10/01/2012 - 09:58

Giáo dục mầm non ĐBSCL - Cần sự đầu tư mang tính đột phá để phát triển mạnh mẽ

Giáo dục mầm non (MN) là bậc học quan trọng, tạo nền tảng giúp các trẻ phát triển tốt ở các bậc học cao hơn. “Làm gì để giáo dục MN phát triển?”- Đó là vấn đề được nhiều đại biểu thảo luận tại Hội thảo giáo dục MN ĐBSCL thực trạng và giải pháp, do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức vào ngày 7-1 vừa qua tại tỉnh Hậu Giang...

Thiếu thốn trăm bề...

Tại ĐBSCL, sau 5 năm thực hiện Quyết định số 20/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng ĐBSCL, giáo dục, đào tạo nói chung, giáo dục MN nói riêng đã có những phát triển về qui mô, chất lượng giáo dục. Tiến sĩ Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, cho biết: “Tính đến năm học 2010-2011, ĐBSCL có 1.687 trường mẫu giáo (MG), MN, nhà trẻ (NT), tăng 275 trường so với năm học 2006-2007. Việc huy động trẻ đến trường toàn vùng tăng theo hằng năm: Cách đây 5 năm, số cháu NT đến trường đạt 4,37%, trẻ MG đạt trên 52% và MG 5 tuổi đến trường đạt 86,2%; đến năm học 2010-2011, tỷ lệ này tăng lên đáng kể, nhất là trẻ MG 5 tuổi đến trường đạt 95,3%”. Các địa phương có tỷ lệ huy động trẻ MG ra lớp đạt từ 80% trở lên là: Vĩnh Long và TP Cần Thơ.

Giờ sinh hoạt ngoài trời của cô trò Trường MN Trường Long (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ). 

Không thể phủ nhận hiệu quả đầu tư từ Quyết định 20 và Quyết định 1033/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho giáo dục- đào tạo (GD-ĐT) vùng ĐBSCL, nhưng GD-ĐT nói chung, giáo dục MN nói riêng ở vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Tỷ lệ huy động trẻ MN đến trường ở ĐBSCL vẫn thấp so với bình quân chung của cả nước và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự, nhất là tỷ lệ huy động cháu ra NT đạt thấp, trong đó học sinh NT các dân tộc thiểu số chỉ chiếm 2%... Việc quy hoạch mạng lưới trường lớp ở một số địa phương còn hạn chế, chưa ưu tiên dành quỹ đất cho việc xây dựng trường MN, nhiều xã chưa có trường MN (cả vùng còn 215 xã chưa có trường MN độc lập). Toàn vùng vẫn còn 769 phòng tạm và 3.316 phòng học nhờ, mượn, chiếm 27,5%. Các tỉnh còn nhiều phòng học nhờ, mượn là: Sóc Trăng (540 phòng), Kiên Giang (454 phòng), Đồng Tháp (438 phòng),... Ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, bức xúc: “Sau 8 năm tách ra từ tỉnh Cần Thơ, mạng lưới trường lớp ở tỉnh Hậu Giang tuy có phát triển nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn. Ngành học MN có 78 trường/335 điểm, với 675 phòng (trong đó có 289 phòng học bán kiên cố, 115 phòng tạm, tre lá); trong đó có 130 phòng bán kiên cố xuống cấp nặng cần thay thế. Đặc biệt, ngành phải mượn 189 phòng học của trường tiểu học và cơ sở khác để đảm bảo nhu cầu giảng dạy và học tập cho bậc học MN”.

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi phục vụ cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ đã thiếu thốn, đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng chẳng khá hơn. Bởi tính đến năm 2010-2011, toàn vùng có 31.460 cán bộ, giáo viên, nhân viên. So với năm học 2009-2010, số cán bộ, giáo viên, nhân viên tuy có tăng (hơn 4.400 người), nhưng giáo viên đứng lớp vẫn còn thiếu. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, toàn vùng còn thiếu 2.284 người. Các tỉnh thành còn thiếu nhiều giáo viên là: Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, Cần Thơ... Bà Đoàn Thị Bẩy, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, băn khoăn: “Cà Mau không chỉ khó khăn về điều kiện đi lại của học sinh mà còn thiếu đội ngũ giáo viên. Toàn ngành còn thiếu hơn 250 giáo viên, tỷ lệ giáo viên/ lớp hiện nay là 1,2. Số giáo viên mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy đặc biệt là việc giảng dạy chương trình giáo dục MN mới”.

Tìm lối ra cho giáo dục MN vùng ĐBSCL

Tại Hội thảo, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục MN vùng ĐBSCL.

Theo ông Bùi Văn Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang, theo Đề án phát triển GD&ĐT tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2011-2015 thì nhu cầu vốn cho ngành học MN trong giai đoạn này là trên 671 tỉ đồng. Nhưng hiện tại, nguồn vốn của tỉnh chủ yếu là nguồn xổ số kiến thiết, mỗi năm chỉ có thể phân bổ cho các địa phương để đầu tư xây dựng trường học bình quân khoảng 50 tỉ đồng. Nếu tập trung toàn bộ để đầu tư cho giáo dục MN thì 5 năm cũng chỉ có được 250 tỉ. “Khó khăn này không chỉ của riêng ở Hậu Giang mà còn của cả các tỉnh, thành ĐBSCL. Do vậy, để phát triển bậc học MN rất cần sự đầu tư mang tính đột phá cho vùng ĐBSCL”- ông Dũng kiến nghị.

Đồng tình với quan điểm này, ông Lưu Thành Công, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Long, đề xuất: “Phát triển cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên đều rất cần nguồn kinh phí đầu tư. Do vậy, Chính phủ, các bộ ngành trung ương nên nghiên cứu tăng mức đầu tư, bảo đảm ngân sách chi thường xuyên cho hoạt động giáo dục MN”. Cũng theo ông Lưu Thành Công, để chất lượng giáo dục MN đảm bảo thì phải đào tạo, bồi dưỡng, thu hút giáo viên. Nhưng để giáo viên bám trụ với nghề thì cần có biện pháp tích cực thu hút giáo viên để họ “sống” được với nghề và “sống” bằng nghề.

Theo Quyết định số 1033 của Thủ tướng Chính phủ , ĐBSCL hướng đến mục tiêu: năm 2015 sẽ có 100% tỉnh, thành đạt chuẩn phổ cập MN cho trẻ 5 tuổi, nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường lên 99% ở bậc tiểu học, 85% ở bậc THCS và 60% ở bậc THPT... Để thực hiện được mục tiêu trên, nhiều đại biểu cho rằng, các tỉnh, thành cần có kế hoạch phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu và chất lượng.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt chương trình kiên cố hóa trường lớp, xây dựng hoàn chỉnh các phòng chức năng, phòng bộ môn để tiến tới chuẩn hóa trường học. Ngoài ra, để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, cần thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi, miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, đi lại đối với học sinh nghèo, con em đồng bào dân tộc... Theo GS.TS Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, bên cạnh sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, các địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục MN vùng ĐBSCL, linh động tìm nguồn xã hội hóa đầu tư cho giáo dục, bởi nguồn kinh phí Nhà nước có hạn. Vả lại, mỗi địa phương không nhất thiết mỗi xã có một trường MN, MG mà quan trọng là có cơ sở vật chất tốt để các cháu học đàng hoàng, phát triển tốt. Tất nhiên, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục kiến nghị với Chính phủ quan tâm tăng mức đầu tư kinh phí để các tỉnh, thành ĐBSCL có điều kiện đầu tư xây dựng trường lớp, đào tạo bồi dưỡng cán bộ giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục MN ĐBSCL...

Công bằng mà nói, so với 5 năm trước, GD-ĐT nói chung, giáo dục MN nói riêng ở ĐBSCL có bước phát triển mạnh mẽ về mạng lưới trường lớp, qui mô, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Thế nhưng, để giúp vùng đất chín rồng chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa cần có sự đầu tư mang tính đột phá, lâu dài và căn cơ từ Chính phủ, bộ ngành trung ương...

Bài, ảnh: BÍCH NGỌC

Chia sẻ bài viết