01/04/2020 - 14:23

Hạn hán khốc liệt ở Cà Mau 

Tình hình hạn hán thời gian qua đã làm Cà Mau chịu rất nhiều thiệt hại. Ngoài bị thiệt hại về sản xuất, vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau còn đang chịu thiệt hại nặng nề do sụt lún, sạt lở đất. Ngành chức năng địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp khắc phục.

Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau cho biết toàn bộ hệ thống kênh thủy lợi trong vùng ngọt hóa của tỉnh mực nước hạ rất thấp. Kênh cấp 1 còn khoảng 0,5 m nước; kênh cấp 2, cấp 3 đã khô cạn.

Thực trạng hạn hán đến sớm và gay gắt năm nay gây nhiều thiệt hại cho Cà Mau. Giao thông thủy trong vùng ngọt hoàn toàn bị tê liệt. Lòng sông thành sân chơi của trẻ em và nơi để cỏ mọc.

Phần lớn diện tích lúa của tỉnh đã bị thiếu nước từ rất sớm. Đến thời điểm hiện tại hơn 19.000 ha lúa đã thiệt hại và chủ yếu thiệt hại trên 70%.

Vụ hoa màu dưới ruộng cho lợi nhuận bằng hai vụ lúa của người dân huyện Trần Văn Thời cũng thất thu. Người dân đang “mót” từng chút nước mong vớt vát vụ mùa.

Hiện toàn tỉnh Cà Mau có hơn 20.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt tập trung nhiều tại các xã Khánh Bình Tây; Khánh Bình Tây Bắc (huyệnTrần Văn Thời); Tân Bằng; Biển Bạch (huyện Thới Bình); Khánh Thuận, Khánh Hòa, Khánh Lâm (huyện U Minh).

Đặc biệt, từ đầu mùa khô đến nay trong vùng ngọt của tỉnh Cà Mau đã xảy ra hơn 1.000 vụ sạt lở, sụt lún đất. Trong đó, huyện Trần Văn Thời trở thành tâm điểm, với khoảng 800 vụ sụt lún, sạt lở đất.

Có những vụ sụt lún gây thiệt hại nghiêm trọng, như: sụt lún tuyến đê biển Tây; đường Tắc thủ - Đá Bạc; đường Co Xáng – Đá Bạc... Đặc biệt, thực trạng sụt lún còn làm tê liệt đường về xã đảo Khánh Bình Tây và đường về Di tích Quốc gia hòn Đá bạc.

Hạn hán được dự báo còn gay gắt, công tác PCCR cũng rất nan giải. Hiện toàn tỉnh Cà Mau đã có hơn 37.000/43.000 ha rừng dự báo cháy cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).

Trước những thiệt hại nặng nề, tỉnh Cà Mau đã công bố tình huống khẩn cấp hạn hán cấp độ 2. Ngành chức năng địa phương đang triển khai các biện pháp khắc phục, cũng như phương án hỗ trợ người dân.

Thực trạng trên đã đặt ra những bài toán về thiếu nước sản xuất, sinh hoạt và sụt lún, sạt lở đất. Tỉnh Cà Mau cần có giải pháp lâu dài để tránh những thiệt hại nặng nề hơn trong những năm tới.

Hiếu Nghĩa

Chia sẻ bài viết