Bài, ảnh: Ngọc Anh
Từ trước khi các loại hình sân khấu như cải lương, kịch nói… ra đời, thì hát bội rất được yêu thích ở Nam Bộ nói chung, Cần Thơ nói riêng. Loại hình nghệ thuật truyền thống này có lịch sử phát triển lâu đời và đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân từ xưa đến nay.
Câu lạc bộ tuồng cổ Phương Ánh biểu diễn.
Ðôi nét về sự hình thành hát bội
Có nhiều lý giải về tên gọi hát bội hay hát bộ. Bội là làm cho nhiều hơn, tức là từ hành động kịch trên sân khấu, người xem thưởng thức bằng cách liên tưởng và hình dung. Ví dụ thấy diễn viên diễn với roi ngựa thì hiểu là họ đang cưỡi ngựa, cầm chèo là đang đi thuyền… Ðây cũng là đặc trưng ước lệ của sân khấu Á Ðông. Về sau có giả thuyết cho rằng chữ bội gắn liền với "bội bạc", coi rẻ người trình diễn là "xướng ca vô loài", nên triều đình sửa tên thành hát bộ - mang nghĩa loại hình kịch hát gắn liền với điệu bộ, vũ điệu.
Tìm về lịch sử, hát bội bắt nguồn từ các loại hình diễn xướng dân gian xuất hiện từ rất lâu đời ở nước ta. Từ những cuộc múa hát ngẫu hứng sau khi thắng trận, hoặc bội thu từ săn bắn của các bộ lạc... đến khoảng thế kỷ thứ X, múa hát ngẫu hứng đi dần vào "bài bản".
Nhiều sách sử ghi chép "Múa xuân phả" có từ thời nhà Ðinh, với các vũ công múa, diễn trò có hóa trang, đeo mặt nạ. "Múa xuân phả" diễn vào dịp Tết, gồm nhiều diễn viên, có tướng sĩ nhập vai gần như diễn tuồng bằng ngôn ngữ múa ước lệ, chuyển động đội hình hàng dọc, hàng ngang; có tướng ra vung roi chạy lên, quân sĩ cúi chào, đánh võ… Lớp "Múa xuân phả" còn có hát đệm nhạc, tiền đề cho diễn tuồng sau này. Nhiều tài liệu cũng ghi chép về "Lễ cầu hồn" tại Ðông Anh; tục "Hát sắc bùa" để chúc Tết, xua đuổi tà ma, dịch bệnh của đồng bào dân tộc Mường; "Hò bá trạo" ở miền Trung là một loại hình diễn xướng dân gian mô tả các động tác của ngư dân trên biển… Các loại hình diễn xướng dân gian được đưa vào cung đình phục vụ giải trí. Sau đó triều đình mới cho các quan văn chỉnh đốn, soạn tuồng để cung nhân tập hát rồi lập ra một ban hát tại kinh thành. Do đó hình thành 2 loại tuồng: tuồng ngự, tuồng pho (mang tính bác học), tuồng đồ (mang tính bình dân).
Danh xưng "Ðào - Kép" cũng từ hát bội mà ra. Tương truyền rằng, vào khoảng thời Lý (thế kỷ XI), có một cuộc múa hát trong cung đình, một số nam nữ diễn tuồng nhưng chưa có danh xưng. Vua ban tặng cho một diễn viên nữ tên là Ðào Hoa và vị tổng quản là quan Quản Kép. Về sau triều đình lấy chữ "Ðào" gọi chung cho nữ diễn viên và "Kép" gọi chung cho nam diễn viên. Tên gọi "Tuồng" cũng ra đời vào thời kỳ này.
Thời nhà Trần (thế kỷ XIII), sau ba lần nước ta đánh bại quân Nguyên Mông xâm lược, trong số tù binh có một người rất giỏi nghề hát xướng là Lý Nguyên Cát. Ông vốn là người Hán, cũng là diễn viên Hí kịch chuyên biểu diễn giúp vui cho quân sĩ. Ông được các quan lại nhà Trần giữ lại để phục vụ và truyền dạy sở trường. Diễn xướng dân gian nước ta bắt đầu tiếp thu các yếu tố đầy đủ của tuồng hát: kịch bản, diễn viên và sân khấu. Trong các thế kỷ XIV-XV, nhiều quan lại, văn sĩ chủ trương đưa các tuồng tích Việt vào các tuồng hát thay cho các vở diễn có nguồn gốc từ các pho truyện, điển tích Trung Hoa.
Ðến thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1533-1788), nghệ thuật hát tuồng nước ta có sự phát triển đáng chú ý. Trong số quan lại của chúa Nguyễn, có ông Ðào Duy Từ (1572-1634) rất giỏi về âm nhạc và tổ chức âm nhạc. Ðào Duy Từ là người huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa, do xuất thân con nhà hát xướng nên không được đi thi ở triều Lê. Phẫn chí, ông vào Ðàng trong, được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng dụng phong làm quan Nội tán, tước Lộc Khê hầu. Ông lập ra "Hòa thanh thự" trong triều đình gồm ba đội. Ðội nhất, đội ba chuyên về nhạc, đội nhì chuyên về ca, múa. Tương truyền Ðào Duy Từ là người mang nghệ thuật tuồng để cải tiến và phát triển ở miền Trung và về sau lan truyền vào Nam Bộ.
Thời nhà Nguyễn (1802-1945), âm nhạc cung đình rất phát triển, chủ yếu là lễ nhạc. Các vua nhà Nguyễn, nhất là vua Minh Mạng và vua Tự Ðức rất giỏi và am hiểu thơ phú, văn chương, say mê nghệ thuật, nhất là hát tuồng.
Hát bội ở Cần Thơ
Từ những năm đầu thế kỷ XX, ở Cần Thơ đã có nhiều gánh hát bội lớn.
Gánh hát bội Bầu Bòn do ông bầu Bòn, một người quê quán ở Phụng Hiệp thành lập, không chỉ nổi tiếng ở Cần Thơ mà còn khắp Nam kỳ lục tỉnh. Cố Viện sĩ, Giáo sư Lưu Hữu Phước (1921-1989) quê quán ở xã Thới Thạnh, Ô Môn, có kể lại ký ức về cả làng nơi ông ở ai cũng mê xem hát và hoan nghênh các đoàn hát bội bấy giờ, trong đó có gánh hát Bầu Bòn, mà vợ ông ấy nổi tiếng đóng vai Lữ Bố.
Gánh hát bội Tân Lập Ban do ông Nguyễn Văn Lễ (Bầu Lễ), quê ở xã Hiệp Hưng, Phụng Hiệp thành lập; phát triển mạnh với 50-60 diễn viên, đi lưu diễn các đình làng tại Cần Thơ và nhiều nơi như Cà Mau, Bạc Liêu, Châu Ðốc, Vĩnh Long... Ba người con trai của Bầu Lễ tách ra thành lập thêm 3 gánh hát bội nữa: Hữu Ân, Hữu Nghĩa và Phước Tấn. Gánh Phước Tấn có hậu cứ tại Bến bắc Cần Thơ. Cháu của ông bầu Phước Tấn là diễn viên Phương Ánh kế nghiệp của cậu, lập ra câu lạc bộ tuồng cổ, sau là đoàn tuồng cổ Phương Ánh còn hoạt động cho đến ngày nay.
Gánh hát bội Thành Phước có nguồn gốc từ một gánh hát bội ở miền Trung, có cô đào chính là Nguyễn Thị Năm. Khi vào lưu diễn ở Cần Thơ, cô Năm kết duyên với một phú nông ở Phương Bình, Phụng Hiệp là ông Huỳnh Văn Lắm. Ông Lắm bán đất ruộng cùng vợ lập ra gánh Thành Phước đi lưu diễn nhiều nơi. Gánh Thành Phước có bản doanh ngày nay là tại phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
Nghệ sĩ hát bội nổi tiếng của Cần Thơ trong thời gian này có Ngọc Việt, Ngọc Mè, Kim Tiền, cô Chín Trăm, cô Năm Nhỏ... Trong đó cô Năm Nhỏ được được nhân dân tôn vinh là một trong những hậu tổ của hát bội.
Các đoàn trình diễn nhiều vở tuồng. Nổi tiếng nhất là vở "Kim Thạch kỳ duyên" của Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa. Vở nguyên gốc viết bằng chữ Nôm chưa xác định được sáng tác vào năm nào, nhưng đã được xuất bản 10 lần (trong đó 6 lần bằng chữ quốc ngữ, 4 lần bằng chữ Pháp). Các bản xưa nhất có: Bùi Quang Nhơn (1895), Tuồng Kim Thạch kì duyên, Imprimerie Liprairie Nouvelles Claude & Cie, Sài Gòn; Trung Bắc tân văn (1919), Tuồng Kim Thạch kì duyên, par Bui Quang Nghia dit Thủ Khoa Nghĩa annoté e publie par Thạnh Phát - Cần Thơ, Imprimerie Trung Bắc tân văn; An Hà (1932), Tuồng Kim Thạch kì duyên, par Bui Quang Nghia dit Thủ Khoa Nghĩa, Nhà in An Hà, Cần Thơ...
***
Ngày nay, việc bảo tồn nghệ thuật hát bội là bức thiết. Những năm gần đây, tỉnh Vĩnh Long đã thử nghiệm tổ chức các tour du lịch tham quan đình thần kết hợp trải nghiệm xem trích đoạn hát bội. Ở Cần Thơ, trong tích Khu tưởng niệm Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa có thể dàn dựng, biểu diễn một số trích đoạn tuồng "Kim Thạch kỳ duyên", để vừa tôn vinh danh nhân, vừa tăng chiều sâu văn hóa, thu hút du khách.
----------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Hội Khai Trí Tiến Ðức, (1931), "Việt nam tự điển", nhà in Trung bắc Tân Văn Hà Nội;
2. Huỳnh Tịnh Paulus Của, (1895), "Ðại Nam Quốc Âm tự vị", Saigon, Imprimerie Rey, Curiol;
3. Ðoàn Nồng, (1942), "Sự tích và nghệ thuật hát bộ", NXB Văn Học Tùng Thư, Mai Lĩnh.