Ở tuổi lục tuần, nhưng phong thái ông vẫn rất nhanh nhẹn với những đường cầu kỹ thuật mạnh mẽ, chắc chắn, linh hoạt như thanh niên trai tráng. Niềm đam mê thể thao không những giúp ông giữ sức khỏe tốt, mà còn truyền cảm hứng sang người bạn đời để khắc chế được nhiều bệnh mãn tính...
Ông Thấm và bà Hồng trên sân cầu lông vào buổi sáng sớm ngày 7-8-2020. Ảnh: NVCC
Nhà ở đường Nguyễn Ðệ, cách sân Cầu lông Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ khoảng 500m, mỗi ngày khoảng 4g30 sáng là ông Dương Văn Thấm đến sân. Ông là trưởng nhóm khoảng 20 người yêu thích môn thể thao này, cùng tập luyện hằng ngày. Luôn đến sớm hơn một chút, ông khởi động làm nóng cơ thể, đảm bảo không bị chấn thương. Theo ông, đây là môn thể thao vận động khá toàn diện cả tay chân và nhanh mắt nên giúp giữ sức khỏe tốt. Ngoài các thành viên cơ hữu, nhóm của ông có khi tăng lên 30-40 người, với nhiều cấp độ thuần thục khác nhau. Nhằm duy trì hoạt động lâu dài của nhóm, ông Thấm luôn giữ đoàn kết và công bằng giữa các thành viên. Hằng ngày, ông công khai thu chi quỹ của nhóm, hay nhắc nhở những ai xảy ra mâu thuẫn trong lúc luyện tập. Với ông, môn đánh cầu lông buổi sáng là món điểm tâm không thể thiếu. Ông nói: “Tôi đã nghiện môn thể thao này. Không bị ảnh hưởng thời tiết; nhiều hôm trời mưa có khi rất to, nhưng vẫn khoác áo mưa chạy vào sân; thậm chí cả ngày mùng 1 Tết âm lịch vẫn duy trì đánh cầu bình thường”.
Không theo thể thao chuyên nghiệp, nhưng chơi thể thao là niềm đam mê của ông ngay từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Lúc còn học THCS ở quê Cà Mau, ông thường xuyên chơi môn bóng chuyền. Năm 1978, ông Thấm nhập ngũ. Ở đơn vị không có sân bóng chuyền, ông lấy ván ép để tự đóng thành bàn bóng bàn. Năm 1995, khi ra Hà Nội học tiếng Pháp chuẩn bị đi học thực tập sinh ngành Tổ chức chiến thuật Quân y tại Pháp, ông mới bắt đầu làm quen với môn cầu lông và gắn bó đến nay.
Khi là Chủ nhiệm Quân y Quân khu 9 hay lúc về làm Giám đốc Bệnh viện Quân y 121 (2012-2013), dù bộn bề công việc, nhưng ông vẫn dành thời gian chơi cầu lông mỗi sáng và còn tập cho vợ. Ông đã tận dụng mảnh đất trống cạnh nhà, vẽ sân đánh đơn, căng lưới và lắp đặt đèn cao áp chiếu sáng để tập luyện mỗi chiều tối cùng vợ - bà Nguyễn Thị Thu Hồng. Như sẵn có năng khiếu, vợ ông tiếp thu rất nhanh và chơi hay hơn hẳn khi vào sân chính thức, từ đó hình thành niềm đam mê chung cả vợ lẫn chồng. Ðến cuối năm 2019, do bị sỏi thận phải, vợ ông phải trải qua một cuộc phẫu thuật. Sau lần đó, vợ ông thường bị huyết áp cao thất thường, mạch nhanh không ổn định. Với nhiều năm kinh nghiệm trong ngành y, ông Thấm khuyên vợ tăng cường luyện tập cầu lông vào buổi sáng sớm để trị bệnh. Nhờ vậy, huyết áp vợ ông ổn định trở lại. Trước đó mỗi ngày vợ ông phải uống 2 viên của 2 loại thuốc khác nhau để ổn định huyết áp, hiện giờ chỉ cần duy trì một loại thuốc và chỉ 1/4 viên.
Ông Thấm cho biết ở tuổi của ông, nhiều người chọn thiền, dưỡng sinh; còn vợ chồng ông chọn môn cầu lông dù đòi hỏi thể lực và vận động cường độ cao. Song đã luyện tập gần 20 năm nên đã quen. Vợ chồng ông Thấm chơi cầu lông vì sức khỏe, chứ không tham gia tranh giải. Nhóm của ông cũng thường tổ chức giao lưu với các tỉnh Trà Vinh, Ðồng Tháp, Cà Mau, Vĩnh Long, Sóc Trăng, An Giang và cả TP Hồ Chí Minh. Sau khi về hưu năm 2018, ông có thêm thời gian và hỗ trợ mở rộng phong trào tại Cần Thơ với vai trò Phó Chủ tịch Liên đoàn Cầu lông TP Cần Thơ.
NGUYỄN MINH