14/07/2008 - 22:15

Giúp người nghèo an cư

* KIỀU CHINH

Có được một mái nhà lành lặn là mơ ước của bao người, nhưng không phải ai cũng có điều kiện thực hiện được nguyện vọng này. Để giúp bà con nghèo an cư lạc nghiệp, nhiều năm qua, Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) TP Cần Thơ đã phát động phong trào đóng góp Quỹ vì người nghèo để xây nhà tặng cho những mảnh đời bất hạnh. Từ sự quan tâm này, nhiều cuộc đời đã thật sự đổi thay...

Hết lo nhà dột

Dẫn chúng tôi đi thăm 2 ngôi nhà đại đoàn kết ở hẻm 48 Nguyễn Trãi vừa được xây vào đầu năm 2008, bà Đỗ Thị Láng, Phó Chủ tịch UBMTTQ phường An Hội, quận Ninh Kiều, cho biết: Xây được nhà cho hai hộ này là một hành trình gian nan bởi 2 ngôi nhà đều nằm trong hẻm sâu, là nhà sàn nằm cạnh con rạch, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, muốn xây phải bơm cát làm nền, vận chuyển vật liệu vào rất khó khăn. Khi lại khảo sát, mọi người không dám vào vì sợ sập nhà. Vậy mà mấy chục năm nay, đó là nơi trú ngụ cho cả chục nhân khẩu, gồm người già, trẻ em, người bệnh...

Bà Nguyễn Thị Ba là chủ hộ căn nhà đại đoàn kết mới xây số 48/33/2 Nguyễn Trãi. Bà Ba năm nay đã 93 tuổi, bị bệnh tim, cao huyết áp nhiều năm. Lúc tôi lại thăm, bà được ở trong căn nhà nền gạch sạch sẽ, nhà cửa thông thoáng. Chị Nguyễn Thị Hóa, 54 tuổi, con bà Ba, đang trực tiếp nuôi mẹ, xúc động kể: “Trước đây, chúng tôi sống chui rúc trong cái ổ xập xệ, khổ không kể xiết, trời mưa ngủ ngồi, khi nắng thì nóng như lò lửa. Nhà không có giường, má tôi phải nằm trên tấm ván kê dưới sàn, đầy côn trùng. Mấy tháng nay được ở trong nhà mới mà tưởng như mơ. Ơn này suốt đời mẹ con tôi không quên”. Dẫu cuộc sống vẫn còn khó khăn nhưng bà Ba đã đỡ lo vì phía sau có chính quyền, Mặt trận quan tâm, chia sẻ.

Bà Lê Thị Mân, 71 tuổi, có 7 người con, cũng được cất tặng nhà đại đoàn kết cùng dịp với bà Ba vào đầu năm 2008. Gia đình bà Mân là hộ lang thang, sống lây lất trên ghe. Ghe mục nát, bà tấp vào hẻm 48 Nguyễn Trãi tìm miếng đất trống cất chòi ở tạm. Lúc trước, bà Mân đi làm mướn, nướng chuối bán, nhưng thời gian gần đây bệnh quá, bà phải nghỉ ở nhà. Bà đang sống cùng vợ chồng con trai út và cháu nội. Bà Mân vui mừng khoe với khách nhà mới đẹp lắm, có gác lửng, nhà vệ sinh tươm tất... Rồi bà khóc và nói: “Tôi nhớ như in cái ngày 21-3-2008, cầm trên tay giấy bàn giao nhà mới, cả đêm thao thức không ngủ được. Cả đời vất vả mưu sinh, đói ăn thiếu mặc nên chưa bao giờ tôi tính đến chuyện cất nhà. Nhờ được chính quyền quan tâm, tôi mới thoát khỏi cảnh “màn trời chiếu đất”. Tôi mừng quá, bây giờ dù còn chạy ăn từng bữa nhưng tôi mãn nguyện rồi”. Hạnh phúc như được nhân đôi khi cháu nội của bà đang học lớp 3 được các cô chú ở phường hứa sẽ bảo trợ cho đi học tới năm 18 tuổi...

Lúc trước, phần lớn những con hẻm trong phường An Hội đều lầy lội, rất khó khăn trong việc đi lại. Nay người dân đóng góp làm lại đường sá, nâng cấp hẻm, những ngôi nhà trong hẻm cũng được chính quyền địa phương hỗ trợ sửa chữa khang trang hơn. Bà Đỗ Thị Láng nói: “Phường còn 53 hộ nghèo, nơi ở căn bản đã giải quyết xong, giờ chúng tôi tập trung vào hỗ trợ vốn, dạy nghề để bà con ổn định cuộc sống. Tôi tin rồi đây họ sẽ có tương lai khác”.

5 năm qua, phường An Lạc là một trong những phường thực hiện chương trình xây nhà đại đoàn kết nhiều nhất ở quận Ninh Kiều. Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBMTTQ phường An Lạc, cho biết: Đa số trong phường là dân lao động nghèo, sống trong hẻm sâu, mua gánh bán bưng, nghề nghiệp không ổn định, khó khăn về nhà ở. Trước tình hình này, các ban ngành, đoàn thể mặt trận trong phường tăng cường công tác vận động để có kinh phí xây nhà cho bà con. Năm 2006, phường đã căn bản xóa lá thay tôn, giờ chỉ hỗ trợ để nâng cấp. Đường sá, hẻm trong phường cũng đã được bê-tông hóa, đảm bảo điều kiện ăn ở cho người dân.

Đại diện chính quyền phường An Hội thăm gia đình bà Lê Thị Mân (bìa phải), được xây tặng nhà vào đầu năm 2008. 

Ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch UBMTTQ phường An Lạc (bìa phải) và ông Dương Văn Bộ trước căn nhà đại đoàn kết vừa nâng cấp của ông Bộ. Ảnh: KIỀU CHINH 

Chú Dương Văn Bộ, người Hoa, nhà ở 52 Cao Bá Quát, đã thật sự có cuộc sống mới từ khi được chính quyền phường An Lạc xét cất tặng nhà đại đoàn kết vào năm 2004. Trên nền đất cũ, thay cho mái lá lụp xụp ngày xưa là căn nhà khang trang vừa được nâng cấp, trần đóng la phông, nền gạch bông, đầy đủ tiện nghi. Trước đây, chú Bộ công tác ở Trường ĐH Cần Thơ. Vợ mất sớm, mình chú bươn chải nuôi 6 người con, một người bị bệnh tâm thần. Khi chú nghỉ hưu, gia cảnh càng thêm túng bấn. Được hỗ trợ cất nhà là niềm vui lớn trong đời, chú Bộ phấn khởi nói: “Mai mốt mở hẻm tôi sẽ xung phong hiến đất làm gương, đi vận động bà con. Mọi người đã vì mình thì mình phải vì mọi người”.

Theo ông Nam, đối tượng được xét cất nhà đại đoàn kết là hộ nghèo, chí thú làm ăn, chấp hành đúng chủ trương của Nhà nước. Khi bình chọn, địa phương đều họp dân để lấy ý kiến, không phân biệt đối xử. Đa phần những hộ được hỗ trợ nhà đều rất vui mừng, phấn chấn vực dậy kinh tế gia đình. Nhờ an cư nên lạc nghiệp, bà con bắt đầu tham gia các phong trào của địa phương và tích cực đóng góp để những hộ khó khăn khác cũng có được mái ấm như mình.

Góp sức vì người nghèo

Theo tổng kết của UBMTTQ TP Cần Thơ, tính từ năm 2000 đến cuối tháng 6 năm 2008, thành phố đã vận động xây được 12.739 căn nhà đại đoàn kết, mỗi căn trị giá khoảng 16 triệu đồng; sửa chữa 1.028 căn, (kinh phí chủ yếu lấy từ Quỹ vì người nghèo của TP); xây dựng 2.435 căn cho đồng bào dân tộc Khmer theo Chương trình 134 của Chính phủ. Cuối năm 2007, quận Ninh Kiều và Cái Răng đã căn bản xóa nhà xiêu vẹo. Năm 2008, UBMTTQ thành phố đề ra chỉ tiêu sẽ xóa nhà xiêu vẹo ở 4 quận, huyện là Phong Điền, Bình Thủy, Thốt Nốt, Ô Môn, tiến tới năm 2009 xóa xong nhà xiêu vẹo trên toàn TP. Ông Nguyễn Tấn Công, Phó ban phong trào UBMTTQ TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện thành phố còn khoảng 20.000 hộ nghèo, trong đó còn 1.200 hộ cần nhà. Chúng tôi sẽ cố gắng đáp ứng nhu cầu này, nếu có hộ khó khăn phát sinh sẽ tiếp tục giải quyết. Mỗi khi vận động, người dân nhiệt tình đóng góp nên năm nào chúng tôi cũng thực hiện vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra”.

Theo ông Công, việc hỗ trợ nhà là điều kiện cơ bản giúp bà con nghèo phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Với chủ trương này, quận, huyện nào cũng làm tốt, mỗi quận có ban chỉ đạo để kiểm tra thường xuyên từ khâu xét tuyển đối tượng đến giám sát xây dựng. Ông Công kể: “Không ít hộ sau khi được tặng nhà, vài năm sau đã thấy họ thoát nghèo. Đó là một điều hạnh phúc thôi thúc chúng tôi cùng gắng sức để mang thêm niềm vui đến cho bà con”.

Bà Bùi Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ quận Ninh Kiều, chia sẻ: “Chương trình xây nhà đại đoàn kết là một chương trình mang tính nhân đạo sâu sắc, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta với người dân nghèo. Để thực hiện tốt chủ trương của Nhà nước, người cán bộ phải có tinh thần trách nhiệm cao, công tâm, nhiệt tình, có uy tín để đi vận động. Làm phải có hiệu quả người ta mới tin, chịu đóng góp”. Trong công tác này, cán bộ cơ sở có vai trò rất quan trọng. Họ phải đi sâu vào dân mới nắm hết tâm tư, nguyện vọng của người nghèo, kịp thời phát hiện những trường hợp khó khăn phát sinh để giúp đỡ. Nói như bà Đỗ Thị Láng, Phó Chủ tịch UBMTTQ phường An Hội: “Chúng tôi làm vì tính nhân ái của công việc, không tính toán thiệt hơn. Làm được một căn nhà cho người nghèo là thêm một niềm vui”.

* * *

Chia tay những người dân nghèo được chính quyền địa phương hỗ trợ cất nhà, chúng tôi nhớ như in những gương mặt rạng rỡ, những nụ cười tươi tắn khi lần đầu tiên họ được sở hữu một mái ấm đúng nghĩa. Đằng sau hạnh phúc họ có được là bao giọt mồ hôi lặng thầm của những người cán bộ làm công tác mặt trận cơ sở. Trong những cuộc trò chuyện thân tình, hộ nào cũng hứa sẽ chí thú làm ăn như một sự đền đáp ân nghĩa của cộng đồng dành cho mình. Trên bước đường hướng tới tương lai, họ sẽ không đơn độc vì đã có vòng tay của xã hội sẻ chia.

Chia sẻ bài viết