13/06/2022 - 08:14

Phong Ðiền:

Giải pháp tổng hợp để phát huy tiềm năng vườn cây ăn trái 

Bài, ảnh: T. TRINH

Phong Ðiền là huyện có nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng và có thế mạnh vườn cây ăn trái. Phát triển hiệu quả và bền vững vườn cây ăn trái, huyện xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP, Global GAP để hướng đến sản xuất nông nghiệp chất lượng cao. Ðồng thời, chú trọng tìm đầu ra cho hàng nông sản tiếp cận các thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài…

Hội chợ trái cây nhà nông huyện Phong Ðiền diễn ra gần đây.  

Nông nghiệp chất lượng cao

Phong Ðiền hiện có hơn 8.610ha diện tích vườn cây ăn trái, với nhiều loại có giá trị kinh tế cao, như sầu riêng Ri6, dâu Hạ Châu, vú sữa, nhãn Ido, chanh không hạt, măng cụt, cam mật… được nhiều người biết đến, tiêu thụ thị trường trong và ngoài nước. Thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện Phong Ðiền tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản để mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, nông dân trên địa bàn huyện đã cải tạo vườn cây ăn trái, đất trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao được trên 110ha. Bên cạnh đó, huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, huyện đã tổ 17 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật có trên 420 lượt nông dân tham dự. Cụ thể, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sầu riêng; kỹ thuật xử lý ra hoa cây nhãn; kiến thức trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP…

Phát huy lợi thế vườn cây ăn trái, thời gian qua, ngành Nông nghiệp huyện luôn chú trọng việc xây dựng các mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP và Global GAP để giúp tăng năng suất, chất lượng, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Ðến nay toàn huyện có 20 mô hình sản xuất theo hướng VietGAP, Global GAP có diện tích trên 294ha, với 357 hộ. Huyện đang triển khai 3 mô hình sản xuất theo quy trình VietGAP gồm: mô hình trồng sầu riêng Hợp tác xã (HTX) Hợp Tiến xã Tân Thới, Tổ hợp tác sản xuất trồng rau an toàn xã Trường Long, Tổ hợp tác sản xuất cây ăn trái xã Nhơn Ái.

Ông Trần Văn Chiến, Giám đốc HTX Vườn cây ăn trái Trường Khương A, xã Trường Long, chia sẻ: Các cơ quan chức năng hỗ trợ, giúp đỡ HTX xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, chứng nhận VietGAP, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Do vậy, các HTX và bà con xã viên cố gắng duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường…

 Kết nối thị trường

Hằng năm, sản lượng thu hoạch cây ăn trái trên địa bàn huyện Phong Ðiền đạt gần 100.000 tấn. Trong đó, dâu Hạ Châu trên 591ha, sản lượng khoảng 8.800 tấn/năm; sầu riêng Ri6 trên 1.935ha, sản lượng khoảng 18.500 tấn/năm; nhãn Ido gần 800ha, sản lượng khoảng 12.800 tấn/năm, còn lại là các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao. Tạo đầu ra ổn định, giúp bà con yêu tâm sản xuất, huyện Phong Ðiền đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Mới đây, UBND huyện Phong Ðiền tổ chức Hội chợ trái cây nhà nông với 32 gian hàng, có sự tham gia của các HTX, tổ hợp tác và nông dân trên địa bàn huyện sản xuất trái cây theo hướng VietGAP. Ðây là lần Hội chợ trái cây nhà nông đầu tiên của huyện và sẽ tổ chức thường niên vào những năm tiếp theo. Hội chợ là nơi quảng bá, là cầu nối để trái cây Phong Ðiền khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường. Ðồng thời là sân chơi cho chính nhà nông sản xuất các loại trái cây của mình đem bán trực tiếp cho người tiêu dùng thưởng thức, sẵn dịp quảng bá và phát triển du lịch nhà vườn.

Anh Lê Minh Triết, Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới, xã Tân Thới, cho biết: Hội chợ tạo điều kiện cho bà con nông dân huyện Phong Ðiền nói chung và Tổ hợp tác sản xuất sầu riêng Tân Thới nói riêng có cơ hội đưa những sản phẩm sạch, chất lượng của nhà vườn đến người tiêu dùng. Tổ hợp tác chuẩn bị khoảng 4 tấn sầu riêng Ri6 đạt chuẩn VietGAP và có truy xuất nguồn gốc cho hội chợ lần này.

Thời gian qua, huyện Phong Ðiền phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ nhà vườn ký kết với các thương lái, doanh nghiệp, chuỗi bán lẻ bao tiêu cây ăn trái. Vừa qua, Trung tâm điều hành bán lẻ Satra Cần Thơ cam kết sẽ kết nối tiêu thụ sầu riêng cho bà con tại huyện Phong Ðiền. Trước mắt, Satra Cần Thơ sẽ bao tiêu sản phẩm cho HTX Trường Trung A, xã Tân Thới, trong mùa vụ sầu riêng năm nay. Ngoài ra, bắt kịp xu hướng thương mại điện tử, huyện ký kết hợp đồng với Bưu điện TP Cần Thơ để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, giúp nông dân, hộ sản xuất nông nghiệp và các hợp HTX quảng bá, giới thiệu cũng như là cầu nối trung gian đưa các loại trái cây đặc sản của Phong Ðiền đến thị trường trong và ngoài nước…

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, cho biết: Huyện tiếp tục thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, theo đó phát triển vườn cây ăn trái chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái. Ðồng thời, chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện thường xuyên theo dõi dịch bệnh trên cây trồng, hướng dẫn nông dân cách chăm sóc cây ăn trái; củng cố HTX, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đề nghị các ngành chức năng của huyện kết nối, hỗ trợ nhà vườn ký kết với các công ty, doanh nghiệp, đơn vị thu mua để bao tiêu trái cây, tạo đầu ra ổn định cho hàng nông sản…

Chia sẻ bài viết