10/12/2023 - 13:27

Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo

Giải ngân thấp, còn nhiều bất cập 

Mặc dù Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo (Dự án 5) được phân bổ nguồn vốn khá lớn trong tổng nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững (GNBV) giai đoạn 2021-2025 phân bổ cho năm 2023, nhưng kết quả thực hiện đạt rất thấp. Bàn về vấn đề này tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chỉ ra rằng, dự án còn có những điểm bất cập.

Chậm phân bổ vốn, giải ngân thấp

Năm 2023, Dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được phân bổ hơn 1.125,2 tỉ đồng, gồm 1.020 tỉ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương và 105,2 tỉ đồng vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách địa phương. Ngoài ra, còn có nguồn huy động khác là 62,24 tỉ đồng.

Chung cư nhà ở xã hội Gia Phúc, quận Bình Thủy. Ảnh: MINH HUYỀN

CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu với chiều thiếu hụt về nhà ở là tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo được hỗ trợ nhà ở, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định, có khả năng chống chịu tác động của thiên tai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và GNBV. Ước năm 2023 có 25.500 hộ được hỗ trợ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, trong 7 tháng của năm 2023, tổng số nhà được hỗ trợ là 6.051 căn, trong đó xây mới là 4.406 căn, sửa chữa là 1.645 căn. Kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm đối với nguồn vốn ngân sách trung ương là 196,188 tỉ đồng, đạt 19,23%. Nguồn vốn ngân sách địa phương cũng mới giải ngân được 18,88 tỉ đồng, đạt 17,95%. Nguồn huy động khác có mức giải ngân cao hơn cả, đạt 33,85%.

Bà Đỗ Thị Lan, ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giảm thiểu thiếu hụt về chiều nghèo về nhà ở đạt rất thấp. Nếu đẩy nhanh tiến độ thì hết năm 2023 chỉ đạt 39,7% so với kế hoạch Dự án 5 của Chương trình. Việc giải ngân cũng đạt rất thấp, một số địa phương rất khó huy động nguồn lực đáp ứng yêu cầu xóa nhà tạm cho hộ nghèo theo kế hoạch đến năm 2026.

Theo phản ánh của một số địa phương như Bắc Kạn, Quảng Nam, Bình Định, Cần Thơ, Trung ương chậm phân bổ kinh phí và chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách giảm nghèo về hỗ trợ nhà ở dẫn đến khó khăn trong tổ chức thực hiện.

Thực tế cho thấy, Quốc hội phê duyệt Chủ trương đầu tư CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025 (Nghị quyết số 24/2021/QH15) từ cuối tháng 7-2021 nhưng gần 1 năm sau, cuối tháng 6-2022, thông tư hướng dẫn thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình mới được Bộ Xây dựng ban hành. Theo Quyết định số 1705/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 24/2021/QH15, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng văn bản hướng dẫn nội dung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, thời gian ban hành quý II-2022.

Còn Bộ Tài chính cho biết đến tháng 12-2022 mới có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoàn thiện dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán năm 2022 thực hiện 2 nhiệm vụ “Cải thiện dinh dưỡng” và “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo” thuộc CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở báo cáo đó, ngày 28-12-2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 167/NQ-CP về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 thực hiện 2 nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, do đã hết niên độ ngân sách năm 2022 nên việc sử dụng nguồn sự nghiệp như đã trình Chính phủ là không phù hợp, vì vậy, đầu tháng 2-2023, Bộ này đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, kinh phí thực hiện 2 nhiệm vụ nêu trên được bổ sung trong năm 2023. Sau khi lấy kiến của các bộ, cơ quan liên quan về nội dung đề xuất, Bộ Tài chính mới báo cáo Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí thực hiện cho các địa phương.

Lý giải của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho thấy, chương trình giảm nghèo đa chiều nhiệm kỳ này bố trí 4.000 tỉ đồng để tập trung giải quyết trên 100.000 căn nhà cho người nghèo ở 74 huyện nghèo. Đến đầu năm 2023, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mới thống nhất được các phương án, do đó, thực chất bắt đầu đến năm 2023 mới phân bổ được vốn này.

“Chúng tôi đang bàn với Bộ Tài chính cùng thống nhất để trình Quốc hội, phấn đấu làm sao trên 100.000 căn nhà này sẽ giải quyết trong nhiệm kỳ này cho trọn vẹn. Vốn này hỗ trợ trực tiếp, do đó  khả năng chúng ta sẽ đạt được. Tuy nhiên, khi làm nhà cửa còn rất nhiều vấn đề, như tâm lý thông thường hay chọn vào cuối năm và chọn tuổi... Do đó cũng phải kiên trì, nhưng tinh thần sẽ hỗ trợ để đạt mục tiêu” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.

Nhiều bất cập

Theo Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025), định mức hỗ trợ đối với nhà xây mới là 40 triệu đồng/hộ, sửa chữa nhà là 20 triệu đồng/hộ từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách trung ương. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với định mức hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ chưa đủ để đảm bảo được yêu cầu là “3 cứng” (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và tuổi thọ căn nhà từ 20 năm trở lên theo yêu cầu tại Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt CTMTQG GNBV giai đoạn 2021-2025.

Bà Chu Thị Hồng Thái, Phó Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn phân tích: Đã là hộ nghèo, còn phải lo ăn từng bữa, để có tiền đối ứng hoàn thiện căn nhà, bảo đảm tiêu chí “3 cứng” như yêu cầu của chương trình là vấn đề rất khó khăn, nan giải. Nguồn vốn hỗ trợ này của nhiều địa phương chưa thực hiện được. Bà kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, xem xét tăng mức hỗ trợ xây nhà lên đến 70-80% giá trị nhà ở đạt tiêu chí cho hộ nghèo.

Cho rằng Quyết định số 90 và Thông tư số 01 quy định đối tượng thụ hưởng dự án không bao gồm các hộ đã được hỗ trợ nhà ở thuộc CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án chính sách khác, nhưng không quy định cụ thể về thời gian tối thiểu từ khi hộ gia đình, cá nhân được hỗ trợ là chưa hợp lý, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn thông tin. Hiện nay, nhiều nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ.

Tại Bắc Kạn có hơn 10.000 hộ gia đình cần hỗ trợ về nhà ở. Còn khá nhiều trường hợp đã được hỗ trợ nhà ở theo chương trình chính sách khác như chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 67/2009/QĐ-TTg, thời gian được hỗ trợ cũng đã trên 10 năm, có địa phương đã từ 15 năm đến 19 năm. Mức hỗ trợ theo chương trình này rất thấp, từ 5 đến 6 triệu đồng/hộ, yêu cầu tuổi thọ rất ngắn. Hiện nay, nhiều hộ được hỗ trợ theo các chương trình này vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống.

Cũng theo bà Ngân, đối với nguồn vốn chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người dân được hỗ trợ 40 triệu đồng và được Ngân hàng Chính sách cho vay thêm 40 triệu đồng nguồn vốn Trung ương. Còn đối với chương trình giảm nghèo, người dân chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng. Do vậy, người dân có sự lựa chọn trong việc triển khai các CTMTQG, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện CTMTQG GNBV. Bà đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu và phân loại đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở để áp dụng chính sách cho phù hợp.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, ngoài chương trình hỗ trợ của Trung ương, các địa phương đối ứng từ 10 đến 30%, sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, bản thân các hộ nghèo cũng phải chủ động vươn lên, làm sao để mỗi căn khi xây mới trị giá khoảng 70 triệu đồng, còn sửa chữa khoảng 30 triệu đồng.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết thêm, toàn quốc hiện còn trên 400.000 căn nhà của người có khó khăn ở các địa bàn khác. Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương đã đồng ý và thống nhất giao cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cùng với Chính phủ phát động phong trào thi đua “Cả nước chung tay cùng người nghèo” để xóa nhà tạm. Cùng với đó, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa qua, Trung ương cũng thống nhất trong nhiệm kỳ này, từ nay đến năm 2030 triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, người lao động, ký túc xá... Đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người dân.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết