02/12/2020 - 09:51

Hành động thúc đẩy tiến trình cơ giới hóa ở ĐBSCL 

ĐBSCL cần tăng năng suất lao động, tăng chất lượng, sức cạnh tranh và giá trị của nông sản hàng hóa trên thị trường. Tuy nhiên, trong điều kiện sản xuất nông nghiệp và nguồn nhân lực ở nông thôn hiện nay, việc liên kết với TP Hồ Chí Minh đóng vai trò quan trọng và càng có ý nghĩa hơn khi tất cả cùng hành động.

Máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp của Viện Nghiên cứu Công nghệ Bùi Văn Ngọ được người dân quan tâm.

Máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp của Viện Nghiên cứu Công nghệ Bùi Văn Ngọ được người dân quan tâm.

Cần làm gì?

Hiện nay cơ giới hóa (CGH) ngành trồng lúa ở ÐBSCL khoảng 2 mã lực (CV)/ha . Theo lý thuyết, nếu trang bị CGH ở mức độ 4CV/ha, số mã lực của máy động lực phục vụ cho nhu cầu canh tác và thu hoạch lúa tăng thêm khoảng 3,5 triệu CV.

ÐBSCL đã có nhưng chưa đủ các loại máy: máy làm đất kết hợp với san phẳng mặt ruộng; máy cấy hoặc máy gieo sạ kết hợp với bón phân tan chậm; máy bơm nước; máy bay không người lái (Drone khảo sát, phun thuốc,…); máy gặt đập liên hợp; máy thu hoạch rơm; xe chở rơm; xe chở lúa; máy chế biến rơm.

TP Hồ Chí Minh ý thức vai trò động lực và hỗ trợ với ÐBSCL. Viện Nghiên cứu Công nghệ Sài Gòn và Viện Nghiên cứu Công nghệ Bùi Văn Ngọ sẽ kết hợp để thành lập Trung tâm Cơ khí tự động hóa, làm thí điểm tổ chức sản xuất máy phục vụ CGH nông nghiệp và hiện đại hóa công nghiệp chế biến theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam.

Trung tâm Cơ khí tự động hóa sẽ liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu khoa học trong ngoài nước thực hiện các nội dung: nghiên cứu chế tạo máy phục vụ CGH nông nghiệp của vùng; ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu mới, kim loại chịu lực, chịu mài mòn, chống rỉ sét làm vật liệu chế tạo chi tiết máy nông nghiệp; công nghệ gia công chi tiết máy, thiết kế chi tiết máy, thiết kế máy và các hệ thống thiết bị chế biến nông lâm thủy sản đồng bộ; nghiên cứu ứng dụng các phần mềm điều khiển các thuật toán cho các thiết bị cơ giới tự động hóa và các giải pháp công nghệ thiết bị chế biến nông sản theo hướng ứng dụng kỹ thuật số; áp dụng công nghệ mới vào canh tác, sản xuất, chế biến nông sản, tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn nhân lực trình độ cao có cơ sở nghiên cứu; đào tạo chuyên viên, chuyên gia khoa học công nghệ trong lĩnh vực cơ khí tự động hóa.

Mỗi năm, Trung tâm Cơ khí tự động hóa dự kiến sản xuất các thiết bị CGH nông nghiệp phục vụ từ 210.000-250.000ha đất trồng lúa và phục vụ việc chuyển đổi, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.

Kết thúc thời của hàng “second hand”

Trong các lần hội thi máy gặt đập liên hợp trước đây, máy gặt đập liên hợp của các xưởng cơ khí nhỏ ở ÐBSCL sản xuất như Tư Sang, Út Máy Cày… được các giải Nhất, Nhì, Ba,… do có thiết kế nguyên lý làm việc hợp lý, có kết cấu máy phù hợp, làm việc được trên nhiều nền đất khác nhau, nhất là nền đất yếu, gặt được lúa đổ ngã, tỷ lệ gặt sót thấp. Trong khi đó máy do nước ngoài sản xuất không đạt được các chỉ tiêu lý thuyết này.

Đến năm 2030, theo định hướng chuyển dịch mô hình tăng trưởng nông nghiệp ở ĐBSCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích canh tác lúa toàn vùng còn 1,6 triệu héc-ta (giảm khoảng 300.000ha). Thủy sản và trái cây đóng vai trò quan trọng trong việc tăng thu nhập cho nông dân. Cây lúa đứng trước yêu cầu CGH ngày càng bức bách hơn.

Về sau, các công ty nước ngoài tập hợp những nông dân và lắng nghe ý kiến các thợ cơ khí nhỏ đã tiếp thu những sáng kiến cải tiến kỹ thuật từ các thợ địa phương. Nhờ chuẩn hóa, tính lắp lẫn và chất lượng kim loại của các chi tiết phụ tùng nước ngoài cao hơn. Các máy gặt đập liên hợp ngoại nhập hoạt động ổn định hơn đã dần dần đáp ứng được yêu cầu ở xưởng cơ khí nhỏ ở ÐBSCL sản xuất như Tư Sang, Út Máy Cày.

Nhưng cũng vì lý do đó mà các xưởng cơ khí nhỏ ÐBSCL thua ngay trên ruộng nhà bằng chính các cải tiến của mình và dần dần thu hẹp quy mô sản xuất máy gặt đập liên hợp.

Nguồn cung cấp chính cho nhu cầu CGH trong thời gian qua cho thấy khoảng  80% là máy “second hand” (máy rớt đời), máy “brand  new” (máy xách tay mới 100%) nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 20%. Nguồn cung cấp máy và phụ tùng từ máy “second hand” được nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, kể cả Campuchia và Thái Lan. Các xưởng cơ khí nhỏ mua máy “second hand” về độ lại, lấy phụ tùng thay thế rồi chế lại, cung ứng cho thợ sửa chữa máy nông nghiệp. Máy cũ lại không hoạt động ổn định. Chi phí sửa chữa máy cũ rất cao do không có thợ cơ khí sửa chữa lành nghề và phụ tùng thay thế của các xưởng cơ khí nhỏ sản xuất cũng không đạt chuẩn mặc dù giá thấp hơn phụ tùng ngoại nhập.

Trong khi đó khối lượng máy động lực, máy mới sản xuất trong nước chiếm thị phần rất nhỏ và ngày càng giảm dần khi nhiều doanh nghiệp chuyển sang làm công nghiệp phụ trợ cho các ngành công nghiệp chế tạo máy khác.

Các thợ cơ khí chế tạo máy nông nghiệp của các xưởng cơ khí nhỏ, thợ sửa chữa máy, thợ lái máy tự học là chính, lớp trước truyền nghề cho lớp sau tự mày mò… nghiên cứu từ thực tiễn nhờ sáng dạ, yêu nghề, chịu đựng mọi gian khó, khắc nghiệt, bám máy, phục vụ hoạt động cơ giới liên tục trên đồng ruộng. Những đóng góp của đội ngũ này với những cải tiến, sáng tạo, chuyển đổi tính năng của máy nhập khẩu “second hand”, thích nghi với đồng ruộng Việt Nam hoạt động rất hiệu quả, thật đáng trân trọng. Nhưng nguồn nhân lực gồm thợ sửa chữa máy nông nghiệp, các xưởng cơ khí nhỏ sản xuất phụ tùng và các nhóm dịch vụ CGH nông nghiệp ngày càng ít đi.

Tuy nhiên, nhìn lại các dòng máy kéo, máy canh tác, các hệ thống máy chế biến nông sản tự động hóa hiện có trên thị trường ÐBSCL, phải thẳng thắn nói rằng từ đào tạo, nghiên cứu chuyển giao cho đến các chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư chưa có tác động lớn trong việc nâng cao hiệu quả CGH nông nghiệp và chế biến nông sản từ nội lực.

Tiếp cận từ nguồn lực có thực

Trên nền tảng của ngành cơ khí chế tạo máy truyền thống, các dòng máy ứng dụng kỹ thuật số trong điều khiển được sản xuất, các thành tựu công nghệ ứng dụng hỗ trợ nông nghiệp thông minh… một đơn vị máy canh tác phải hoạt động trên 350ha/năm, trên diện tích đất trồng 2 vụ lúa/năm.

ÐBSCL cần khoảng 5.000 đơn vị CGH. Vốn đầu tư cho 1 đơn vị CGH trên đất lúa dự kiến tối thiểu từ 3 tỉ đồng trở lên. Nhu cầu đầu tư cho 5.000 đơn vị CGH trong canh tác lúa ở ÐBSCL cần tối thiểu là 15.000 tỉ đồng. Mỗi năm thay thế 1/3 số lượng trị giá trên 5.000 tỉ đồng.

Trung tâm Cơ khí tự động hóa là tổ chức liên kết đa ngành, tập hợp nhiều thành phần, gồm nhà nghiên cứu khoa học công nghệ, cơ khí chế tạo máy CGH nông nghiệp, chế biến nông sản dịch vụ CGH, cung ứng vật tư nông nghiệp, thu mua chế biến nông sản, đầu tư sản xuất nông nghiệp, lần đầu tiên được thành lập để hỗ trợ ÐBSCL. Trung tâm Cơ khí tự động hóa sẽ liên kết các doanh nghiệp có thương hiệu dẫn đầu nghiên cứu phương thức hợp tác đầu tư vào nông nghiệp. Ðầu tiên là kích hoạt các hợp tác xã (HTX) dịch vụ CGH nông nghiệp, hỗ trợ kỹ thuật gia tăng chất lượng dịch vụ CGH nông nghiệp, cung ứng vật tư nông nghiệp và thu mua chế biến nông sản.

Thông qua HTX, nông dân được cung ứng vật tư đầu vào và những kỹ thuật tiên tiến, những giải pháp khuyến nông hiệu quả. Các doanh nghiệp dẫn đầu đóng vai trò dẫn dắt. Nhà nước tác động vào chính sách khích lệ nông nghiệp chuyển đổi, thông qua doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu xã hội, bảo đảm vốn đầu tư, bảo hiểm sản xuất cho nông dân.

Trong tương lai, doanh nghiệp, HTX, các công ty cổ phần dịch vụ nông nghiệp sẽ vận hành theo mô hình công ty cổ phần. Viện Nghiên cứu công nghệ Sài Gòn là thành phần nòng cốt trong công ty cổ phần này.

Kế đó là, phát huy vai trò các xưởng cơ khí nhỏ. Nếu mục tiêu phục vụ 5.000ha đất lúa đối với một xưởng cơ khí nhỏ thì góc tiếp cận sẽ là 30 HTX dịch vụ CGH nông nghiệp. Mỗi HTX làm dịch vụ CGH nông nghiệp có 10 đội CGH. Trung tâm sẽ chịu trách nhiệm bảo hiểm đầu tư từ 60-70% vốn mua máy cho nông dân và đảm bảo hoạt động của người mua máy hiệu quả ≥ 25% năm thu từ khấu hao và lợi nhuận.

Mỗi đội CGH làm dịch vụ CGH cho nhiều HTX nông nghiệp, có quy mô từ 200-350 ha/vụ; mỗi năm 2 vụ. HTX nông nghiệp liên kết với đội CGH nông nghiệp làm dịch vụ CGH nông nghiệp để làm đất, bơm nước, chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển cho HTX.

Theo tính toán ban đầu, nếu vùng lúa thực hành CGH có sản lượng 600.000 tấn thì mức sinh lợi khoảng 1.200 tỉ đồng nhờ giảm chi phí sản xuất lúa 1.000 đồng/kg, tăng giá trị từ chế biến lúa gạo 1.000 đồng/kg.

Mức đầu tư mỗi bộ máy nông nghiệp khoảng 3 tỉ đồng, thu hồi vốn đầu tư 1 tỉ đồng năm cho HTX làm dịch vụ CGH nông nghiệp. Nhà chế tạo máy thu khấu hao và lợi nhuận 15% trên doanh số bán ra. Ðể đảm bảo lợi ích cho HTX dịch vụ CGH nông nghiệp, Trung tâm Cơ khí tự động hóa có trách nhiệm: tập huấn cách sử dụng, bảo trì, sửa chữa thường xuyên, thông tin thị trường nhu cầu CGH toàn vùng, từng vụ, từng địa phương để máy hoạt động hết công suất, quản trị và điều hành hoạt động dịch vụ máy…

Nếu mỗi HTX tự đầu tư máy móc, với thực trạng quy mô như hiện nay, sẽ không sử dụng hết công suất. Ðể HTX nông nghiệp yên tâm canh tác và thực hiện các cam kết chế biến nông sản thay vì canh cánh với việc đầu tư thiết bị ngoài đồng, vai trò xưởng cơ khí nhỏ và HTX dịch vụ CGH nông nghiệp là nguồn lực có thực hỗ trợ tiến trình chuyển đổi trong nông nghiệp.

Số hóa - chuẩn hóa - tự động hóa, ứng dụng thành tựu trí tuệ nhân tạo… vào sản xuất nông nghiệp là chủ trương lớn của Chính phủ. Những chủ trương nêu trên phải được triển khai đồng bộ nhằm thúc đẩy CGH canh tác và hiện đại hóa công nghiệp chế biến nông sản bằng máy móc thích nghi, hiệu quả, hiện đại do ngành cơ khí chế tạo máy Việt Nam sản xuất.

KS. NGUYỄN THỂ HÀ

Chia sẻ bài viết