28/09/2014 - 16:44

Hậu cần cho bài toán chất lượng lúa đặc sản

Đề án Phát triển vùng sản xuất lúa đặc sản tỉnh Sóc Trăng đã đi được hơn 2/3 chặng đường với nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cũng cho thấy những lỗ hổng trong đó, có vấn đề hậu cần.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Đề án Phát triển lúa đặc sản, diện tích lúa đặc sản, lúa thơm các loại ở Sóc Trăng tăng dần. Năm lương thực 2012, toàn tỉnh đã gieo trồng lúa thơm đặc sản được hơn 57.610 ha, trong đó, diện tích trồng lúa thơm ST nhiều nhất với 26.632 ha, giống tài nguyên mùa 7.423 ha, còn lại là các giống lúa thơm nhẹ khác. Năm 2013, diện tích sản xuất lúa đặc sản đạt trên 83.550 ha, trong đó có 30.798 ha trồng lúa thơm ST và 9.309 ha giống tài nguyên mùa. Riêng vụ đông xuân 2013-2014, vùng đề án đã gieo trồng 45.131 ha lúa đặc sản các loại, trong đó lúa ST đạt 18.935 ha, lúa tài nguyên đạt 8.135 ha.

Đề án cũng xây dựng được nhiều mô hình sản xuất lúa đạt chất lượng; phối hợp cùng địa phương chuyển giao kỹ thuật về quy trình canh tác, kỹ thuật sản xuất giống và bảo vệ thực vật, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ về thâm canh lúa đặc sản cho nông dân trong vùng đề án. Việc ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa theo “1 phải, 5 giảm” không chỉ giúp giảm số lần phun thuốc, giảm được tỷ lệ đốt đồng, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính, mà còn đảm bảo cho hạt gạo đặc sản đạt chất lượng và an toàn hơn cho người tiêu dùng khi sử dụng. Các chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất lúa đặc sản được các cấp chính quyền quan tâm. Ngoài nguồn ngân sách tỉnh, các huyện, thị đã có cơ chế hỗ trợ về lúa giống, khuyến nông phù hợp với điều kiện địa phương.

 Nhân lực thu mua và năng lực sấy hạn chế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng lúa đặc sản.

Theo ông Từ Thanh Kiệt, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng, thu nhập của nông dân trồng lúa ST 20 do công ty bao tiêu ở vụ đông xuân 2013-2014 cao hơn trồng lúa thường 9,1 triệu đồng/ha, tăng 34% thu nhập, nên nông dân an tâm đầu ra vì được doanh nghiệp bao tiêu 100% với giá cố định theo hợp đồng đã ký. Còn theo kết quả điều tra, thống kê của ngành nông nghiệp, với năng suất lúa đặc sản trong cánh đồng mẫu cao hơn từ 7-10%, chi phí sản xuất thấp hơn từ 800-900 đồng/kg lúa tươi và giá bán cao hơn từ 500-1.500 đồng/kg (tùy loại giống), lợi nhuận từ lúa đặc sản, lúa thơm các loại trong cánh đồng mẫu đạt từ 22,6 - 28,9 triệu đồng/ha, cao hơn bên ngoài từ 6-8 triệu đồng/ha và bằng 57-61% tổng thu nhập.

Tuy nhiên, tại cuộc họp triển khai thí điểm liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn trong vụ hè thu và vụ đông xuân 2014-2015 do Sở NN&PTNT Sóc Trăng tổ chức vào hạ tuần tháng 5, ông Từ Thanh Kiệt cho biết: Công ty đang gặp khó ở năng lực sấy và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác thu mua lúa tại ruộng khi vào vụ thu hoạch rộ. Đây cũng chính là một trong những “rào cản” làm cho chất lượng lúa đặc sản (chủ yếu là giống ST5 và ST20) không được đảm bảo theo nguyên gốc. Ông Kiệt chia sẻ: “Với hợp đồng bao tiêu 1.000ha trong vụ đông xuân vừa qua thật sự là một áp lực lớn đối với công ty trong việc thu mua và sấy khô. Bởi vì thu hoạch chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn. Việc chậm trễ trong thu mua không chỉ gây bức xúc cho nông dân, mà còn làm giảm chất lượng hạt gạo khi xay xát”. Theo giải thích của kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, có nhiều vi sinh vật bám trên vỏ trấu của hạt lúa sau khi thu hoạch, nếu không làm khô kịp thời sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các vi sinh vật này phát triển, gây nên tình trạng ẩm mốc và xa hơn là làm cho hạt gạo chuyển sang ẩm vàng, giảm phẩm chất. Vì vậy, cần sấy khô ngay hạt lúa 24 giờ sau khi thu hoạch, mới có thể đảm bảo chất lượng và mùi thơm hạt gạo.

Không chỉ có Công ty Lương thực Sóc Trăng gặp khó trong vấn đề thu mua và phơi sấy, mà phần lớn các doanh nghiệp tham gia hợp đồng tiêu thụ lúa thơm, lúa đặc sản tại cánh đồng mẫu đề vướng phải vấn đề này. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có Công ty TNHH TMDV Thành Tín có hệ thống lò sấy hiện đại với công suất lớn, còn lại chủ yếu là lò sấy tĩnh vĩ ngang cải tiến. Để giải quyết vấn đề trên, nhiều ý kiến đề xuất, tỉnh nên hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất lúa đặc sản trang bị lò sấy, để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. Mặt khác, các ngành, các cấp cần tuyên truyền, vận động nông dân hợp tác vận chuyển lúa hàng hóa đến tận kho doanh nghiệp khi thu hoạch. Cách làm này đã được Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang triển khai thực hiện tại nhà máy ở Bạc Liêu khá thành công, vì mọi chi phí vận chuyển, ăn nghỉ của nông dân trong quá trình bán lúa đều được công ty chi trả.

Những kết quả tích cực sau hơn 2 năm triển khai đề án là rất rõ ràng và có tính khả thi cao. Tuy nhiên, để đề án thành công trọn vẹn vấn đề hậu cần cần được quan tâm nhiều hơn, đặc biệt là khâu phơi sấy. Ông Từ Thanh Kiệt thừa nhận: “Công ty rất muốn mở rộng liên kết tiêu thụ lúa đặc sản (nhất là lúa ST20), nhưng không đủ nhân lực để thu mua tận ruộng và nhất là hệ thống lò sấy. Vì vậy, nếu các tổ hợp tác, hợp tác xã hay cánh đồng mẫu có lò sấy và đồng ý bán lúa tại kho nhà máy của công ty, việc triển khai mở rộng diện tích trong thời gian tới là không quá khó”.

Bài, ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Chia sẻ bài viết