26/12/2007 - 09:13

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL:

Giúp nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, rút ngắn chênh lệch năng suất giữa các địa phương

Hiện nay, tại ĐBSCL, hơn 60 giống lúa do Viện Lúa ĐBSCL lai tạo và chuyển giao đang được gieo trồng trên 70% tổng diện tích trồng lúa của vùng. Hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị hạt gạo, các nhà khoa học của viện đã tập trung lai tạo giống, nghiên cứu các tiến bộ kỹ thuật để chuyển giao đến bà con nông dân. Xoay quanh vấn đề này, Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, cho biết:

 

- Viện tập trung nghiên cứu, lai tạo những giống lúa mới có năng suất cao, phẩm chất tốt, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu những giống chống chịu được sâu bệnh, bất lợi của thời tiết... Năm 2007, Viện có giống lúa OM 4498 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) công nhận chính thức. Đây là giống lúa có năng suất cao, chất lượng gạo tốt, có khả năng chống chịu với rầy nâu, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá; thích nghi với vùng khó khăn như phèn mặn. Ngoài ra, Viện còn có một số giống được đưa vào sản xuất thử như: OM 5930, OM 5239, OM 2008, OM4900.

Hiện nay, ở ĐBSCL chênh lệch năng suất lúa giữa các tỉnh trong vùng, các nơi trong tỉnh thể hiện khá rõ. Ở một số vùng như An Giang, năng suất lúa vụ đông xuân có thể lên đến 7- 8 tấn/ ha còn những vùng khác chỉ 4- 5 tấn/ ha. Tìm ra giải pháp thu hẹp chênh lệch năng suất để nâng cao sản lượng là giải pháp khả thi và vấn đề cần được quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

* Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự chênh lệch năng suất giữa các địa phương và để rút ngắn chênh lệch đó, cần có những giải pháp gì?

- Có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, sinh thái giữa các vùng không giống nhau. Tất nhiên, vùng trù phú, màu mỡ sẽ cho năng suất cao; còn vùng phèn mặn, bạc màu... thì năng suất thấp. Thứ hai là do trình độ kỹ thuật của bà con nông dân không đồng đều nhau. Bên cạnh những nông dân tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vẫn còn một số bà con chỉ sản xuất theo kinh nghiệm, tập quán, không quen với cách làm mới nên năng suất thấp. Thứ ba là hệ thống khuyến nông chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Mặc dù hiện nay các ấp, xã, huyện... đều có cán bộ khuyến nông, trạm, trung tâm khuyến nông nhưng lực lượng “mỏng” nên công tác khuyến nông còn hạn chế. Thứ tư là đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn ở một số địa phương chưa tốt. Những nơi hệ thống thủy lợi kém, mặt ruộng không bằng phẳng, quá nhiều gò trũng thì năng suất lúa không thể cao được.

Để giải quyết những vấn vấn đề này, Viện Lúa ĐBSCL tập trung nghiên cứu, áp dụng các biện pháp hiện đại chọn tạo giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu được sâu bệnh và các điều kiện bất lợi. Đồng thời, nghiên cứu để hướng dẫn bà con cách bón phân hợp lý, nâng cao hiệu quả canh tác. Trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, Viện chú trọng những vùng khó khăn, vùng có năng suất thấp; khuyến cáo đầu tư cơ sở hạ tầng thỏa đáng...

* Thưa ông, hiện nay, tình hình sử dụng giống xác nhận ở ĐBSCL ra sao? Viện lúa có giải pháp nào để nâng cao diện tích gieo trồng sử dụng giống xác nhận?

- Hằng năm, ĐBSCL và khu vực Đông Nam bộ cần khoảng 400.000 tấn lúa giống. Theo tổng kết năm 2007 của Bộ NN&PTNT, vùng chỉ sản xuất được khoảng 120.000 tấn lúa giống xác nhận, tức mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Tuy nhiên, khi xác định lại thì chỉ mới có khoảng 30%- 40% trong số 120.000 tấn giống xác nhận là được kiểm định, xác nhận. Số còn lại chưa được xác nhận nên chỉ có thể xem là giống lúa chất lượng cao.

Bộ NN&PTNT đang giao Viện lúa ĐBSCL thực hiện dự án “Phát triển giống lúa xuất khẩu các tỉnh phía Nam giai đoạn 2006-2010” với tổng kinh phí trên 44 tỉ đồng. Theo chỉ đạo của Bộ, ruộng lúa nhân giống của viện sẽ chỉ sản xuất giống lúa siêu nguyên chủng và giống nguyên chủng; hạn chế dần và tiến đến không sản xuất giống xác nhận, chuyển giao công việc này đến các địa phương, các cơ sở nhân giống. Chúng tôi cố gắng tổ chức mạng lưới nhân giống rộng khắp để đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu của bà con nông dân.

* Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp cũng là lĩnh vực tập trung nghiên cứu của Viện lúa ĐBSCL. Trong đó, Viện sẽ chú trọng đến những khâu nào, thưa ông?

- Viện lúa ĐBSCL đã nghiên cứu và chuyển giao công nghệ đến bà con nông dân về các loại máy, công cụ nông nghiệp, như: công cụ kéo tay, máy gieo hàng liên hợp với máy kéo, máy gieo hốc liên hợp máy kéo... Qua đó, góp phần nâng diện tích ruộng được gieo bằng máy gieo lúa theo hàng lên hơn 20% tổng diện tích gieo trồng. Viện cũng đã nghiên cứu và ứng dụng máy gặt xếp dãy, máy gặt đập liên hợp trên lúa.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, mỗi năm, ĐBSCL sản xuất gần 4 triệu ha lúa. Nếu tính tỷ lệ hao hụt trong và sau thu hoạch là 10%, như vậy hằng năm, ĐBSCL mất đi hàng trăm ngàn tấn lúa. Thêm vào đó, một lượng lớn lao động trẻ nông thôn đang có xu hướng đổ về các thành phố lớn làm việc trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại- dịch vụ. Vì vậy, đến mùa thu hoạch lúa lại thiếu nhân công trầm trọng. Nhiều ruộng không thu hoạch kịp, lúa chín rục, gây thiệt hại cho nông dân.

Do đó, trong quá trình nghiên cứu phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, Viện lúa ĐBSCL sẽ đặc biệt quan tâm đến khâu thu hoạch và sau thu hoạch. Viện tập trung nghiên cứu chế tạo, cải tiến các loại máy cắt lúa xếp dãy, máy gặt đập liên hợp sao cho phù hợp với điều kiện của ĐBSCL. Chẳng hạn máy phải gọn, nhẹ, dễ di chuyển ở địa bàn chằng chịt kinh rạch; máy có thể hoạt động ở nhiều loại ruộng khác nhau: ruộng khô, ruộng nước có bùn, lầy lún... Đồng thời, Viện sẽ nghiên cứu cải tiến để giảm giá thành, nâng chất lượng sấy của các loại máy sấy.

* Hiện nay, tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở ĐBSCL chỉ đạt khoảng 15%. Ông có đề xuất gì để nâng cao tỷ lệ này?

- Để tỷ lệ cơ giới hóa nông nghiệp ở ĐBSCL cao hơn, trước hết, cần tổ chức lại sản xuất. Cụ thể là hợp tác để qui mô sản xuất lớn hơn, thuận tiện cho việc cơ giới hóa. Nghe nói đến hợp tác xã, nhiều người sẽ ngán ngại. Thực tế, vấn đề là ở chỗ tổ chức, quản lý như thế nào đảm bảo khoa học, công bằng mà không cào bằng. Hôm rồi, tôi đến Tân Hiệp, Kiên Giang, thấy huyện có hơn 30 hợp tác xã, hoạt động rất tốt, rất hiệu quả. Kế đến là phải có chính sách phát triển lĩnh vực cơ khí nông nghiệp, chính sách hỗ trợ bà con mua máy nông nghiệp. Vừa rồi, Cần Thơ có kế hoạch hỗ trợ lãi suất tiền vay cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nếu làm được như vậy, tôi tin sẽ giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong tiến trình cơ giới hóa nông nghiệp.

* Rất nhiều nông dân cũng có những sáng chế “đáng giá” về máy móc phục vụ cho cơ giới hóa nông nghiệp. Viện sẽ tận dụng nguồn chất xám này như thế nào, thưa ông?

- Hiện nay, Viện lúa ĐBSCL có bộ môn Cơ điện đặt tại Trường Trung học Cơ điện và Kỹ thuật Nông nghiệp Nam Bộ và cũng là thành viên của Hội Cơ khí Việt Nam. Hàng năm, Bộ NN&PTNT đều tổ chức bình tuyển máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL. Ngoài mục đích chọn máy nông nghiệp phù hợp để nhân rộng, hoạt động này còn có ý nghĩa tác động để nông dân chủ động hơn trong cơ giới hóa, các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí có điều kiện trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau trong thiết kế, cải tiến kỹ thuật. Nghe nông dân ở đâu sáng chế ra được loại máy gì, chúng tôi cũng cử cán bộ đến tận nơi xem xét, nghiên cứu học hỏi nông dân. Đồng thời, bằng những kiến thức của mình, các cán bộ của Viện sẽ giúp nông dân hoàn chỉnh các qui trình cũng như chi tiết kỹ thuật. Viện cũng sẵn sàng chuyển giao những nghiên cứu của mình cho các doanh nghiệp để sản xuất rộng rãi, giảm giá thành máy móc, nâng cao tính cạnh tranh.

* Xin cảm ơn ông!

SỸ HUIÊN (thực hiện)

Chia sẻ bài viết