27/10/2022 - 15:26

Gọi video để xác nhận việc mượn tiền vẫn bị lừa 

Gần đây, trên địa bàn Quảng Ngãi xuất hiện một số đối tượng giả mạo tài khoản Facebook, Zalo của các cá nhân để nhờ chuyển tiền, nộp tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Mặc dù nạn nhân đã chủ động gọi video để kiểm tra, nhưng vẫn bị lừa.  

Cảnh giác vẫn bị lừa

Mới đây, chị N.T.H.L (33 tuổi), ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) bị các đối tượng giả mạo tài khoản Facebook của người thân để mượn 30 triệu đồng. Chị N.T.H.L đã cảnh giác gọi video qua Facebook messenger để kiểm tra, tuy nhiên hình ảnh người thân của chị xuất hiện kèm theo giọng nói không rõ ràng.

Các đối tượng liền kết thúc cuộc gọi, lấy lý do là mạng yếu và yêu cầu chị N.T.H.L chuyển tiền. Do thấy người thân xuất hiện trong cuộc gọi video, nên chị N.T.H.L không nghi ngờ và chuyển 20 triệu đồng vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp.
 

Đoạn tin nhắn giữa chị N.T.H.L và đối tượng lừa đảo.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng thường là tìm kiếm, thu thập thông tin cá nhân được đăng tải công khai trên các tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo... nhằm mục đích xây dựng các kịch bản lừa đảo. 

Trên cơ sở đó, các đối tượng lập tài khoản mạng xã hội Facebook, Zalo khác (tài khoản mạo danh) với tên giống tên tài khoản thật và sử dụng hình ảnh thu thập được làm ảnh đại diện. Sau đó, các đối tượng kết bạn với những người có tên trong danh sách bạn bè của tài khoản thật.

Tiếp theo, các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo bằng cách nhắn tin hỏi thăm, tạo lòng tin với những người vừa kết bạn để hỏi mượn số tiền lớn. Khi nạn nhân gọi video để kiểm tra, chúng sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh để đánh lừa nạn nhân. 

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Để đối phó với việc nạn nhân gọi video kiểm tra, các đối tượng đã sử dụng phần mềm cắt ghép hình ảnh vào video đã được dựng sẵn. Từ dữ liệu thông tin thu thập trên Facebook thật, các đối tượng cắt ghép hình ảnh tạo video giả mạo, lồng ghép giọng nói đã được xử lý méo mó.

Khi nạn nhân gọi điện kiểm tra sẽ nhìn thấy người thân cử động, khẩu hình như thật, các đối tượng nhanh chóng kết thúc cuộc gọi và lấy lý do đang ở khu vực mạng Internet yếu, nên yêu cầu người thân nhắn tin và chuyển khoản theo yêu cầu của các đối tượng. 

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khuyến cáo, khi nhận bất kỳ tin nhắn vay, mượn tiền thông qua mạng xã hội, người dân cần điện thoại trực tiếp cho người thân để xác thực khoản vay, mượn này. Trường hợp nghi vấn đối tượng giả mạo người thân trên mạng xã hội để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ, xử lý kịp thời. 

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, mạng xã hội Facebook chưa kiểm soát chặt chẽ việc khai báo thông tin cá nhân. Do đó, xuất hiện tình trạng có 2 hoặc nhiều tài khoản Facebook giống nhau về tên đăng nhập hoặc các thông tin khác. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng đã giả mạo tài khoản Facebook của người khác để thực hiện hành vi lừa đảo. 

Ngoài việc thận trọng xác minh khi nhận được đề nghị vay, mượn tiền, người dân cũng cần tỉnh táo để phân biệt tài khoản Facebook thật - giả. Một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất là, đối với tài khoản Facebook thật, thời gian đăng tải các thông tin, bình luận luôn có khoảng cách nhất định; còn các hình ảnh, sự kiện trên tài khoản Facebook giả mạo, do được sao chép lại nên thời gian khởi tạo luôn mới và liên tục. 

Bài, ảnh: TIẾN QUÂN (Báo Quảng Ngãi)

Chia sẻ bài viết