Bà Cao Thị Minh Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường TP Cần Thơ, cho biết: "Rác thải nhựa (chai nhựa, túi nylon, hộp đựng đồ ăn, cốc nhựa…) có đặc tính bền vững, khó phân hủy trong tự nhiên, đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người. Lượng rác thải nhựa, túi nylon phần lớn do thói quen sử dụng trong sinh hoạt của người dân và thải ra môi trường. Nếu chúng ta không cải thiện được thói quen tiêu dùng thì mọi gánh nặng về việc sử dụng túi nylon sẽ đổ dồn lên hoạt động thu gom và xử lý chất thải cho đơn vị chức năng...".
Ô nhiễm rác thải nhựa
Người dân quận Ninh Kiều phân loại rác thải theo tiêu chuẩn của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Cần Thơ), túi nylon, túi nhựa đựng hàng được chế tạo vào những năm 1960 tại Mỹ. Đặc điểm túi nhựa nhẹ, bền, tiện dụng, rẻ tiền và dễ sử dụng khi mua sắm hàng hóa, sinh hoạt gia đình… Ở Việt Nam, hiện nay mỗi hộ gia đình sử dụng tương đương 1kg túi nhựa trong tháng. Riêng, tại TP Hồ Chí Minh theo thống kê có đến 60 tấn túi nylon, túi nhựa phát sinh mỗi ngày, trong đó có 72% phát thải từ các chợ, 25% từ siêu thị và 3% từ các trung tâm thương mại. Tại TP Cần Thơ, tổng lượng chất thải sinh hoạt được thu gom 600 tấn/ngày, trong đó tổng các sản phẩm nhựa, nylon được thu gom 48 tấn đến 72 tấn/ngày, chiếm tỷ lệ từ 8-12% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom. Nếu xử lý không triệt để, không đúng quy trình, lượng rác thải nhựa này sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong tương lai.
Chất thải nhựa, túi nylon có tác hại đến môi trường từ quá trình sản xuất đến sử dụng, thải bỏ và quá trình phân hủy. Cụ thể, trong quá trình sản xuất túi nylon làm cạn kiệt nguồn tài nguyên không tái tạo như dầu mỏ; phát sinh nhiều khí thải, gây ô nhiễm không khí, góp phần gây mưa acid, tăng hiệu ứng nhà kính và thúc đẩy biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Trong quá trình thải bỏ, túi nylon mỏng nhẹ, dễ phát tán trong môi trường, làm tắc nghẽn cống rãnh, mất mỹ quan đô thị… Đặc biệt, túi nhựa, túi nylon phải mất từ 500-1.000 năm mới phân hủy, đồng thời khi xử lý tạo nhiều khí thải độc hại cho con người…
Thời gian qua, không chỉ trong sinh hoạt mà trong cả sản xuất cũng thải ra nhiều chất thải nhựa, gây ô nhiễm môi trường. Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh - nguyên Chánh Văn phòng công tác ứng phó biến đổi khí hậu TP Cần Thơ, hiện nay trong sản xuất nông nghiệp cũng sử dụng các sản phẩm từ nhựa, như: nhựa làm bầu cây ăn trái, bao bảo vệ trái, màng phủ nông nghiệp, che sáng, giàn leo, bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Tuy nhiên, nếu không quản lý, xử lý tốt sẽ có nhiều tác hại đối với đất, tích nhiệt lượng trong đất và là nơi tồn trú của côn trùng, nấm bệnh, cản trở rễ cây phát triển... Đối với bao bì thuốc bảo vệ thực vật gây độc nguồn nước, tiêu diệt các sinh vật tự nhiên, thủy sản…
Giải pháp
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ, yêu cầu: "Các ngành chức năng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm dần rác thải nhựa, túi nylon khó phân hủy, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường (túi bao bì giấy tự hủy), thu gom - tái chế rác thải nhựa khó phân hủy; sử dụng vật liệu đóng gói, gói quà sản phẩm bằng giấy... Bên cạnh đó, ngành chức năng kiểm tra việc xử lý rác thải tại các lò đốt rác ở quận Ô Môn, Thốt Nốt, huyện Cờ Đỏ… nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường xung quanh; đồng thời đưa ra kế hoạch đóng cửa các lò đốt rác nếu việc xử lý đốt rác không đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường theo quy định; kiểm tra lại lượng rác còn tồn đọng tại khu vực nhà máy để tiến hành xử lý…". |
TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường. Một trong những kết quả quan trọng nhất là việc xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ với tổng diện tích 53ha, đã đánh dấu sự cải tiến của TP Cần Thơ trong việc xử lý chất thải rắn, bảo vệ môi trường. Dự án có tổng mức đầu tư 1.050 tỉ đồng (tương đương 47 triệu USD), sử dụng công nghệ đốt rác để phát điện. Qua 1 năm đưa vào hoạt động, nhà máy xử lý trên 430 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, tạo ra 150.000Kwh điện năng hòa vào lưới điện quốc gia. Số lượng tro xỉ sau khi đốt phát điện còn lại khoảng 5% được tận dụng chế tạo vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng; các chất thải dạng rắn, lỏng, khí được xử lý thông qua các thiết bị chuyên dụng đạt tiêu chuẩn và thải ra ngoài… Tuy nhiên, để nhà máy hoạt động đạt hiệu quả cao, việc phân loại rác thải theo tiêu chuẩn: rác đốt được, rác không đốt được và rác thải nguy hại cần được thực hiện nghiêm túc, đúng tiêu chuẩn để đưa rác vào lò xử lý…
Trước tình hình đó, Sở TN&MT TP Cần Thơ phối hợp với các ngành, đoàn thể ký kết nghị quyết liên tịch về bảo vệ môi trường. Ông Nguyễn Chí Kiên, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Cần Thơ, cho biết: "Thời gian qua, Sở đã ký kết Liên tịch với 7 tổ chức trên địa bàn thành phố, gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh Niên, Hội Nông dân, UBMTTQVN, Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật, Liên đoàn Lao động và Hội Cựu chiến binh về công tác tuyên truyền, thu gom rác thải, bảo vệ môi trường trên địa bàn TP Cần Thơ. Qua đó, kế hoạch bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được xây dựng và triển khai thực hiện, góp phần phát triển thành phố bền vững, xanh, sạch, đẹp".
Mới đây, Sở TN&MT TP Cần Thơ phối hợp Hội Người cao tuổi thành phố tổ chức lớp tập huấn về công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa cho các hội viên thuộc Hội Người cao tuổi TP Cần Thơ. Nội dung tập huấn gồm 2 chuyên đề chính: tác hại của chất thải nhựa, túi nylon và hạn chế sử dụng túi nylon trong sinh hoạt gia đình; phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP Cần Thơ. Lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức và xây dựng mỗi học viên là tuyên truyền viên về bảo vệ môi trường, giáo dục con cháu có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, phân loại rác thải sinh hoạt đúng cách để xử lý, đảm bao tiêu chuẩn của Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ… Công tác tập huấn trên được Sở TN&MT TP Cần Thơ thường xuyên phối hợp thực hiện với các đơn vị ký kết nghị quyết liên tịch về bảo vệ môi trường.
Bài, ảnh: HÀ VĂN