23/03/2024 - 09:23

Góp phần xây dựng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số có chất lượng cho vùng ĐBSCL 

Năm 2023, GS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh, ký quyết định thành lập Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn thuộc Trường ĐH Trà Vinh trên cơ sở Khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Khoa Sư phạm và Khoa Ngoại ngữ. Trường đã và đang góp phần xây dựng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số có chất lượng cho vùng ĐBSCL.

PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Trà Vinh và TS Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh, tặng hoa chúc mừng Tiến sĩ, Đại đức Danh Út.

Ngay sau khi được thành lập, Trường từng bước khẳng định vai trò và vị thế của mình trong sự phát triển chung của Trường ĐH Trà Vinh. Hiện nay, trường có hơn 2.500 sinh viên đang nghiên cứu và học tập thuộc các nhóm ngành ĐH, như: Ngôn ngữ Anh, Ngôn ngữ Trung Quốc, Ngôn ngữ Khmer, Sư phạm tiếng Khmer, Văn hóa học, Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, Sư phạm Ngữ văn, Âm nhạc học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Trong đó, ngành Ngôn ngữ Khmer trình độ ĐH đã đạt kiểm định chất lượng quốc tế AUN-QA.

Ngoài đào tạo 11 ngành trình độ ĐH, trường có 5 ngành trình độ thạc sĩ (Văn hóa học, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh, Quản lý giáo dục, Giáo dục học chuyên ngành Giáo dục Mầm non và chuyên ngành Giáo dục Tiểu học), 3 ngành trình độ tiến sĩ (Văn hóa học, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Ngữ văn, Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh) và hiện tại còn 1 ngành trình độ cao đẳng Giáo dục Mầm non. Trường cũng đã thành lập Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn và Khoa Ngôn ngữ Trung Quốc hướng đến trở thành đơn vị tiên phong trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.

PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh (phải) và TS Ngô Sô Phe, Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn trao bằng Tiến sĩ cho Đại đức Danh Út.

Đến nay, số liệu sinh viên và học viên tốt nghiệp ra trường của nhóm ngành Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ ở trình độ tiến sĩ có 24 học viên, thạc sĩ 352 học viên, ĐH, cao đẳng trên 1.500 sinh viên và bồi dưỡng tiếng Khmer 3.275 học viên. Theo TS Ngô Sô Phe, Hiệu trưởng Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn, sau khi tốt nghiệp, hầu hết sinh viên đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, có việc làm ổn định hoặc tự khởi nghiệp và tạo việc làm, phát huy được năng lực bản thân, sử dụng tốt kiến thức đã học tại trường.

Ông Lâm Vĩnh Phương, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Hiện tại, chúng tôi có 5 sinh viên tốt nghiệp Trường ĐH Trà Vinh được tuyển dụng và đang công tác tại đài. Các bạn có kỹ năng làm việc và năng lực về ngôn ngữ tiếng Khmer rất tốt, phụ trách một số mảng quan trọng ở các chuyên mục, như: Chính sách với đồng bào, Sóc Trăng quê tôi, Trợ lực nhà nông… Các bạn có động lực, chịu khó học hỏi và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao".

Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn trao đổi hợp tác với đối tác Campuchia.

Ngoài ra, công tác bồi dưỡng tiếng Khmer được trường tổ chức thường xuyên theo chương trình cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, bộ đội, công an các tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang. Đặc biệt, trường đã phối hợp với Cục Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ - Ban Tổ chức Trung ương thực hiện khóa bồi dưỡng tiếng Khmer đầu tiên theo Kết Luận số 39/KL-TW, ngày 18-7-2022 của Bộ Chính trị về chủ trương bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, giai đoạn trong nước với thời gian học là 4 tháng.

Ngài Toch Polyva, Phó Tỉnh trưởng tỉnh Svay Rieng, tham quan Phòng Không gian văn hóa của Trường ĐH Trà Vinh.

Bên cạnh công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, Trường Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ và Nhân văn còn chú trọng công tác phục vụ cộng đồng, cùng phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện nhiệm vụ truyền dạy, khôi phục các loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer, triển khai thành công dự án “Khôi phục và truyền dạy nghệ thuật kịch múa Yeak Rom - Rôbăm Khmer Nam Bộ”, “Truyền dạy về chế tác mão, mặt nạ truyền thống của người Khmer Nam Bộ”. Đặc biệt là trường đã hoàn thành dự án “Biên soạn Từ điển song ngữ Việt - Khmer, Khmer - Việt, với số lượng 84.000 từ, đóng vai trò quan trọng trong quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia trong lĩnh vực đào tạo, đồng thời đã giúp ích rất nhiều trong việc bảo tồn và phát triển chữ viết, ngôn ngữ Khmer ở một vị trí, tầm cao mới.

HUỲNH SANG - LY GIANG

Chia sẻ bài viết