24/07/2020 - 09:55

Hành hương mùa hè 

Hàng năm, thường vào dịp đầu mùa hè, nhiều người ở Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL thường tổ chức đoàn hành hương về các chùa, núi non miền Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Thời gian chừng một tuần cho mỗi chuyến đi vừa vãn cảnh, vừa hướng tấm lòng đến những điều thiện mỹ.

Một góc Cổ Thạch Tự.

►Núi Chứa Chan

Thông thường các đoàn hành hương chọn điểm dừng chân đầu tiên là núi Chứa Chan thuộc huyện Xuân Lộc, tỉnh Ðồng Nai. Núi còn có tên Gia Lào, là ngọn núi cao thứ hai ở Nam Bộ với độ cao 837m so với mực nước biển. Ði bộ là cách tiếp cận danh thắng này của đa số đoàn hành hương, du khảo. Khách sẽ gặp nhiều dòng suối nhỏ chảy róc rách len dưới những rừng cây thâm u. Khoảng chừng nửa đường lên đỉnh, bắt đầu xuất hiện nhiều chùa: Bửu Quang, Lâm Sơn, Linh Sơn và các công trình như nhà nghỉ mát của người Pháp, vườn trà của vua Bảo Ðại… Ở đây có các “giếng tiên” như miệng thúng, nước không bao giờ cạn và xuất hiện thành một quần thể độc đáo; hay cây đa “ba gốc một ngọn”... 

Các ngày lễ hội lớn ở núi Chứa Chan như lễ Thượng ngươn, Trung ngươn, Hạ ngươn, Giỗ Tổ Khai sơn... thu hút đông đảo nhân dân, du khách. Ðường đến núi Chứa Chan khá dễ dàng: từ TP Biên Hòa, du khách đi theo quốc lộ 1A khoảng 70km đến ngã ba Ông Ðồn, rẽ theo tỉnh lộ 766 về hướng Ðông Bắc khoảng 2km, nhìn bên trái thấy bảng tên thắng cảnh núi Chứa Chan, rẽ vào đường nhựa khoảng 3,5km là đến chân núi.

►Cổ Thạch Tự huyền bí

Theo quốc lộ 1 về Bình Thuận, các đoàn hành hương thường đến Cổ Thạch Tự (hay chùa Hang, chùa Ðá), xã Bình Thạnh, huyện Tuy Phong. Chùa cách TP Phan Thiết 105km về hướng Bắc, tồn tại hơn 100 năm, nằm sát biển. Ðây một trong những danh thắng nổi tiếng ở Nam Trung Bộ. Khu vực Cổ Thạch được hình thành từ những tảng đá khổng lồ, hình thù kỳ lạ, gác tựa và chồng chất lên nhau tạo ra những hang động. Mỗi hang động thờ một vị Phật, hoặc Bồ Tát... Hang thờ Tổ Khai sơn Cổ Thạch Tự - nhà sư Bảo Tạng - có tượng nhà sư và bài vị các nhà sư khác.

Ðến Cổ Thạch Tự vào dịp Rằm hay các ngày lễ lớn của Phật Giáo, du khách sẽ được hòa mình vào không khí thành kính nhưng vui tươi, từ bi. Lúc này cờ, phướn bay phấp phới. Gió biển mát lành thổi  qua đồi đá cheo leo. Tiếng tụng niệm, tiếng mõ, tiếng chuông văng vẳng giữa khói hương trầm ngan ngát… Những ngày này, nhà chùa tổ chức cơm miễn phí với nhiều món chay thanh đạm, ngon miệng. Dọc hai bên đường vào chùa là những gian hàng lưu niệm như vật dụng và trang sức được chế tác bằng san hô, ốc biển; cối, ấm trà, bình cắm hoa, vòng đeo tay, chuỗi hạt… chế tác từ đá Cổ Thạch. Trái cây địa phương cũng rất phong phú: thanh long, chuối sứ, nho xanh, dứa gai, xoài hòn… 

Ðường lên chùa Hang thông thoáng nhưng quanh co. Ðồi đá Cổ Thạch có nhiều hang động với vẻ nguyên sơ độc đáo. Khách cũng có thể vòng xuống bãi Cà Dược ngắm hàng triệu viên đá với bảy màu: đen, trắng, vàng, xám, nâu, hồng, tím đậm. Bãi đá này chạy dài hơn 1km dưới chân đồi Cổ Thạch.

Viếng chùa Linh Phước

Những đoàn hành hương thường không thể bỏ qua Ðà Lạt và đến đây thì sẽ viếng chùa Linh Phước - còn có tên dân gian là chùa Ve Chai vì trong sân chùa có con rồng dài 49m được làm bằng 12.000 vỏ chai bia. Chùa tọa lạc tại 120 Tự Phước, phường 11, TP Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng, trên quốc lộ 20, cách trung tâm Ðà Lạt 8km.

Người hành hương đến chùa Linh Phước sau khi dâng hương bái Phật sẽ được chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc công phu, độc đáo. Chánh điện và tiền đàn bảo tháp là những công trình đồ sộ được chạm trổ hình rồng. Có 2 hàng cột rồng khảm mảnh sành sứ dọc theo chánh điện. Bên trên 2 hàng cột ấy là những bức phù điêu khảm sành mô tả cuộc đời Ðức Phật Thích Ca. Hai bên vách chánh điện phía trên chạm khắc những bức tranh về điển tích các bộ kinh Phật. Tất cả đều có vẻ đẹp hoành tráng, sống động.

Tòa Linh tháp 7 tầng, cao 37m là nơi đặt các tượng Phật và cũng là bảo tàng viện. Lầu 1 còn có đại hồng chung được đúc vào cuối năm 1999, cao 4,3m, đường kính 2,3m và nặng tới 8,5 tấn. Toàn bộ ngôi tháp được trang trí rồng phượng hoa văn điển tích. Từ mái đến các vách trong ngoài, cầu thang, bao lơn, cột cửa đều khảm sành rất công phu, tinh tế bằng hàng chục vạn miểng sành sứ đến từ các làng nghề gốm nổi tiếng Việt Nam. Gây ấn tượng mạnh mẽ với khách hành hương đến đây còn có “Chín tầng địa ngục” với tranh, tượng mô tả những hậu quả con người phải gánh chịu nếu gây nghiệp ác. 

Mỗi một đoàn hành hương thường sẽ có lịch trình và còn có nhiều điểm đến yêu thích khác, trên đây là những điểm phổ biến, được nhiều người yêu thích.

Bài, ảnh: HOÀNG THÁM

Chia sẻ bài viết