22/01/2010 - 08:40

Góp thêm hương sắc cho đời

TP Cần Thơ có nhiều cán bộ, đảng viên, đoàn viên, thanh niên ưu tú người dân tộc thiểu số Việt Nam đã và đang công tác tại các ngành, các cấp. Đây là lực lượng nòng cốt tích cực tuyên truyền vận động đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, góp phần cùng các tầng lớp nhân dân xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong không khí cả nước đang hướng tới sự kiện trọng đại Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và trước thềm Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Cần Thơ, chúng tôi đã gặp gỡ một số gương mặt tiêu biểu trong vườn hoa đầy hương sắc ấy...

 

Liêu Thị Sa Phia, cán bộ quản lý Thư viện, thuộc Trung tâm Văn hóa huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, đang tất bật tìm sách cho rất đông bạn đọc nhỏ tuổi. Cô thủ thư xinh xắn người dân tộc Khmer, hào hứng kể: “Hàng ngày, vào giờ ra chơi, học sinh tới thư viện mượn sách đọc rất đông, có hôm không đủ chỗ ngồi. Nhìn các em đứng chen chúc đọc sách, tôi càng thấm thía ý nghĩa công việc mình đang làm và luôn cố gắng làm tốt hơn nữa”.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân Khmer nghèo, gia cảnh nhiều khó khăn, Sa Phia luôn chăm chỉ học tập và cũng rất siêng năng phụ giúp gia đình. Với ý chí vượt khó và say mê học tập, Sa Phia không chỉ học giỏi mà còn tích cực tham gia, đóng góp nhiều công sức cho các phong trào văn hóa-văn nghệ ở Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú TP Cần Thơ và là cộng tác viên đắc lực của Trung tâm văn hóa TP Cần Thơ. Vốn yêu thích và có năng khiếu múa từ nhỏ nên đối với những bài múa truyền thống của dân tộc Khmer, Sa Phia đều học rất nhanh và tập theo các động tác rất chuẩn. Những năm qua, Sa Phia đã tham gia nhiều hội diễn, liên hoan văn nghệ trong và ngoài thành phố. Tốt nghiệp cấp 3 với tấm bằng loại giỏi, Sa Phia theo học lớp y sĩ đa khoa ở Bệnh viện 121 với mong muốn có công việc ổn định để phụ giúp gia đình. Nhưng sau khi tốt nghiệp, duyên nợ với ngành văn hóa đã khiến Sa Phia gắn bó với Thư viện huyện Thới Lai từ năm 2007 đến nay. Sa Phia bộc bạch: “Vào làm việc tại Trung tâm văn hóa huyện, phụ trách mảng thư viện, tôi có điều kiện tiếp thu nhiều kiến thức bổ ích, từ đó cũng làm tốt hơn công tác dàn dựng các tiết mục văn nghệ để biểu diễn phục vụ bà con”.

Tuy luôn tất bật với việc tổ chức tập dượt, dàn dựng, biểu diễn các tiết mục văn nghệ cho đơn vị mình và hỗ trợ những đơn vị khác khi có yêu cầu nhưng Sa Phia luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ thủ thư. Sa Phia cho biết: “Thời gian qua, tôi tìm tài liệu tự học và thường tham gia các buổi tọa đàm, tập huấn do Thư viện thành phố tổ chức để nâng cao trình độ nghiệp vụ... Tôi đang ôn luyện và đăng ký thi tuyển vào Đại học, chuyên ngành Quản lý văn hóa, nhằm phục vụ bạn đọc ngày một tốt hơn”. Sự phục vụ tậm tâm của Sa Phia đã được nhiều bạn đọc ghi nhận. Nguyễn Minh Như, học sinh trường THCS Thị trấn Thới Lai, cho biết: “Em và các bạn đến đây mượn sách đều được chị Sa Phia phục vụ tận tình. Chị thường tìm sách giúp tụi em và hướng dẫn tụi em tra cứu tài liệu học tập trên mạng nữa...”. Nhắc đến Sa Phia, đồng chí Huỳnh Hữu Thông, Phó Bí thư Huyện đoàn Thới Lai, cũng tấm tắc: “Sa Phia rất nhiệt tình, năng nổ và có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn, nhiều năm liền đạt danh hiệu đoàn viên ưu tú. Đặc biệt, đối với phong trào văn hóa- văn nghệ của địa phương, nhiều năm qua Sa Phia là hạt nhân tập hợp, tổ chức dàn dựng, thu hút nhiều thanh niên dân tộc tham gia tập luyện, biểu diễn”. Với những thành tích trên, Liêu Thị Sa Phia đang được chi bộ giới thiệu làm thủ tục đề nghị Đảng ủy cấp trên xem xét kết nạp Đảng. Chia tay chúng tôi, Sa Phia cho biết, tại Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số của Việt Nam TP Cần Thơ lần thứ nhất, Đội văn nghệ quần chúng Khmer của huyện sẽ đóng góp một số tiết mục hát, múa, đánh nhạc Ngũ âm nên Sa Phia cùng các bạn ráo riết tập dượt cả vào buổi tối và ngày nghỉ.

***

 

Đến ấp Thới Hữu, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, hỏi nhà chú Năm Châu (Bùi Ngọc Châu) hầu như ai cũng biết. Người đảng viên, thương binh 65 tuổi, người dân tộc Mường này không chỉ gương mẫu, nhiệt tình trong các phong trào của địa phương mà còn được nhiều người nhắc đến như một tấm gương vượt khó, vươn lên trong cuộc sống.

Nhìn ngôi nhà tường khang trang, sơn màu hồng nhạt của chú Năm Châu nằm bên cạnh trụ sở UBND xã Đông Hiệp, ít ai ngờ rằng hơn 20 năm trước gia đình chú từng thuộc diện nghèo đói. Chú Năm kể, chú quê ở huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1968, chú tình nguyện đi bộ đội và trong một trận đánh địch đổ quân tại đường 14 Biên Hòa - Bà Rịa vào cuối năm đó, do lập được chiến công xuất sắc, chú được kết nạp vào Đảng ngay sau khi trận đánh kết thúc. Từ cuối năm 1969, đơn vị chú hành quân xuống hoạt động ở vùng U Minh Thượng (tỉnh Cà Mau). Năm 1972, trong một trận đánh ác liệt, chú bị thương bể khớp vai trái, sau hơn một tháng điều trị, chú xin trở lại tiếp tục cầm súng chiến đấu. Đất nước thống nhất, chú trở về quê lập gia đình nhưng cuộc sống khá chật vật. Năm 1984, được đồng đội giúp đỡ, chú cùng vợ mang 4 người con vào Nam lập nghiệp. Chú nhớ lại: “Hồi mới vào đây, khu vực này (Khu trung tâm xã Đông Hiệp bây giờ) toàn lau sậy và cỏ lác. Nhờ sự giúp đỡ của mấy người bạn chiến đấu cũ, vợ chồng tôi dựng được cái chòi lá để che nắng, che mưa”. Tuy vết thương cũ làm cánh tay trái của chú không thể cử động mạnh và cứ đau nhức khi trái gió trở trời, chú đã cùng vợ đi mượn đất lung trũng, cật lực phát hoang, cải tạo để có đất sản xuất. Hơn một năm sau, biết vợ chồng chú có trình độ học vấn khá nên chính quyền địa phương mời chú tham gia công tác Hội Nông dân, còn vợ thì dạy mẫu giáo ở xã. Để có thể lo cho các con ăn học, vợ chồng chú đã nỗ lực vượt qua bao khốn khó, nhất là khi không còn được cho mượn đất để canh tác. Hàng ngày, ngoài giờ làm việc ở xã, ở trường, vợ chồng chú làm thuê đủ thứ việc để kiếm sống, từ cắt lúa, làm cỏ lúa, đào đất mướn, thậm chí đi mót lúa... Ban đêm chú còn đi soi ếch, bắt cá để vợ mang ra chợ bán. “Bất kể việc gì, hễ là lao động chân chính thì vợ chồng tôi không từ nan, miễn sao có đủ gạo ăn và có tiền lo cho con đến trường” - Chú Năm Châu bộc bạch. Rồi nỗi vất vả của vợ chồng chú cũng được đáp đền, bốn người con của chú lần lượt tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Trong đó, 3 cô con gái tốt nghiệp đại học sư phạm, hiện là giáo viên Tiểu học, THCS ở huyện Cờ Đỏ; cậu con trai út đã tốt nghiệp Đại học ngành công nghệ thông tin, có việc làm ổn định với mức thu nhập khá. Giọng phấn khởi, chú Năm khoe: “Bây giờ, nhà cửa khang trang, cuộc sống vợ chồng tôi đầy đủ như vầy là nhờ mấy đứa con phụ tiếp”.

Hơn 20 năm công tác, kinh qua nhiều vị trí khác nhau, từ cán bộ Hội Nông dân, làm công tác tuyên giáo, Kiểm tra Đảng, cán bộ thương binh - xã hội, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã... chú Năm Châu luôn nhiệt tình, có trách nhiệm cao trong công việc, được cộng sự và nhân dân yêu mến, tín nhiệm. Ba năm qua, với vai trò là Chủ tịch Hội Người cao tuổi, chú đã tích cực vận động hội viên thực hiện tốt phong trào thi đua “Tuổi cao gương sáng”, “Ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”, đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư... Riêng trong năm 2009, chú đã vận động hội viên đóng góp được trên 200 ngày công nâng cấp các tuyến đường giao thông trong xã, vận động nhiều bà con hiến đất mở rộng lộ; vận động mua gần 1.000 cuốn tập tặng học sinh nghèo trên địa bàn... Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch UBMT Tổ quốc xã Đông Hiệp, cho biết: “Đồng chí Năm Châu là một đảng viên gương mẫu, rất có uy tín với bà con. Việc gì đồng chí tham gia tuyên truyền vận động là bà con rất tin tưởng, nhiệt tình hưởng ứng”.

***

Vào năm 1970, đang học ở trường Bồi Thanh (trường dạy tiếng Hoa ở tỉnh Sóc Trăng cũ), chàng trai 16 tuổi Ong Đức Phát thoát ly gia đình theo cách mạng. Được sự dìu dắt của ông Huỳnh Kiến (Ba Cao), một cán bộ Hoa vận Khu Tây Nam Bộ, Đức Phát đã vào vùng giải phóng học năm bước công tác thành thị vận động đồng bào dân tộc Hoa hướng về cách mạng. Sau đó, Đức Phát trở ra hoạt động hợp pháp trong vai trò là giáo viên dạy học và trở thành Hiệu trưởng Trường Bồi Thanh 4. Trong ngôi trường ấy, ông đã tuyên truyền, vận động, tổ chức một số thành viên của Hội phụ huynh học sinh trường hoạt động hợp pháp trong lòng địch. Từ khi đất nước thống nhất đến nay, ông Đức Phát tiếp tục làm công tác Hoa vận và hiện là cán bộ phụ trách Phòng Công tác người Hoa thuộc Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ.

 

Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng, nơi có đông đồng bào dân tộc Hoa sinh sống, ít có điều kiện tiếp xúc với người Kinh nên ông Đức Phát không biết rành chữ Quốc ngữ. Sau khi đất nước thống nhất, để làm tốt nhiệm vụ được giao, ông tranh thủ đi học bổ túc ban đêm và không ngừng học hỏi, đúc kết kinh nghiệm qua thực tiễn công tác. Nhiều năm qua, ông luôn nghiên cứu, tích cực tham gia tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến bà con và Hội đoàn người Hoa để bà con hiểu, củng cố niềm tin, yên tâm phát triển sản xuất, hăng hái tham gia các phong trào do địa phương phát động. Ông còn là “cầu nối” kịp thời phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng của bà con, Hội đoàn người Hoa để Đảng, chính quyền xem xét giải quyết. Ông cũng là người đã góp công sức, tiền của vào việc lạc quyên trong giới người Hoa trong và ngoài nước để xây dựng trường Phổ thông dân lập Việt - Hoa Cần Thơ. Với cách phân tích hợp lý, nêu lên mục đích ý nghĩa thiết thực của việc thành lập trường, ông Đức Phát đã thuyết phục được bà con và Hội đoàn người Hoa trong và ngoài nước ủng hộ được 9 tỉ đồng để xây dựng ngôi trường này và đến nay công trình đã triển khai hơn 1/3 khối lượng công việc.

Ông tâm sự: “Công tác dân tộc trở thành “cái duyên” đối với tôi. Dù ở bất cứ nhiệm vụ nào, tôi cũng được Đảng phân công gắn bó với bà con dân tộc Hoa”. Là đại biểu Hội đồng nhân dân TP Cần Thơ, ông Đức Phát kịp thời phản ánh những tâm tư nguyện vọng của cử tri đến Hội đồng nhân dân các cấp và mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền lợi chính đáng của cử tri. Điển hình như việc ông cùng một số đại biểu khác đã kiến nghị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xem xét giải quyết việc cấp giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu cho bà con ở khu vực 1, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, đã tạo được niềm tin, sự phấn khởi trong nhân dân.

Không chỉ tận tụy, làm tốt công tác Hoa vận, ông còn là một trong những doanh nhân người Hoa thành đạt ở Cần Thơ, với việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng giấy, túi nhựa... Với mong muốn tập hợp, phát huy tiềm năng kinh tế của người Hoa để mọi người tương trợ, hỗ trợ nhau trong sản xuất kinh doanh, tạo mối liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, hiện nay, ông Ong Đức Phát đang tích cực vận động và chuẩn bị cho ra mắt Câu lạc bộ Doanh nhân người Hoa, với trên 20 thành viên. Ông nói: “Muốn làm tốt công tác Hoa vận, trước tiên bản thân phải sống gương mẫu, gần gũi, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của bà con và phải biết làm kinh tế giỏi để có sức thuyết phục cao. Hễ còn sức khỏe, tôi sẽ còn gắn bó và cố gắng làm tốt công tác này, nhằm góp phần vận động bà con người Hoa phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, tương trợ, phát triển sản xuất kinh doanh, tích cực đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh”.

T. THY- A. DŨNG - P. LAM

Chia sẻ bài viết