09/04/2018 - 09:03

Hạ cánh không an toàn! 

Chỉ trong 3 ngày cuối tuần rồi, một loạt cựu lãnh đạo các nước lớn ở châu Mỹ, châu Á và châu Phi đã phải vào tù, bị kết án hoặc hầu tòa mà tất cả đều có liên quan đến tham nhũng. Các sự kiện này cũng cho thấy những chính khách “tay đã nhúng chàm” đừng mơ “hạ cánh an toàn”.

Hai cựu Tổng thống Hàn Quốc là Lee Myung-bak và Park Geun-hye đều vướng vòng lao lý. Ảnh: AP

Rạng sáng 8-4, sau 2 ngày kháng cự, cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva đã chấp hành lệnh bắt giữ để thi hành án tù 12 năm, dù khẳng định cáo buộc tham nhũng nhằm vào ông là mang động cơ chính trị. Cụ thể, ông Lula bị buộc tội đã nhận căn hộ hạng sang từ một công ty xây dựng trong vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Với việc chấp nhận thi hành án, chính khách 72 tuổi từng lãnh đạo đất nước 2 nhiệm kỳ sẽ không được phép tham gia cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 10 tới, dù các cuộc thăm dò dư luận gần đây đều cho thấy ông có nhiều khả năng giành chiến thắng nếu được phép tranh cử.

Ở bên kia bờ Thái Bình Dương, hai ngày trước đó, tòa án Hàn Quốc đã kết án cựu Tổng thống Park Geun-hye 24 năm tù giam và phạt 16,6 triệu USD. Bà Park bị truy tố với 18 tội danh gồm nhận hối lộ, lạm quyền, làm lộ bí mật nhà nước... Bà bị cáo buộc đồng lõa với người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil tống tiền các tập đoàn lớn của Hàn Quốc 55,2 triệu USD để đổi lại các ưu đãi kinh doanh. Bà cũng bị nghi đã để cho bà Choi can thiệp công việc của chính phủ. Xì-căng-đan này đã khiến bà Park, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, bị phế truất hồi tháng 3-2017.

Hai tuần trước ngày cựu Tổng thống Park bị kết án, người tiền nhiệm của bà là Lee Myung-bak cũng đã bị bắt giữ với các cáo buộc nhận hối lộ, tham ô và lạm dụng quyền lực. Ông Lee bị nghi ngờ nhận hối lộ 10,3 triệu USD từ các cơ quan tình báo và doanh nghiệp nhà nước.

Và trong ngày 6-4 khi cựu lãnh đạo xứ kim chi nhận phán quyết thì tại lục địa đen xa xôi, cựu Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã phải ra trình diện trước tòa để đối mặt với tội danh tham nhũng liên quan thương vụ mua vũ khí trị giá 2,5 tỉ USD hồi thập niên 1990. Cụ thể là ông bị cáo buộc nhận hối lộ từ một nhà thầu quốc phòng Pháp để Nam Phi mua vũ khí từ công ty này. Nghi án tham nhũng đã dẫn đến áp lực lớn từ nội bộ đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền, buộc Tổng thống Zuma phải từ chức hôm 14-2, kết thúc 9 năm lãnh đạo.

Châu Âu cũng không “miễn nhiễm”. Trước đó, hồi cuối tháng 3, cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị bắt vì cáo buộc nhận trái phép 68,5 triệu USD tài trợ cho chiến dịch vận động tranh cử hồi năm 2007 từ lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết