23/10/2017 - 21:59

Tín dụng chính sách

Góp phần giảm nghèo bền vững 

Trong 15 năm qua (2002-2017), Chương trình tín dụng chính sách đã góp phần đưa vốn tín dụng chính sách đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước; đặc biệt là các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn vùng sâu, vùng xa, biên giới... Với trên 31 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), nguồn vốn này đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đưa vốn đến tay người nghèo

Trải qua 15 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH là tổ chức được giao nhiệm vụ thực thi tín dụng chính sách đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội tập trung các nguồn lực, đẩy mạnh thực hiện các chương trình tín dụng chính sách. Từ 3 chương trình tín dụng nhận bàn giao (gồm Chương trình hộ nghèo, Học sinh-sinh viên và Giải quyết việc làm), đến nay đã có 20 chương trình tín dụng chính sách và một số chương trình, dự án do các địa phương, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước ùy thác cho NHCSXH triển khai thực hiện.

Cán bộ tín dụng Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội quận Bình Thủy phát vay cho các hộ mới thoát nghèo của phường Long Hòa.

Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội TP Cần Thơ, trong 15 năm qua, tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho trên 179,1 ngàn hộ dân tại Cần Thơ thoát nghèo và thoát cận nghèo; giải quyết việc làm cho 271,1 ngàn lao động, giúp cho trên 45,1 ngàn học sinh, sinh viên có vốn trang trải chi phí học tập. Có gần 73 ngàn hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh, xây dựng trên 2,2 ngàn căn nhà vượt lũ cho hộ dân trong các cụm, tuyến dân cư vượt lũ và trên 2,96 ngàn căn nhà ở cho hộ nghèo, 14.120 lượt dự án/hộ ở vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh… Nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, mô hình thoát nghèo bền vững được nhân rộng. Ngoài ra, nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế, đẩy lùi tín dụng đen, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Chương trình tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo là 2 chương trình có dư nợ lớn nhất trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện. Trong 15 năm qua, nguồn vốn cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo đã giúp trên 4,5 triệu hộ nghèo trên cả nước vươn lên thoát khỏi ngưỡng nghèo. Tổng dư nợ chương trình tín dụng hộ nghèo đến 30-9-2017 là 39.322 tỉ đồng với 1,5 triệu hộ nghèo còn dư nợ. Chương trình cho vay hộ cận nghèo hiện có 1,1 triệu hộ còn dư nợ với tổng dư nợ 30.305 tỉ đồng. Chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo được triển khai từ năm 2015 theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo đã có 697 ngàn lượt hộ được vay vốn sau 2 năm triển khai với tổng dư nợ đạt 19.492 tỉ đồng. Chương trình này mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi giúp cho các hộ mới thoát nghèo có vốn để tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thoát nghèo bền vững và chống tái nghèo.

Nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách

Chương trình tín dụng chính sách đã huy động được các nguồn lực tài chính, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Các địa phương đặc biệt quan tâm hỗ trợ NHCSXH trong việc đưa vốn đến các đối tượng thụ hưởng và bố trí nguồn vốn ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn. Chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các chương trình tín dụng chính sách vẫn còn hạn chế như chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều tại một số vùng, một số địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao.

Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH khẳng định: Tín dụng chính sách xã hội là công cụ kinh tế hữu hiệu trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều nhanh và bền vững. Tính đến ngày 30-9-2017, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 169.036 tỉ đồng, gấp 24 lần so với thời điểm thành lập. Trên 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội không ngừng được củng cố và nâng cao.

 

Thời gian qua, các chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; cho vay hộ nghèo làm nhà ở, cho vay nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ ở ĐBSCL… thường tiềm ẩn nhiều rủi ro dẫn đến làm gia tăng nợ quá hạn. Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, chia sẻ: Trong 15 năm qua, tỉnh Đồng Tháp có 45.886 ngôi nhà được xây dựng cho hộ nghèo và các hộ dân trên các cụm tuyến dân cư theo Chương trình cho vay nhà ở vùng thương xuyên ngập lũ ĐBSCL, tương đương với khoảng 1/10 số hộ dân của tỉnh. Nhằm giúp các hộ dân sống trong các cụm, tuyến dân cư có hoàn cảnh khó khăn chưa có khả năng trả nợ vốn vay xây dựng nhà ở, đề nghị Chính phủ kéo dài thời hạn trả nợ đối với những trường hợp hộ nghèo, hộ khó khăn thêm khoảng 5 đến 10 năm. Song song đó, NHCSXH cần nghiên cứu phối hợp nguồn vốn tín dụng chính sách với nguồn vốn từ các chương trình khác như hỗ trợ phát triển làng nghề, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới để tăng vốn cho các đối tượng vay đầu tư vào sản xuất và phát triển bền vững hơn.

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc NHCSXH, trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, NHCSXH phấn đấu hằng năm dư nợ tín dụng chính sách tăng trưởng bình quân đạt khoảng 10%; nguồn vốn ngân sách địa sách địa phương bổ sung hằng năm tăng bình quân trên 20%. NHCSXH sẽ đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời phối hợp, lồng ghép có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách với hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội nhằm mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại Hội nghị trực tuyến “Tổng kết 15 năm hực hiện tín dụng chính sách xã hội giai đoạn 2002-2017”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: NHCSXH và cán bộ làm công tác tín dụng chính sách phải luôn gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, đáp ứng tốt nhu cầu vay vốn của người dân. NHCSXH không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, tạo thuận lợi nhất cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn, đặc biệt là đồng bào vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, kịp thời đưa vốn đến đúng đối tượng. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất huy động các nguồn vốn và bố trí đủ vốn để thực hiện Chương trình tín dụng chính sách xã hội; điều chỉnh hạn mức cho vay phù hợp với nhu cầu của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết