12/07/2019 - 17:10

Giám đốc Sở Xây dựng nhận trách nhiệm về những yếu kém quản lý ngành 

(CTO)-Công tác quản lý khu dân cư (KDC), khu đô thị mới; công tác giải phóng mặt bằng, quản lý trật tự xây dựng được Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Mai Như Toàn trả lời thẳng thắn và thừa nhận các nguyên nhân yếu kém.

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng.

Nhiều dự án GPMB chậm

Giải trình về công tác quản lý, ông Mai Như Toàn cho biết, đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trong 42 dự án KDC, tái định cư (TĐC), khu đô thị mới, thương mại… có 14 dự án có mặt bằng sạch 100% và 26 dự án triển khai có tỷ lệ GPMB từ 50% trở lên; còn 2 dự án chưa GPMB, đây là vấn đề này được đưa vào rà soát và có xem xét trong thời gian tới.

Còn công tác thanh tra kiểm tra và xử lý thời gian qua đối với các dự án trên địa bàn, Sở đã thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra 6 dự án. Qua đó, đã kiến nghị thành phố thu hồi hoàn toàn 3 dự án và thu hồi một phần đối với 2 dự án.

Các tồn tại vướng mắc tại 42 dự án, qua rà soát của Sở thì các dự án đều vướng khâu bồi thường, GPMB, có những dự án chỉ còn một phần nhỏ, thậm chí vài trăm mét vuông nhưng vẫn chưa thể GPMB được. Vấn đề nữa là hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đầu tư thiếu đồng bộ. Công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho người dân chưa được đảm bảo; có một số dự án không thể triển khai tiếp tục do thủ tục.

Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng, nghe đại biểu chất vấn.

Công tác GPMB chậm có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Khách quan phần lớn các dự án khu đô thị mới và KDC đang vướng mắc đều nằm ở giai đoạn từ 2002-2003. Thời điểm này chưa có quy chế quản lý đô thị mới, khu dân cư, tái định cư; thiếu sự ràng buộc trách nhiệm đối với nhà đầu tư về năng lực đầu tư. Ví dụ: tỷ lệ vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư thực hiện; sau khi có chủ trương đầu tư, họ tự thỏa thuận GPMB; cơ quản quản lý thiếu quy định về sự kiểm soát thủ tục tài chính của nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, các quy định về thủ tục xây dựng, dự án triển khai từ năm 2002 nhưng năm 2004 điều chỉnh Luật xây dựng, Luật Đất đai 2003, 2013… Công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, thiếu phối hợp, giám sát kiểm tra, hồ sơ lưu trữ manh mún ở nhiều cơ quan nên chưa theo dõi xuyên suốt dòng đời dự án. Và có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi gặp khó khăn, do không phân định không rõ ràng về công tác phối hợp trong hướng dẫn chủ đầu tư điều chỉnh thủ tục theo các quy định mới…

“Trách nhiệm này thuộc về các sở ngành, trong đó có Sở Xây dựng chưa kịp thời trong công tác tham mưu, xử lý các vấn đề vướng mắc của chủ đầu tư”- ông Toàn nói.

Đại biểu chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng.

Giải pháp khắc phục

Nhận trách nhiệm về công tác quản lý, ông Mai Như Toàn đề xuất 4 nhóm giải pháp để giải quyết vướng mắc.

Thứ nhất, đối với 42 dự án đang triển khai, những dự án vướng mắc liên quan đến các Luật: Đầu tư, Xây dựng, Đất đai; xử lý các vấn đề liên quan đến công tác pháp lý, không thể một mình Sở Xây dựng xử lý được… nên cần thành lập Tổ công tác đặc biệt do lãnh đạo UBND thành phố đứng đầu để rà soát từng vấn đề, giải quyết trong thẩm quyền, hoặc kiến nghị về trên.

Thứ hai là tăng hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đầu tư, xây dựng. Sở kiến nghị thành phố ban hành quy chế, cơ chế phối hợp quản lý khu đô thị mới, KDC và TĐC… quy định rõ trách nhiệm cụ thể từng sở, ngành, địa phương và nhà đầu tư trong từng giai đoạn từ thực hiện chủ trương đến hoàn thành dự án.

Thứ ba là thiết lập cơ sở dữ liệu dùng chung về các dự án khu đô thị mới, KDC, TĐC và khu thương mại trên địa bàn giao về Sở Xây dựng quản lý. Hiện nay Sở được giao quản lý các dự án nhưng phải xin các sở, cơ quan hồ sơ dự án.

Cuối cùng, đối với các chủ đầu tư nếu có dự án chậm triển khai và được nhắc nhở, chủ trương của thành phố sẽ không cho thực hiện các dự án khác trên địa bàn thành phố. Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND thành phố thu hồi 1-2 dự án không có khả năng triển khai.      

Ông Mai Như Toàn trả lời chất vấn của đại biểu.

Đại biểu đề nghị làm rõ trách nhiệm quản lý

Sau phần giải trình của Giám đốc Sở Xây dựng, đại biểu đặt 12 câu hỏi liên quan đến công tác quản lý ngành. Đại biểu yêu cầu làm rõ thêm vấn đề xây dựng các công trình công cộng, thu gom nước thải ở các khu đô thị? GPMB yếu kém, giải pháp khắc phục triệt để ra sao? Có những dự án kéo dài 16 năm nhưng người dân sống ở đây chưa được cấp GCNQSDĐ; trong khi hợp đồng góp vốn giữa chủ đầu tư và người dân còn hiệu lực, giả sử các chủ đầu tư không còn khả năng thanh toán cho ngân hàng, vậy việc cấp phép có ảnh hưởng người dân không? Sốt đất ở các khu đô thị, dân cư, vậy công tác quản lý kinh doanh bất động sản như thế nào?

Trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Mai Như Toàn cho biết, đối với các KDC, TĐC đều có các thiết chế quy hoạch các công trình dùng chung cộng đồng, Sở đã cùng các quận rà soát các công trình này có theo quy hoạch, nhất là xem xét các công trình trường học, chợ, y tế, siêu thị, trung tâm hành chính… có bị lấn chiếm hay không. Cụ thể tại khu Nam Cần Thơ, tổng diện tích xây dựng các công trình dùng chung cộng đồng hơn 107,44ha đã xây dựng 41,23ha; tỷ lệ thấp so quy hoạch; nhiều nơi bỏ hoang, dẫn đến mất mỹ quan đô thị.

Thời gian tới, Sở sẽ kiến nghị các khu đất cho các công trình công cộng, nhà đầu tư có thể huy động xã hội hóa (có quy định cho phép của UBND thành phố), nhưng nhiều nơi không xã hội hóa được. Để nhà đầu tư chịu bàn giao những phần đất này cần sử dụng biện pháp mạnh, thu hồi về giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố quản lý, Sở sẽ kiến nghị đưa các công trình này vào kế hoạch đầu tư trung hạn thời gian tới.

Riêng vấn đề xử lý nước thải tại khu Nam Cần Thơ, nhà đầu tư chỉ mới đầu tư hệ thống nội bộ chưa có đấu nối vào hệ thống xử lý của thành phố. Nhà máy xử lý khu vực Cái Sâu quy mô 30.000m3 ngày đêm, mới chỉ thu gom trên 9 phường của quận Ninh Kiều, có 4 phường chưa được thu gom. Nhà máy đang vận hành chạy thử, vừa qua được Bộ Tài nguyên môi trường cấp phép xả thải ra sông Hậu (đạt tiêu chuẩn loại A) nhưng nhà máy này trước đây xây dựng xử lý nước thải mới đạt chuẩn loại B, vì vậy chúng ta đang nâng từ cột B lên cột A bằng biện pháp cơ học (xử lý bằng hóa chất); còn đảm bảo bền vững vẫn chưa.

Quận Ninh Kiều còn 4 phường chưa thu gom nước thải về nhà máy Cái Sâu, nhưng nếu được đấu nối thì cũng chỉ giải quyết vấn đề nước thải của Ninh Kiều đã quá tải. Còn quận Cái Răng hiện có 10.000m3 nước thải/ngày đêm chưa thể thu gom. Do vậy, với chủ trương của thành phố, Sở Xây dựng cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập các bộ tiêu chí để kêu gọi đầu tư thêm một nhà máy đơn nguyên 30.000 m3 nữa để thu gom hết nước thải khu Nam Cần Thơ.

Hồ Bún Xáng, hồ Xáng Thổi của quận Ninh Kiều chưa có đấu nối được vào hệ thống xả thải, gom nước về Cái Sâu để xử lý. Sở đã kiến nghị, đưa vào Dự án 3 để kết nối đưa về nhà máy Cái Sâu và kết nối một số khu vực của quận đảm bảo toàn bộ nước thải trên địa bàn quận Ninh Kiều được thu gom và đưa về nhà máy xử lý.

Sở đặt mục tiêu trong quy hoạch phân khu chức năng, nhất là trên địa bàn quận Ninh Kiều phải đảm bảo giải quyết tốt 2 vấn đề cơ bản là: giao thông và xử lý thoát nước.  

Ông Toàn cho biết, tình hình quản lý kinh doanh bất động sản liên quan rất nhiều đến các sở, ngành. Chúng tôi rất lo ngại vấn đề buôn bán đất ở các KDC, khu đô thị. Một số dự án không đủ thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư vẫn rao bán sản phẩm. Do thiếu thủ tục pháp lý, chủ đầu tư thương liên kết với các sàn giao dịch bất động sản để lách luật bằng hình thức ký kết hợp đồng đặt cọc, hợp đồng giữ chỗ… Do vậy, khi ký những hợp đồng này, người mua gặp rủi ro: hợp đồng không có tính chất pháp lý, chủ đầu tư không bàn giao dự án như cam kết; chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án nên nhà nước ra quyết định thu hồi, người mua thiệt hoàn toàn…

Ông Toàn thông tin: Ngày 23-5-2019, Sở Xây dựng ban hành thông báo 1247 thông báo một số quy định pháp luật hiện hành về đầu tư kinh doanh bất động sản, đất nền, nhà ở trên địa bàn thành phố. Thông báo này được đăng tải trên các cổng thông tin của sở, ngành thành phố và gửi các chủ đầu tư có liên quan. Thông báo nêu cụ thể các quy định huy động vốn, ký kết hợp đồng, mua bán nền, nhà ở hình thành trong tương lai… Sở khuyến cáo và yêu cầu các chủ đầu tư nghiêm túc thực hiện, Sở sẽ kiểm tra vấn đề này và đã phát hiện 9 dự án có dấu hiệu giới thiệu sản phẩm không đúng với thực tế triển khai, đánh lừa người mua, Sở sẽ kiểm tra 9 dự án này ngay trong tháng 7-2019 và báo cáo thành phố tháng 8-2019.

Song song đó, Sở sẽ thông tin chi tiết các dự án về: thủ tục pháp lý, điều kiện kinh doanh bất động sản đã đủ chưa trên cổng thông tin của Sở để người dân biết.

Chủ tịch HĐND thành phố Phạm Văn Hiểu lưu ý các sở, ngành liê quan cần kiểm tra, xem các nhà đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ thuế, hoàn chỉnh quy hoạch kết cấu hạ tầng chưa. Hoàn thành rồi mới có quyền bán cho người dân. Cấp giấy CNQSDĐ, cấp cho người dân, người mua, không cấp nguyên block, như vậy chủ đầu tư rất dễ thao túng. Dự án chưa hoàn thành đã rao bán, trách nhiệm này thuộc về nhiều sở, cần phải kiểm tra để người dân không bị thiệt.

Nhóm Phóng viên

Chia sẻ bài viết