09/07/2010 - 20:03

Giải mã trí thông minh của bạch tuộc

Gần đây, sau hàng loạt những dự đoán trúng phóc kết quả một số trận đấu của đội nhà tại World Cup 2010, bạch tuộc Paul ở Viện Hải dương học thuộc thành phố Oberhausen (Đức) đã trở thành “thần tượng” trên các mạng xã hội như Facebook và Twitter. Trí thông minh của con bạch tuộc “tiên tri” và đồng loại giờ đang trở thành đề tài “nóng” đối với những người hâm mộ lẫn các nhà khoa học.

Bạch tuộc Paul nổi tiếng thế giới với tài dự đoán kết quả các trận đấu của đội Đức tại World Cup 2010. Ảnh: Sky News 

Bạch tuộc được đánh giá là loài thông minh nhất trong số các loài vật thân mềm. Tuy cấp độ thông minh và khả năng học hỏi của nó đến đâu vẫn còn là vấn đề tranh cãi giữa các nhà sinh vật, nhưng các thử nghiệm về khả năng giải quyết rắc rối cho thấy chúng sở hữu trí nhớ ngắn và dài hạn. Trong các cuộc thử nghiệm, bạch tuộc có thể được huấn luyện để phân biệt các vật có hình dạng khác nhau, biết đùa giỡn với những món đồ chơi, tìm cách thoát khỏi bể thủy sinh của mình để sang bể khác kiếm ăn, thậm chí còn biết bám vào mạn thuyền đánh cá, mở khoang và bắt cua ăn... Để sinh tồn, bạch tuộc phải học cách phòng vệ, chủ yếu là ẩn nấp, tránh khỏi tầm mắt của kẻ săn mồi. Một khi bị phát hiện, chúng dùng các “chiêu” tự vệ, đó là trốn chạy thật nhanh, phun mực, ngụy trang và tự đoạn chi để thoát khỏi kẻ thù.

Một số chuyên gia nhận thấy các xúc tua của bạch tuộc cũng có những “bộ não” riêng. Bạch tuộc có một hệ thần kinh cực kỳ phức tạp, với 2/3 số tế bào thần kinh nằm trong các dây thần kinh của những xúc tua. Điều này cho phép các xúc tua tự điều khiển hành vi khi săn mồi hoặc trốn chạy. Ví dụ, khi bị kẻ săn mồi tóm được, các xúc tua sẽ tự đứt lìa khỏi thân bạch tuộc. Để chứng minh giả thiết các xúc tua cũng có “bộ não”, các nhà nghiên cứu đã thử cắt các dây thần kinh trên một xúc tua của bạch tuộc. Sau đó, họ kích thích phần da trên xúc tua này và phát hiện phản ứng của nó không khác gì ở một con bạch tuộc khỏe mạnh, lành lặn. Nhà nghiên cứu Binyamin Hochner ở Viện Khoa học cuộc sống, trường Đại học Hebrew (Israel) cho biết khi muốn kiếm ăn, bộ não của bạch tuộc chỉ phải truyền lệnh đến các xúc tua, còn làm như thế nào để có thức ăn thì tự thân các xúc tua thực hiện.

Trong khi đó, nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy bạch tuộc cũng có cá tính. Loài vật thân mềm này có thể nhận biết và phản ứng với từng người. Chúng còn có tính “tự lập” rất cao bởi ngay từ lúc chào đời, chúng đã phải tự kiếm ăn và rèn luyện khả năng tự vệ. Sau nhiều năm nghiên cứu, Tiến sĩ Jennifer Mather ở Đại học Lethbridge (Canada) cho biết môi trường sống tác động nhiều đến trí khôn của bạch tuộc. Bà mô tả những vùng nước nhiệt đới gần bờ biển, nơi loài bạch tuộc tiến hóa đầu tiên, là một hệ sinh thái phức tạp, hơn cả một khu rừng nhiệt đới. “Ở đó có nhiều cơ hội để chúng tìm kiếm thức ăn, nhưng cũng có nhiều nguy cơ trở thành con mồi. Và bạch tuộc đã phải tính toán hết những khó khăn để sinh tồn”, Mather lý giải. Bà còn gọi bạch tuộc là “chuyên gia” về dinh dưỡng – chúng có thể ăn rất nhiều thức ăn khác nhau, nhưng mỗi con đều biết chọn cho mình một loại thức ăn riêng biệt.

Theo Tiến sĩ James Woob, Giám đốc Viện Hải dương Thái Bình Dương ở California (Mỹ), chúng ta dễ dàng quan sát hành vi của bạch tuộc nhưng để nghiên cứu được nó là cả một vấn đề. Bạch tuộc học cách sinh tồn như thế nào? Chỉ số thông minh (IQ) của chúng bao nhiêu? Và chúng có ý thức hay không? là những câu hỏi khó có thể giải đáp. Cả Mather và Wood đều không ngạc nhiên trước việc bạch tuộc dùng vỏ dừa làm nơi trú thân nhưng họ băn khoăn liệu nó có thực sự biết sử dụng công cụ cho những mục đích khác nhau hay không.

Sau 50 năm nghiên cứu về loài bạch tuộc, con người vẫn chưa hiểu hết các chức năng bên trong não bộ của chúng. Trong tương lai, các nhà khoa học cho biết sẽ tiếp tục tiến hành nhiều cuộc thí nghiệm nữa nhằm khám phá trí khôn của loài vật được cho là “thông minh không thua gì loài chó” này.

THỤY TRÚC (Theo National Geographic News, World News, Wikipedia)

Chia sẻ bài viết