18/06/2012 - 22:47

LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN CỤM DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

Giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh

Liên kết phát triển cụm đang được xem là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV. Trong ảnh: Sản xuất bánh kẹo tại Cơ sở Bánh kẹo Liên Hưng, quận Ô Môn,
TP Cần Thơ.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với ưu thế nổi trội là năng động, linh hoạt, nắm bắt và đáp ứng nhanh nhạy nhu cầu của thị trường để tìm kiếm hiệu quả, lợi nhuận. Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã đặt ra nhiều thách thức cho mục tiêu phát triển bền vững. Liên kết phát triển cụm với cụm công nghiệp và cụm ngành công nghiệp đang được xem là mô hình phát triển lý tưởng của loại hình doanh nghiệp này.

Khuynh hướng phát triển

Theo khái niệm của Tổ chức Công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO), cụm ngành công nghiệp (CNCN) là một khu vực tập trung các doanh nghiệp, cụ thể là các DNNVV cùng ngành, theo cùng một khu vực địa lý, cùng sản xuất và bán các loại phụ trợ hay có liên quan đến nhau và do đó gặp các khó khăn và thuận lợi tương tự. CNCN được hình thành khi các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp được gia tăng trên cơ sở hỗ trợ, bố trí lại chuỗi sản xuất kinh doanh, phát triển các ngành công nghiệp tương tự trong một vùng, từ đó sẽ tăng khả năng cạnh tranh bằng việc tăng năng suất, khuyến khích các công ty mới cải tiến, kể cả các công ty cạnh tranh, tạo ra cơ hội cho các hoạt động kinh doanh. Phát triển trong cụm, vấn đề mấu chốt là có sự hợp đồng, sản xuất với qui mô lớn, có sự tác động qua lại, có sự tương trợ, ganh đua và có phản ứng nhanh với những thay đổi của thị trường để mang lại hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh.

Ông Francesco Russo, Cố vấn Kỹ thuật Trưởng dự án UNIDO "Phát triển cụm liên kết doanh nghiệp", cho rằng: "DNNVV là thành phần cốt lõi của tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện trong các nền kinh tế phát triển và đang phát triển. Liên kết trong cụm, các DNNVV hoạt động hiệu quả hơn do: sẵn có đội ngũ nhân công lành nghề, thu hút các nhà kinh doanh và cung ứng đầu vào, thông tin và đổi mới lan truyền dễ dàng hơn, củng cố được chuyên môn hóa bổ trợ...". Trong một xã hội phát triển, với tiềm lực kinh tế và các mối quan hệ, doanh nghiệp lớn luôn có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với các mô hình DNNVV. Chính vì vậy, theo các chuyên gia chỉ bằng cách phối hợp, liên kết thì mô hình doanh nghiệp này mới đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Nhưng thực tế, bất cứ quốc gia hay lĩnh vực ngành nghề nào, sự hợp tác bước đầu thường không đơn giản, bởi các đơn vị thường có tiếng nói cũng như những lợi ích cá nhân của mình, vì vậy theo các chuyên gia, để gắn kết cần có một đơn vị trung gian, tức các tổ chức hỗ trợ, tư vấn. Mô hình Cụm công nghiệp, cụm liên kết ngành đã được thử nghiệm và mang lại hiệu quả khá thành công ở nhiều nước trên thế giới như: Ý, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc... Trước những hiệu quả mang lại, đây được xem là mô hình phát triển lý tưởng để giải quyết các vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp hóa nông thôn bởi nó góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế, đặc biệt là tỷ trọng cơ cấu công nghiệp - dịch vụ theo hướng công nghiệp, tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, tăng thu nhập cho người lao động.

Hiệu quả từ mô hình liên kết

Ở các địa phương của Việt Nam, có nhiều điều kiện để phát triển mô hình này. Cụm công nghiệp nói chung và CNCN nói riêng đã và đang hoạt động rất sôi động, phát triển rộng khắp các vùng, miền, đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu và các chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa, đáp ứng nhu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Với đặc điểm 75% dân số sống ở vùng nông thôn, trong những năm qua, công nghiệp thành thị phát triển nhưng không đủ sức thu hút hết lao động tăng thêm từ nông nghiệp và các vùng nông thôn. Do đó, phát triển cụm công nghiệp và CNCN đang được xem là giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp Việt Nam đó là thiếu niềm tin mà bỏ qua các cơ hội tìm bạn đồng hành để phát triển.

Trên thực tế tại Việt Nam, từ sự liên kết cụm, ngành đã đem lại thành công cho nhiều đơn vị. Điển hình sự hỗ trợ từ dự án UNIDO thành công đã đem đến đối với ngành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) và cụm da giầy TP Hồ Chí Minh. Ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực HAWA, cho rằng: "Đối với DNNVV phát triển theo từng đơn vị mang lại lãng phí rất lớn trong việc đầu tư mặt bằng, vốn, công nghệ kỹ thuật. Đối với các doanh nghiệp mỹ nghệ và chế biến gỗ sau khi hợp tác liên kết cụm hạn chế được nhiều chi phí, hiệu quả đem lại cao. Từ hiệp hội, qui trình sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm được chuyên môn hóa cao, hơn nữa các đơn vị được cung cấp thông tin, hỗ trợ quảng bá...".

Thành phố Cần Thơ được xác định là trung tâm của vùng ĐBSCL, hiện là nơi tập trung số lượng các doanh nghiệp đông nhất vùng với hơn 3.125 doanh nghiệp, trong đó DNNVV chiếm đến 97%. Trong thời gian qua, mặc dù các DNNVV ở TP Cần Thơ có nhiều bước phát triển quan trọng nhưng thực tế đối tượng doanh nghiệp này hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn mang tính đặc trưng và lâu dài như về trình độ công nghệ còn lạc hậu, khả năng quản trị doanh nghiệp yếu, tiếp cận nguồn vốn tín dụng và mặt bằng sản xuất. Theo Nghiên cứu của Trường Đại học Cần Thơ, một trong những trở ngại mà DNNVV ở TP Cần Thơ gặp phải là thiếu vốn cũng như ít khả năng tiếp cận vốn. Theo đó, chỉ có khoảng 10,3% DNNVV được bảo lãnh tín dụng; 2,3% doanh nghiệp đề nghị bảo lãnh nhưng chưa được và có đến 87,4% doanh nghiệp chưa từng đề nghị bảo lãnh tín dụng. Bên cạnh vốn thì khó khăn chung của các DNNVV ở TP Cần thơ là mặt bằng sản xuất của doanh nghiệp (điều tra ở 389 DNNVV thì có đến 48,8% thuê một phần hoặc toàn bộ diện tích nhà xưởng, văn phòng ngoài thị trường tự do).

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, để có được thành công, các doanh nghiệp phải thường xuyên thay đổi công nghệ, máy móc, thiết bị, các phương pháp, bí quyết sản xuất. Thị trường cho DNNVV luôn là vấn đề bức bách trước những công ty lớn, đặc biệt là những công ty có vốn đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh và có nhiều kinh nghiệm. Trong những năm qua, do bị ảnh hưởng từ những hệ lụy của cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới, dẫn đến khó khăn cho nhiều DNNVV. Vì vậy xây dựng cụm liên kết đang được xem là giải pháp tốt cho đối tượng doanh nghiệp này. Thông qua mối liên kết cụm, các doanh nghiệp có thể tăng hiệu quả hoạt động và tăng thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm nhờ việc chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa vào một số lĩnh vực, công đoạn, kích thích và thúc đẩy việc cải thiện phát minh sáng chế.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Liên kết phát triển cụm đang được xem là giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV. Trong ảnh: Sản xuất bánh k

Chia sẻ bài viết