứa chiều đưa, sau đó về trước. Không thấy anh Nam quay lại nên Tròn đi tìm và gặp anh này đang uống bia và hát karaoke tại nhà anh Út (gần nhà Tròn) với người quen, trong đó có anh H. Tròn vào hỏi thì anh Nam hẹn đến 16 giờ đưa tiền.

Lúc này, Tròn nghe anh Út đang hát nên nói “Dàn nhạc này nhỏ, ca dở muốn chết, ông trả người ta đi, tôi kêu dàn nhạc lớn về chơi”, anh Út nói lại “Nhà tao, tao muốn chơi sao thì chơi”, Tròn chửi anh Út rồi bước ra ngoài. Bực tức, anh Út cầm ly thủy tinh ném trúng vào ngực của Tròn, đôi bên phát sinh mâu thuẫn. Vợ của Tròn nghe tiếng chồng la hét nên qua can ngăn, kéo Tròn về nhà.

Sự việc không dừng lại ở đó, Tròn nảy sinh ý định trả thù nên lấy con dao giấu vào người, rồi đến ngồi ở đường lộ thuộc xã Vĩnh Trinh (huyện Vĩnh Thạnh), cách nhà anh Út khoảng 3 mét, đợi thời cơ ra tay. Thấy Tròn, anh H đi lại cự cãi và đưa tay lên định đánh, Tròn lấy dao đâm mạnh vào vùng bụng anh H rồi bỏ chạy, sau đó đến công an đầu thú. Anh H được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong trên đường đến bệnh viện.

Ðầu tháng 5-2024, TAND TP Cần Thơ đưa vụ việc ra xét xử. Ngoài hình phạt 19 năm tù về tội giết người, tòa còn buộc bị cáo phải cấp dưỡng 1,8 triệu đồng hằng tháng để nuôi 2 con của bị hại (sinh năm 2017 và 2019) đến khi đủ 18 tuổi.

Vợ Tròn buồn bã kể hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, hai vợ chồng ở nhờ bên nhà mẹ vợ Tròn. Do không có nghề nghiệp ổn định, ai kêu gì Tròn làm đó, thu nhập bấp bênh. Vợ Tròn mới xin được việc hơn tháng nay, không biết kiếm đâu số tiền hằng tháng cấp dưỡng nuôi con của bị hại. Thấy vợ khóc, Tròn cúi đầu hối hận. Chỉ vì vài câu nói, mà xảy ra kết cục đau buồn cho cả hai gia đình.

Không nghe lời khuyên của cha mẹ, học tới lớp 5, Lý Ðức (sinh năm 2006, ngụ tỉnh An Giang) bỏ ngang, rồi theo bạn xấu lêu lổng. Sau đó, Ðức sử dụng các chất kích thích nên tính tình nóng nảy, thiếu kiểm soát bản thân.

Bị cáo Lý Đức.    

Ðức và H có mối quan hệ bạn bè do thường đi chơi chung. H thường mượn điện thoại của Ðức để sử dụng nhưng không trả lại nên đôi bên phát sinh mâu thuẫn, Ðức nảy sinh ý định giết H.

Ngày 6-7-2023, Ðức uống cà phê cùng nhóm bạn tại quận Thốt Nốt thì H điện hỏi Ðức có giữ giấy cầm điện thoại không. Ðức nói có rồi hỏi H ở đâu để lại rước, mục đích là tìm nơi vắng vẻ để giết. Sau đó, Ðức giấu dao trong người rồi điều khiển mô tô đi tìm H. Thấy H, Ðức kêu lên chở nhưng H không chịu, gọi bạn lại rước, Ðức chạy theo sau. Khi đến nhà bạn của H ở phường Thuận An, bạn kêu H đứng đợi để đi mua thuốc. Lúc này, Ðức giả vờ kêu H khởi động xe giúp. Khi H ngồi lên môtô của Ðức đạp cho máy nổ thì Ðức đứng sau lưng, lấy dao đâm liên tiếp vào vùng lưng của H. Nạn nhân bị té xuống đất thì Ðức tiếp tục dùng dao đâm nhiều nhát vào người H, rồi điều khiển xe khỏi hiện trường. Bạn H đi mua thuốc về thấy H tử vong nên báo công an. Sau đó, Ðức bị bắt khẩn cấp khi đang lẩn trốn tại huyện Vĩnh Thạnh.

Bị cáo Danh Tròn.

Theo kết luận giám định pháp y tâm thần, Ðức bị rối loạn nhân cách hành vi do sử dụng các chất kích thích. Về trách nhiệm hình sự, tại thời điểm thực hiện hành vi phạm tội và hiện tại, Ðức có năng lực chịu trách nhiệm hình sự.

Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo rất côn đồ, vì mâu thuẫn nhỏ mà thủ dao giết người, cần có mức án nghiêm khắc để răn đe. Sau khi cân nhắc, tòa tuyên phạt Ðức 18 năm tù tội giết người, đồng thời công nhận thỏa thuận giữa người đại diện hợp pháp của bị cáo và gia đình bị hại về việc bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 200 triệu đồng…

Phiên tòa khép lại với bao nỗi day dứt. Con cái đi sai đường nhưng phụ huynh không kịp thời phát hiện, uốn nắn. Ðến khi sự việc đã rồi thì mọi sự oán trách, hối tiếc đã không còn tác dụng…

Những vụ án trên là lời cảnh tỉnh cho những ai có xu hướng hành xử bạo lực. Khi xảy ra xung đột, phải bình tĩnh giải quyết, ứng xử có văn hóa, trách nhiệm với bản thân và gia đình, đừng nông nổi mà gây họa. Ðể góp phần kiềm chế tội phạm giết người, cơ quan chức năng cần làm tốt công tác phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, biết chùn tay khi có ý định manh nha phạm pháp.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

 

Chia sẻ bài viết