 |
Chú Trịnh Hoàng Cảnh hạnh phúc bên
các cháu nội, ngoại. |
Di ảnh Bác Hồ được đặt ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà yên tĩnh của chú Trịnh Hoàng Cảnh (ở Khu dân cư 91B, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Là người lính, đảng viên, chú Cảnh luôn tâm niệm thực hiện theo lời dạy của Bác: sống cần kiệm, hăng say lao động, biết nghĩ đến lợi ích chung của tập thể. Nhiều năm liền, gia đình chú Cảnh được bình chọn Gia đình văn hóa tiêu biểu, riêng chú được nêu gương Người tốt việc tốt vì đã có nhiều đóng góp cho phong trào của địa phương.
Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở Cà Mau, từ nhỏ, chú Cảnh đã cùng người thân tham gia kháng chiến. Trải qua nhiều công tác, đi qua nhiều địa phương, ở đâu chú Cảnh cũng được đồng đội, người dân quý mến, tin tưởng bởi sự siêng năng, hòa đồng, tính tình hiền lành, cương trực. Mấy mươi năm cống hiến, chú Cảnh đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba cùng rất nhiều bằng khen các cấp ở nhiều mặt hoạt động.
Sau giải phóng, do yêu cầu công việc, chú Cảnh chuyển lên Cần Thơ sinh sống, làm việc ở Cục Hậu Cần, Quân khu 9. Từ năm 1979 đến năm 1992, chú được tăng cường công tác ở chiến trường Campuchia. Sau khi về nước, chú Cảnh được điều động đi các tỉnh cùng đồng đội làm kinh tế cho Quân khu 9. Sáng tạo, năng động, nhạy bén, trong vai trò quản lý, chú Cảnh đã từng bước cải thiện cuộc sống cho đồng đội bằng hàng loạt những mô hình làm ăn thành công ở Xí nghiệp may quân khu, Xí nghiệp sành sứ ở Sông Bé, Xí nghiệp nước đá ở Tiền Giang... Năm 2000, chú Cảnh nghỉ hưu với quân hàm thượng tá.
Năm 2000 - 2005, chú Cảnh là đảng ủy viên phụ trách Trưởng khối vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã An Bình (nay là phường An Bình). Năm 2007, sau khi chia tách phường, chú được bầu làm Bí thư chi bộ khu vực 6, phường An Khánh. Tháng 3-2010, chú mới thật sự nghỉ hưu. Ở nhà, vốn tính hay làm, chú Cảnh tận dụng đất trống xung quanh trồng rau cải thiện bữa ăn, biếu hàng xóm. Người dân ở khu dân cư quá quen thuộc với hình ảnh chú hay đi kiểm tra từng đoạn đường trong khu vực, nhắc nhở, kêu gọi mọi người đóng góp kinh phí, ngày công sửa chữa đường sá sạch đẹp hơn, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng mối quan hệ đoàn kết tình làng nghĩa xóm. Trong những cuộc họp chi bộ hay họp dân, chú Cảnh luôn là người lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân khi bị xâm phạm. Vì lẽ đó, hễ có việc là bà con trong khu vực đều tìm đến chú nhờ can thiệp.
Quen biết nhiều, chú Cảnh thường đi vận động gây quỹ giúp các đoàn thể trong phường. Chú rất chú trọng công tác khuyến học, thường xuyên xin tập vở, học bổng tặng học sinh nghèo, tổ chức Tết Trung thu cho các cháu nhỏ trên địa bàn... Chú Cảnh bày tỏ: “Nếu có điều kiện thì hãy mở lòng ra với mọi người, giúp được ai thì giúp. Tôi rất vui vì chút công sức nhỏ nhoi của mình đã đem lại hiệu quả thiết thực, ngày càng có nhiều người dân ở đây cùng đồng lòng xây dựng nếp sống văn hóa khu dân cư, chăm lo thế hệ trẻ”.
Trải qua bao gian khó, giờ chú Cảnh đã có được một mái ấm hạnh phúc với 4 người con 2 trai, 2 gái đều có gia đình, học hành đỗ đạt, có địa vị trí trong xã hội, kinh tế khấm khá. Các cháu nội, ngoại đều ham học và học giỏi. Điều chú Cảnh mãn nguyện nhất là sớm hôm được kề cận, chăm sóc người vợ hiền mấy chục năm qua đã hy sinh tuổi thanh xuân, gồng gánh gia đình chồng, hết lòng hiếu thảo phụng dưỡng cha mẹ chồng, nuôi dạy con cái nên người để chú yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.
Chú Cảnh tâm sự: “Trong tất cả thành công của tôi đều có công sức của vợ. Nghĩa tình không biết kể sao cho hết. Nghĩ đến điều đó, tôi luôn dặn lòng phải sống sao cho xứng đáng với kỳ vọng của cha mẹ, sự hy sinh của vợ, niềm tin tưởng của anh em, bè bạn đặt vào mình”. Đối với chồng, thiếm Nguyễn Ngọc Ánh không chỉ là bạn đời lý tưởng mà còn là người ơn. 53 năm gá nghĩa, tính ra, chú thiếm chỉ thật sự gần nhau chỉ phân nửa ngần ấy thời gian. Những năm chú Cảnh xa nhà, một tay thiếm Ánh sớm hôm tần tảo, lo vẹn toàn gia đình hai bên. Thấu hiểu công việc của chồng, dù đối mặt với bao khó khăn nhưng thiếm không hề than van, càng vững lòng chờ đợi ngày sum họp.
Nhắc lại chuyện xưa, chú thiếm không kềm được xúc động. Những năm kháng chiến chú Cảnh đi biền biệt, hiếm hoi lắm mới được gặp mặt nhau. Sau giải phóng, chú cũng ít có dịp về thăm nhà. Mãi đến năm 1985, chú Cảnh mới có điều kiện rước vợ con từ Cà Mau đến Cần Thơ sống chung. Ngoài mảnh đất quân khu cấp, chú Cảnh đổi chiếc xe honda cũ, tài sản đáng giá nhất của mình bấy giờ, lấy một miếng vườn tạp ở xã An Bình (nay là phường An Bình), rồi cất tạm căn nhà nhỏ ở, cùng vợ tăng gia sản xuất, trồng lúa, cây ăn trái, rau màu, chăn nuôi... kiếm tiền lo cho con ăn học đàng hoàng. Những năm 1990, kinh tế gia đình chú mới dần đi vào ổn định. Để lại vườn tược cho vợ chồng con trai giữa, chú thiếm mua miếng đất nhỏ ở Khu dân cư 91B cất nhà ở tới giờ.
Đã bước qua tuổi 73 tuổi nhưng chú Cảnh còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Chú thường dạy các con cách đối nhân xử thế, sống nghĩa tình, chan hòa với mọi người, trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ uy tín, danh dự gia đình. Nhà chú Cảnh hiện có 6 đảng viên (bao gồm cả dâu, rể), chú luôn nhắc con cháu học theo gương Bác bằng những công việc cụ thể hàng ngày, không nói suông. Từ trước đến nay, chú vẫn giữ vững nếp nhà dạy con cháu đi thưa về trình, “đi báo việc, về báo công”, đã nhận việc phải làm cho tròn.
Ông Lê Văn Vân, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy phường An Khánh, quận Ninh Kiều, cho biết: “Gia đình chú Cảnh gương mẫu trên tất cả các mặt hoạt động, con cháu thành đạt, có nhiều đóng góp cho xã hội. Chú Cảnh là người có uy tín, lời nói luôn đi đôi với việc làm, được mọi người tín nhiệm. Không chỉ nhiệt tình trong công tác vận động mà chú Cảnh còn là một mạnh thường quân lớn, đóng góp đưa nhiều phong trào của địa phương đi lên”.
Bài, ảnh: KIỀU CHINH