09/04/2025 - 10:02

Gỡ nút thắt đầu tư, giải bài toán vốn để đưa ĐBSCL phát triển 

ĐBSCL không chỉ cần giải bài toán vốn và khơi thông điểm nghẽn hạ tầng, mà còn cần sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và doanh nghiệp để bứt phá, trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của cả nước. Những khuyến nghị được đưa ra từ Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright vừa công bố được xem là giải pháp khả thi trong quá trình hiện thực hóa mục tiêu này.

Những rào cản chính

Theo Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024, thiếu hụt đầu tư đã trở thành một trong những nguyên nhân cốt lõi dẫn đến "vòng xoáy đi xuống" của nền kinh tế ĐBSCL trong nhiều năm qua. Dù là vùng sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu chủ lực, đóng góp hơn 50% vào thặng dư thương mại của Việt Nam, ĐBSCL lại có tỷ lệ vốn đầu tư rất thấp. Cụ thể là, tính theo bình quân đầu người, so sánh trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam, ĐBSCL đứng thứ 3 về vốn ODA, thứ 4 về đầu tư công, thứ 5 về FDI, và thứ 6 về đầu tư tư nhân trong nước. Hệ quả là cơ sở hạ tầng yếu kém, cơ hội việc làm suy giảm, năng suất lao động trì trệ và sức cạnh tranh suy yếu.

Xe container vào xếp dỡ hàng hóa tại Cảng Tân Cảng Cái Cui, TP Cần Thơ.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, giai đoạn 2015-2023, đầu tư công vào ĐBSCL tăng gấp đôi so với giai đoạn trước, đồng thời các nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế cũng tăng đáng kể, tạo động lực mạnh cho phát triển vùng so với các giai đoạn trước đó. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh đã giúp cho ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng khá và duy trì ổn định trong nhiều năm qua, thậm chí một số tỉnh năng động đã bứt phá với mức tăng trưởng cao và nguồn thu ngân sách địa phương được cải thiện mạnh. Bên cạnh đó, khu vực công nghiệp tăng trưởng với tốc độ cao hơn bình quân cả nước và cao nhất trong hơn một thập niên qua, đã đưa ĐBSCL trở thành trung tâm sản xuất và xuất khẩu nông sản bậc nhất, hằng năm đóng góp gần một nửa trong tổng thặng dư thương mại của quốc gia. Một số doanh nghiệp trong vùng trở thành những tập đoàn lớn của quốc gia, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, kinh tế ĐBSCL trong nhiều năm qua vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn như cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chậm chuyển đổi cơ cấu, thu hút đầu tư kém, doanh nghiệp chậm phát triển cả về số lượng và năng lực, vùng thiếu cơ hội việc làm cho người lao động, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn yếu...

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024 chỉ ra bốn nhóm rào cản chính đang kìm hãm dòng vốn đầu tư vào ĐBSCL gồm: hạ tầng giao thông và logistics yếu kém, thiếu hụt lao động có tay nghề, rủi ro từ biến đổi khí hậu, môi trường kinh doanh chưa đủ thuận lợi: Chính sách thu hút đầu tư thiếu hấp dẫn, quy trình hành chính phức tạp, khó tiếp cận đất đai và tài chính. Theo ông Jonathan London, Cố vấn kinh tế cao cấp Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) Việt Nam, báo cáo cho thấy vẫn còn những thách thức gốc rễ về mặt cấu trúc như nền kinh tế của khu vực vẫn bị chi phối bởi nền nông nghiệp năng suất thấp và không đa dạng, đầu tư tư nhân và FDI vẫn còn tụt hậu so với các vùng khác, kỹ năng của lực lượng lao động và năng suất lao động tiếp tục tụt hậu so với các khu vực khác. Tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, đang ngày càng gây tổn hại đến sinh kế và đời sống người dân… Và nhiều người trẻ vẫn đang rời đi, tìm kiếm cơ hội ở một nơi khác. Do đó, mặc dù tăng trưởng đã có dấu hiệu hồi phục nhưng vẫn chưa thấy được sự thay đổi toàn diện, đột phá. Và nếu không có sự thay đổi sâu sắc hơn, những thành quả tăng trưởng này sẽ khó có thể duy trì.

Lựa chọn các ưu tiên đầu tư

Tiêu điểm Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL năm 2024 tập trung phân tích cấu trúc các nguồn vốn cấu thành tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội để tìm hiểu những nguyên nhân và hạn chế mà ĐBSCL gặp phải trong quá trình huy động vốn cho phát triển. Từ đó khuyến nghị các chính sách cần thiết để Trung ương xây dựng một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện và dài hạn, như vậy mới có thể tận dụng được tiềm năng kinh tế to lớn của vùng. Ông Trần Văn Huyến, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, bày tỏ tâm đắc với kết luận của báo cáo: "Nếu giải được bài toán vốn - vùng sẽ có cú chuyển mình mang tính bước ngoặt". Theo ông Huyến, thách thức của vùng ĐBSCL không chỉ nằm ở vốn, mà còn là tổng hợp của nhiều yếu tố như hạ tầng giao thông liên vùng yếu, chi phí logistics cao; thiếu hụt lao động chất lượng cao, di cư lao động rất lớn. Nếu có thể tháo gỡ các điểm nghẽn trên, vùng có thể trở thành cực tăng trưởng mới, thậm chí là vùng kiểu mẫu về phát triển nông nghiệp sinh thái, công nghiệp chế biến hiện đại và kinh tế tuần hoàn. 

Ông Jonathan London nhấn mạnh: Nguồn lực đầu tư cần tập trung vào cơ sở hạ tầng có thể chống chịu được biến đổi khí hậu, nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo nghề và đổi mới sáng tạo. Các mô hình kinh doanh toàn diện tạo ra nhiều việc làm và mang lại giá trị cho cộng đồng địa phương. Và để các loại hình đầu tư này có thể bén rễ, sự phối hợp của các bên liên quan là điều cần thiết. Vì vậy,  cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa quy hoạch Trung ương và địa phương và cần những tín hiệu rõ ràng hơn cho khu vực tư nhân. Cùng với đó là sự hỗ trợ của các đối tác phát triển nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về năng lực và tài chính. UNDP cam kết hỗ trợ toàn diện cho quá trình chuyển đổi này và đang hợp tác với các địa phương ở ĐBSCL về thích ứng với khí hậu, tiếp cận tài chính và lập kế hoạch dài hạn. UNDP đang hỗ trợ cho các hoạt động liên kết vùng và áp dụng thông lệ tốt của quốc tế để giải quyết các thách thức tại địa phương, bao gồm xây dựng khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương. 

Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024 đề xuất bốn nhóm giải pháp then chốt nhằm tháo gỡ nút thắt đầu tư và thúc đẩy phát triển bền vững cho ĐBSCL, trong đó các chính sách cần tập trung vào xác định chính xác ưu tiên đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư; và mở rộng nguồn lực tài chính từ cả khu vực công và tư nhân, trong đó đầu tư công hiệu lực và hiệu quả là điều kiện then chốt để thu hút đầu tư tư nhân vào ĐBSCL. ĐBSCL cần một chiến lược huy động nguồn lực đầu tư toàn diện và dài hạn, với sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đồng Chủ biên, Trưởng nhóm nghiên cứu Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024, trong bối cảnh nguồn lực hạn chế, đầu tư không thể dàn trải, cần chọn đúng các ưu tiên đầu tư về hạ tầng chiến lược giúp kết nối ĐBSCL với Đông Nam Bộ và thế giới, chuyển đổi số toàn diện để nâng cao năng suất lao động, đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn, bền vững môi trường, đầu tư về nhân lực cho các ngành chiến lược, có lợi thế đặc thù, đa dạng hóa để xây dựng nền kinh tế hiện đại và dẻo dai, quan tâm đầu tư năng lượng tái tạo làm đòn bẩy cho công nghiệp - công nghệ xanh. Việc định rõ các ưu tiên không chỉ nằm ở việc chọn lọc dự án đầu tư, mà quan trọng hơn là định hình và dẫn dắt tư duy phát triển. Cần gia tăng nguồn lực từ nhiều hướng, cho nhiều mục tiêu thông qua đa dạng hóa nguồn vốn, vốn không chỉ đến từ ngân sách, mà còn từ khu vực tư nhân, FDI, vốn hỗn hợp, hợp tác công - tư, và tín dụng xanh, tập trung đầu tư công có hiệu quả, với định hướng chiến lược rõ ràng là lời cam kết đáng tin cậy nhất của chính quyền để thu hút tư nhân. Bên cạnh đó cần tận dụng hiệu quả nguồn vốn ODA, không chỉ giới hạn ở các phương thức truyền thống mà còn mở rộng sang tín dụng xanh và tài chính hỗn hợp.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết