17/01/2022 - 08:24

Giải pháp ứng phó xâm nhập mặn, khô hạn 

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Mùa khô, hạn ở khu vực ÐBSCL đang bắt đầu. Xâm nhập mặn (XNM) dự báo sẽ tới sớm và lấn sâu vào nội đồng, ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng. Ứng phó XNM, khô hạn là giải pháp mà các ngành, các cấp tại TP Cần Thơ , các địa phương trong vùng ÐBSCL quan tâm thực hiện.

Trạm bơm điện trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh hoạt động, bơm tát trữ nước phục vụ sản xuất lúa đông xuân 2021-2022 tại địa phương.

Dự báo khô hạn

Trong những ngày đầu tháng 1-2022, một số công trình thủy lợi, nạo vét kênh, rạch, khai thông dòng chảy trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ bắt đầu thực hiện. Ông Trần Văn Tâm, ở xã Thạnh Quới, huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: "Hiện nay, mưa trái mùa không còn xuất hiện nữa, mực nước trên các sông, rạch đang xuống thấp báo hiệu mùa khô hạn bắt đầu diễn ra. Trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, nhiều con kênh, rạch nước xuống sát đáy kênh, khả năng khô hạn, thiếu nước sản xuất sẽ xảy ra trong những tháng tới. Công tác nạo vét, khai thông kênh mương nội đồng đang được chính quyền địa phương và người dân địa phương phối hợp thực hiện để ứng phó khô hạn sắp tới". Kinh nghiệm của nhiều người dân "cao niên" ở TP Cần Thơ, với mực nước xuống thấp trên sông, rạch tình trạng khô hạn có khả năng xuất hiện sớm, ảnh hưởng sản xuất, nuôi trồng thủy sản, sinh hoạt của người dân thành phố và khu vực ÐBSCL...

Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, hiện dòng chảy thượng nguồn sông Mekong có xu hướng giảm, dòng chảy đầu nguồn vùng ÐBSCL có xu thế thay đổi theo triều. Cụ thể tại trạm Kratie, mực nước có xu thế giảm trung bình 0,1m/ngày, thấp hơn mực nước trung bình 0,23m và thấp hơn các mùa khô 2017-2018, 2020-2021. Tại Biển Hồ, dung tích hiện còn lại khoảng 11,42 tỉ m3, thấp hơn 1,94 tỉ m3 so với trung bình nhiều năm (TBNN), cao hơn 6,80 tỉ m3 và 7,04 tỉ m3 so với mùa khô các năm 2015-2016 và 2019-2020. Tại Tân Châu và Châu Ðốc, mực nước đạt 1,77m và 1,87m (trong những ngày đầu tháng 1-2022). Dự báo, mực nước tại Tân Châu và Châu Ðốc có xu thế giảm trong thời
gian tới.

Bên cạnh đó, các hồ chứa thuộc Trung Quốc xả nước hạn chế và lợi dụng cột nước cao để phát điện, tại thủy điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu hiện chỉ trên dưới 700m3/s, tương đương với 1 tổ máy phát điện. Thời gian tới các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế, do đó dòng chảy còn giảm nhanh. Ðây là nguyên nhân có thể làm mặn xâm nhập sớm đầu mùa kiệt 2021-2022. Dự báo dòng chảy bình quân các tháng mùa kiệt về ÐBSCL giảm, đồng thời còn phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn, có thể xảy ra các đợt vận hành bất thường. Tại vùng thượng ÐBSCL, bao gồm phần đất tỉnh An Giang, Ðồng Tháp, thượng nguồn Long An, Kiên Giang và TP Cần Thơ có thuận lợi hơn về nguồn nước so với các vùng khác trên đồng bằng. Tuy nhiên, dự báo từ tháng 1 đến tháng 2-2022, mực nước bình quân có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm 20-30cm.

Vùng giữa ÐBSCL, bao gồm phần đất thuộc TP Cần Thơ, tỉnh Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Hậu Giang, Ðồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long và vùng được kiểm soát mặn ở Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre. Các vùng cặp Sông Tiền và Sông Hậu có thể bị ảnh hưởng bởi triều cường đến đầu tháng 2-2022. Từ tháng 2, tháng 3 mặn với nồng độ 4g/l có thể xâm nhập sâu 50-65km (tại khu vực cửa sông) làm ảnh hưởng đến việc lấy nước của các cống lấy nước. Việc duy trì xả thấp như hiện nay ở các thủy điện thượng nguồn có thể làm mặn lên sớm vào dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. Riêng vùng ven biển ÐBSCL, các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và tỉnh Kiên Giang được xem là có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt ở vùng này. Mặn bất thường, hạn hán thiếu nước có thể xảy ra ở các vùng chưa có kiểm soát mặn triệt để. Tháng 1, mặn vào sâu 35-45km; tháng 2 và 3, mặn có thể xâm nhập 50-65km. Vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát mặn và kiểm tra độ mặn xâm nhập trước khi sử dụng nước cho sinh hoạt, sản xuất…

Ứng phó xâm nhập mặn

Ðể đảm bảo nguồn nước ngọt cung cấp sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn, thời gian qua, TP Cần Thơ thực hiện nhiều công trình khai thông dòng chảy, trữ nước, xây dựng và nâng cấp hàng chục trạm bơm... Ðiển hình năm 2021, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đã nạo vét kênh mương với tổng khối lượng là 376.095m3, đạt gấp 3 lần so với kế hoạch; thực hiện nâng cấp, gia cố đê bao với khối lượng 66.541m3; gia cố sạt lở bờ sông 11,522km; dọn cỏ khai thông dòng chảy 56,32km; phát quang tầm nhìn 126km... Tổng kinh phí thực hiện trên 15,68 tỉ đồng do dân đóng góp và các nguồn vốn khác. Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: "Năm 2022, ngành Nông nghiệp thành phố tiếp tục phát triển thủy lợi phục vụ cơ cấu lại ngành theo hướng đa chức năng để nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi, cung cấp nước cho dân sinh và sản xuất công nghiệp. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác công trình thủy lợi hiện có; phát triển tưới tiêu, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn; phát triển thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, sản xuất trong mùa khô hạn...".

Tỉnh Tiền Giang cũng vừa khởi công xây dựng hệ thống cống tại đầu các kênh, rạch thông ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1). Ðây là dự án nhằm chống hạn mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Dự án có tổng mức đầu tư 864 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương, với các công trình đầu tư xây dựng các cống đập, gồm: Rạch Gầm, Phú Phong, Mù U (huyện Châu Thành) và cống Cây Còng, Cái Sơn, Hai Tân (huyện Cai Lậy). Các cống này sẽ được xây dựng lộ thiên, có khoảng 10km đường đê và 28 cống nhỏ dưới đê dọc sông Tiền. Mục tiêu của việc đầu tư dự án là phục vụ công tác phòng, chống hạn mặn, trữ ngọt, phục vụ nhu cầu cấp nước sản xuất, sinh hoạt, bảo vệ cây ăn trái, hoa màu cho người dân trước biến đổi khí hậu, khô hạn, XNM ngày càng diễn biến phức tạp. Dự án sẽ được xây dựng và hoàn thành trong năm 2024, thời gian sử dụng của các công trình là 50 năm.

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, do có điều tiết gia tăng từ các thủy điện trên lưu vực sông Mekong, nguồn nước cho sản xuất ở mùa kiệt năm nay tại ÐBSCL được dự báo ở mức tương đương với năm 2020-2021. Tuy nhiên, khả năng mặn xâm nhập sớm, sâu, nước về ít ngay từ đầu mùa khô và có thể xảy ra những biến động bất thường ở bất cứ thời điểm nào do vận hành thủy điện. Vì vậy, các địa phương vùng ÐBSCL cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn mặn; khi lấy ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, nhất là đối với cây ăn trái. Vùng ven biển ÐBSCL mặn xuất hiện sớm và kéo dài có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh và hệ thống Long Phú - Tiếp Nhật. Các địa phương cần chuẩn bị các phương án đảm bảo nguồn nước trong thời gian hạn mặn xuất hiện...

Chia sẻ bài viết