12/11/2016 - 07:48

Hành động vì thành phố văn minh

Nghị quyết 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự, kỷ cương đô thị trên địa bàn thành phố đến năm 2020 (gọi tắt là Nghị quyết 03-NQ/TU) được xem là "đòn bẩy" nâng chất phong trào văn hóa. Qua 5 năm thực hiện, ngoài việc diện mạo thành phố ngày càng văn minh, sạch đẹp, điều đáng quý là cách sống văn hóa, vì cộng đồng dần trở thành nếp nghĩ, nếp làm của người dân Cần Thơ.

Những mô hình hay

Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, đồng chí Trần Việt Trường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, cho rằng, công tác xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được chú trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Diện mạo đô thị Cần Thơ ngày càng khang trang, sạch đẹp, mà minh chứng là thành phố vừa được trao giải thưởng Cảnh quan châu Á năm 2016. Thành quả đó nhờ những công trình mới được đầu tư xây dựng như cầu đi bộ, cải tạo không gian bến Ninh Kiều, lập lại trật tự ở chợ nổi Cái Răng… cùng với việc trang trí đường đèn, đường hoa dịp Tết, tạo không gian văn hóa cộng đồng.

Đô thị vùng sông nước Cần Thơ thêm đẹp, văn minh sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU. Ảnh: DUY KHÔI 

Đặc biệt, mỗi quận, huyện đều sáng kiến những mô hình văn hóa hay, cụ thể hóa Nghị quyết 03-NQ/TU bằng những việc làm hợp thực tế. Ông Dương Tấn Hiển, Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, cho biết, các phường của quận đã xây dựng nhiều mô hình như "Phường không xây dựng lấn chiếm" (phường An Khánh), "Phường sạch rác", "Thực hiện nếp sống văn hóa- văn minh trong hoạt động thương mại, dịch vụ" (phường An Cư), "Bãi giữ xe văn minh" và "Đường Hai Bà Trưng sạch đẹp" (phường Tân An)… tạo thành phong trào rộng khắp. Điển hình như mô hình "Phường sạch rác" ở phường An Cư, sau 5 năm thực hiện được bà con đồng tình qua việc phân loại rác, bỏ rác đúng nơi quy định. Hơn một năm qua, Đoàn Phường An Cư còn nghĩ ra "Tiếng kẻng thanh niên", vận động thanh niên và người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường vào mỗi cuối tuần.

Đến đường Nguyễn Truyền Thanh, quận Bình Thủy, nhiều người ấn tượng bởi bóng mát của hai hàng bằng lăng ven đường, vỉa hè rộng rãi, sạch đẹp. Người dân buôn bán đúng nơi quy định, rác thải tập kết đúng nơi, đúng giờ. Đó là thành quả của nhiều năm thực hiện mô hình tuyến đường xanh- sạch- đẹp gắn với các tiêu chí: không ma túy, không mại dâm, không cướp giật và an toàn giao thông. Việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm vệ sinh trên tuyến đường giờ không chỉ là việc của ngành chức năng mà được bà con đồng tình ủng hộ. Hay mô hình phân loại rác ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, người dân ngoài được hướng dẫn phân loại rác tại nguồn, còn được địa phương hỗ trợ xây dựng lò tiêu hủy rác (4-5 hộ/lò), giúp đảm bảo vệ sinh môi trường cho xã nông thôn mới này. Ông Trần Văn Khanh, người dân ấp Nhơn Thọ 1, nói: "Tham gia mô hình, ai cũng ý thức xử lý rác đúng quy định, không còn quăng rác xuống sông".

Năm 2016, lần đầu tiên TP Cần Thơ có Liên hoan các mô hình văn hóa tiêu biểu và đã khen thưởng gần 80 điển hình trong xây dựng văn hóa, văn minh đô thị. Con số này cho thấy sự đồng thuận của các địa phương và nhân dân, hành động vì một thành phố văn minh, hiện đại.

Gầy dựng nếp sống văn minh

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU, người dân đã trở thành chủ thể thực hiện và thụ hưởng thành quả văn hóa, văn minh đô thị. Tiêu biểu như ở quận Thốt Nốt, địa phương đã huy động trên 2.645 tỉ đồng thực hiện chỉnh trang đô thị, an sinh xã hội, trong đó nhân dân đóng góp gần 367,5 tỉ đồng. Còn ở phường An Thới, quận Bình Thủy, chỉ trong năm 2015 đã vận động được khoảng 10,6 tỉ đồng chỉnh trang diện mạo địa phương. Hay một điển hình ở quận Ninh Kiều là khu vực 3, phường An Hòa, mới đây đã vận động khoảng 200 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp Nhà thông tin chỉ sau 15 ngày vận động. Kinh nghiệm của những địa phương này là đảm bảo công bằng, minh bạch, vì lợi ích lâu dài của cộng đồng.

Tuy nhiên, bà Hồ Lâm Bạch Vân, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhìn nhận: tốc độ đô thị hóa nhanh chóng đã nảy sinh nhiều vấn đề như kinh doanh, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, tình trạng ô nhiễm môi trường, vứt rác bừa bãi… còn xảy ra. Thật vậy, chỉ trong nội ô quận Ninh Kiều, nhiều kinh rạch ô nhiễm do một bộ phận người dân xây dựng lấn chiếm lòng rạch, vứt rác tràn lan. Nhiều "điểm nóng" về buôn bán lấn chiếm lòng lề đường như ở chợ Tân An, đường Đề Thám, chợ Tầm Vu… vẫn chưa giải quyết triệt để.

Trong 5 năm qua, các ngành chức năng của thành phố đã xử phạt trên 3.500 trường hợp buôn bán không đúng nơi quy định, vi phạm Luật Quảng cáo… với số tiền trên 6 tỉ đồng; xử phạt hành chính trên 700 trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên môi trường, an toàn thực phẩm với số tiền gần 17 tỉ đồng… Tuy nhiên, những con số này dường như vẫn chưa đủ răn đe, để hình thành nên một nếp sống văn minh cho một bộ phận người dân. Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều- Dương Tấn Hiển cũng cho rằng: người dân mua bán, lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn tâm lý "đối phó" lực lượng chức năng. Mặt khác, đa phần họ là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nên đôi khi lực lượng chức năng cũng khó lòng xử phạt theo quy định. Bài toán làm sao để người dân đô thị buôn bán, mưu sinh nhưng phải đúng quy định pháp luật xem ra sẽ khó giải quyết nếu không gầy dựng cho bà con ý thức, sự tự giác thực hiện nếp sống văn minh.

Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết