09/10/2018 - 21:36

Giảm ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp 

Hội thảo "Môi trường nông nghiệp vùng ĐBSCL hiện trạng và thách thức" do Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức, xác định: Ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng hơn. Kết quả các cuộc khảo sát mới nhất từ các cơ quan chuyên môn báo động cần sớm có giải pháp ngăn chặn các tác động làm suy thoái, gây tổn hại môi trường, hướng đến nâng cao chất lượng sản phẩm nông-thủy sản và bảo vệ sức khỏe người dân...

Nông dân xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ tham quan các mô hình sản xuất lúa giống theo kỹ thuật canh tác "3 giảm, 3 tăng", đạt năng suất cao và hạn chế ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm từ thuốc bảo vệ thực vật

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, với 4 triệu ha đất có lợi thế phát triển kinh tế cho vùng và cả nước. Hằng năm, khu vực ĐBSCL đóng góp 20% GDP, với nguồn đóng góp chính là nông nghiệp và thủy sản cho cả nước. Tuy nhiên, trong những năm qua, vùng đất này đã đối mặt với nhiều khó khăn dưới tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và hoạt động xây dựng phát triển thủy điện thiếu bền vững ở thượng nguồn sông Mekong. Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn thường xuyên diễn ra nghiêm trọng vào mùa khô. Trong khi đó mùa mưa thường đến chậm, mưa ít đi. Nhiều năm, ĐBSCL chịu cảnh lũ ít hoặc không có lũ, làm ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất nông nghiệp trong vùng. Đặc biệt áp lực dịch hại trên cây trồng, mật số sâu bệnh tăng cao, thậm chí phát sinh một số sâu bệnh mới.

Bên cạnh đó, trong sản xuất nông nghiệp còn chịu tác động ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất. Theo Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), từ thập niên 80 đến nay, giá trị nhập khẩu, số lượng và chủng loại hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu liên tục tăng. "Số lượng thuốc bảo vệ thực vật đăng ký sử dụng cũng tăng khoảng 10 lần trong hơn 10 năm qua. Ô nhiễm môi trường do sản xuất nông nghiệp cũng từ đó tăng lên" - Tiến sĩ (TS) Nguyễn Hồng Tín, Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, nói.

Qua kết quả khảo sát mới đây trong lĩnh vực trồng trọt, TS Nguyễn Hồng Tín, Trưởng Bộ môn Hệ thống Nông nghiệp thuộc Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Trường Đại học Cần Thơ), công bố: Ô nhiễm môi trường nông nghiệp do thâm canh tăng cao, mở rộng diện tích sản xuất, định hướng tăng sản lượng... Trong đó tập trung chủ yếu trên 3 loại cây trồng mang tính ô nhiễm môi trường lớn là lúa, bắp, cây cà phê sử dụng nhiều vật tư đầu vào là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Hiện chi phí phân bón chiếm khoảng 30% tổng chi phí sản xuất. Tính hằng năm lãng phí khoảng 130 triệu USD do thải ra môi trường (đất, nước, không khí) từ 865.000 tấn tồn dư của phân bón hóa học. Đó là do nông dân còn dựa vào kinh nghiệm, tập quán tăng số lượng, lần bón phân hơn mức khuyến cáo. Mặt khác, tình trạng phân bón giả, phân bón kém chất lượng khoảng 50% làm cho hiệu quả sử dụng phân bón thấp, môi trường thêm ô nhiễm. Hệ quả thấy rõ vùng canh tác lúa 3 vụ/năm suy thoái đất, ít phù sa tự cải tạo đất do đê bao ngăn lũ.

 Theo TS Nguyễn Hồng Tín, qua điều tra, lượng thuốc bảo vệ thực vật hiện sử dụng đạt mức 2,5 kg/ha/vụ, tương đương 7,5 kg/ha/năm (3 vụ). Có 50% nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá liều với 30% lượng thuốc, chiếm gần 20% chi phí sản xuất so với mức khuyến cáo, ước tính lãng phí ra môi trường khoảng 400 triệu USD/năm.

Giải pháp

Có thể nhận thấy trong những năm gần đây song hành cùng các hoạt động sản xuất thâm canh tăng vụ, trong trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đã bộc lộ mặt trái như: Gây ô nhiễm môi trường, mất cân bằng sinh thái, sụt lún đất, suy giảm mạch nước ngầm; các nguồn chất thải trong sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi thủy sản và nước thải nông thôn… chưa được xử lý triệt để đang gây áp lực lớn ô nhiễm môi trường và nguy cơ lây lan dịch bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và tuổi thọ người dân vùng nông thôn. Về mặt kinh tế tăng chi phí sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam, giảm hiệu quả sản xuất và thu nhập của nông hộ; đồng thời rủi ro trong các hợp đồng thương mại như dư, quá hàm lượng nitrate cho phép, hàng bị tái xuất, trả về…

 Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã giới thiệu đến cán bộ các Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật và thủy sản vùng ĐBSCL về các văn bản pháp luật mới liên quan bảo vệ môi trường ngành NN&PTNT. Trong đó có một số điểm mới của Luật Trồng trọt năm 2018 và Luật Thủy sản 2017 có hiệu lực từ đầu năm 2019. Trên cơ sở đó các chuyên gia nông nghiệp đề xuất trong chương trình tái cơ cấu sản xuất cần tiếp tục các giải pháp yểm trợ kỹ thuật canh tác, xây dựng năng lực nông dân hướng tới phát triển bền vững theo 3 bước: Cải thiện thu nhập, giảm chi phí sản xuất và giảm nhập lượng đầu vào. Trong đó cũng cần chú ý đến các giải pháp ứng dụng kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng:, "1 phải, 5 giảm"… trong sản xuất.

Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất càng tăng lên. Trong giai đoạn 2000-2011 số loại thuốc bảo vệ thực vật đăng ký và sử dụng ở nước ta tăng gấp 10 lần. Riêng năm 2017 trong 430.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật nhập khẩu có 38,1% thuốc trừ cỏ, 13,2% thuốc trừ sâu, 17,5% thuốc trừ bệnh, 1,3% thuốc trừ ốc và 1,3% thuốc điều hòa sinh trưởng, còn lại 28,6% là các loại nguyên phụ liệu khác.

Theo Viện Kinh tế và Quy hoạch Thủy sản, trong các giải pháp canh tác bền vững ứng phó với BĐKH vùng ĐBSCL, do việc tiến hành xây dựng, hoàn thiện các hệ thống công trình trên quy mô toàn vùng chưa làm ngay được do tốn kém, khó khăn và không bền vững, vì vậy giải pháp ưu tiên trước mắt cho canh tác nông nghiệp trong điều kiện thích ứng. Các nghiên cứu đã chỉ ra, việc thuận theo tự nhiên, quy hoạch các giống cây/con phù hợp với thổ nhưỡng sẽ giúp biến các thách thức trở thành cơ hội, giảm chi phí cải tạo đất, nước.

Cùng quan điểm đó, TS Jeffrey Alwang - chuyên gia chương trình CURE (Consortium for Unfavorable Rice Environments), nhận định: Vùng ĐBSCL cần quy hoạch canh tác nông nghiệp theo phân vùng sinh thái nông nghiệp. Vùng thượng nguồn với vấn đề sinh kế mùa lũ, sẽ được chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo các mô hình: xả lũ 3 năm 8 vụ, lúa - thủy sản, lúa - sen, thủy sản - cá lóc, trồng lục bình… Vùng cửa sông, ven biển thay vì ngăn mặn sẽ chuyển đổi sản xuất theo hướng coi nước mặn như một nguồn tài nguyên, với các mô hình: lúa - màu, lúa - tôm, trồng cỏ chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nước mặn… Vùng Bán đảo Cà Mau với lợi thế về rừng ngập mặn, sẽ được quy hoạch theo mô hình nông - lâm kết hợp tràm - thủy sản, tràm - lúa - thủy sản…

PGS.TS Đinh Vũ Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường cho biết, với những giải pháp trên, sản xuất nông nghiệp ĐBSCL giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng BĐKH trong tương lai.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết