28/02/2021 - 10:00

Giá trị lịch sử của lễ hội dân gian vùng Tây Nam Bộ 

Lễ hội dân gian không đơn thuần là những sinh hoạt cộng đồng định kỳ để trao truyền những giá trị văn hóa của tổ tiên, mà còn có giá trị lịch sử, bởi trong lễ hội dân gian có các truyền thuyết xoay quanh nhân vật được phụng thờ nhằm tôn vinh công trạng, sự anh dũng. Với tinh thần đó, các giá trị lịch sử mà những người tham dự lễ hội dân gian vùng Tây Nam Bộ có thể lĩnh hội được là: quá trình khẩn hoang, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc và công cuộc kháng Pháp.

Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang. Ảnh svhtt.kiengiang.gov.vn

Lễ hội Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực ở Kiên Giang. Ảnh svhtt.kiengiang.gov.vn

“Truyền thuyết dân gian luôn hàm chứa cái lõi là sự thật lịch sử. Vì vậy, đằng sau những tâm tình tha thiết cùng với thơ và mộng mà nhiều thế hệ đi trước đã gửi gắm, truyền thuyết về các vị thần được phụng thờ trong lễ hội dân gian sẽ là một kênh cung cấp thêm thông tin về lịch sử vùng đất. Nguồn thông tin này sẽ bổ trợ cho những tư liệu khảo cổ. Thậm chí, trong một số trường hợp nhất định, những giá trị lịch sử được hé mở trong truyền thuyết về các vị thần còn là sự định hướng cho hướng tiếp cận sử học”(1). Các truyền thuyết của lễ hội cúng đình, lễ hội Nghinh Ông, lễ vía Bà Chúa Xứ... ở vùng Tây Nam Bộ giúp người tham dự hiểu sự gian lao của tiền nhân trong quá trình cải tạo đất đai, vượt qua sơn lam chướng khí và thú dữ để khẩn hoang lập làng; cũng như giao thoa văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống tại vùng đất.

Ðơn cử, việc có nhiều câu chuyện về cọp phản ánh thực tế khắc nghiệt của môi trường tự nhiên mà người khai hoang gặp phải ở xứ này. Các truyền thuyết cho chúng ta biết: vùng đất này lúc mới khẩn hoang, cọp nhiều vô kể, chúng tàn phá hoa màu, giết hại vật nuôi và đe dọa mạng sống con người. Chính vì vậy người ta phải thờ cọp để cầu được bình an trong cuộc sống. Tuy nhiên, không phải lúc nào cọp cũng gây hại cho con người mà đôi khi giúp đỡ con người, sau đó được con người tôn thờ. Giai thoại về Ông Chúa Hổ ở khu vực Thới Ðông, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ là một trong những ví dụ điển hình. Nội dung câu chuyện như sau: Ngày xưa, khu vực này dân cư thưa thớt, rừng rậm bạt ngàn. Những lớp cư dân đầu tiên đến đây khai hoang trồng rẫy, dần dần mới mở rộng địa bàn dân cư. Cuộc sống lúc đầu khá yên ổn, nhưng bỗng một hôm không biết ở đâu hàng chục con cọp đen từ trong rừng kéo đến phá nương rẫy, làm hư hại hoa màu, đe dọa cuộc sống của người dân. Dân làng vô cùng lo lắng, hoang mang, chưa biết xử trí ra sao thì một con cọp bạch xuất hiện đánh đuổi đám cọp đen chạy vào rừng và từ đó cọp đen không dám bén mảng đến khu vực người dân ở nữa. Nhớ ơn cọp bạch cứu người, các bậc cao niên họp bàn với dân làng xây miếu để thờ cọp bạch, rồi tôn là Ông Chúa Hổ.

Truyền thuyết từ các lễ hội còn cho thấy sự tiếp xúc văn hóa giữa cư dân người Việt với các dân tộc Khmer, Hoa, Chăm... tại vùng đất này. Từ lúc đầu bỡ ngỡ, lạ lẫm đến hiểu và sống xen kẽ lẫn nhau, từ đó mà có sự đan xen, pha trộn các dòng văn hóa tạo thành một bản sắc riêng của vùng Tây Nam Bộ. Ðặc biệt là nhân vật phụng thờ Bà Chúa Xứ trong lễ vía Bà Chúa Xứ ở núi Sam - cho thấy sự tích hợp rất nhiều lớp văn hóa.

Xét về danh xưng, tính chất cốt lõi của tín ngưỡng này là tục thờ nữ thần Pô Inư Nưgar của người Chăm - là sự kết hợp giữa nữ thần Chăm bản địa và nữ thần Uma, vợ của Shiva. Bà là vị thần cao nhất của vương quốc Champa, được tôn xưng là Mẹ Xứ Sở (Pô Inư Nưgar). Khi người Việt đến miền Trung và Nam Trung Bộ, với tâm thức thờ Mẫu vốn có ở miền Bắc, đã Việt hóa tín ngưỡng này thành Thiên Y A Na (Mẹ Trời) được thờ phụng khắp miền Trung, từ Huế trở vào đến Nam Bộ. Quá trình này diễn ra từ thế kỷ XIII đến thế kỷ XVIII.

Gian thờ Ông Chúa Hổ ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh TKQ

Gian thờ Ông Chúa Hổ ở phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh TKQ

Vào vùng đất mới Nam Bộ với truyền thống thờ phụng Mẹ Xứ Sở Thiên Y A Na, người Việt lại một lần nữa tiếp cận với tín ngưỡng của những cư dân vốn sinh sống từ xa xưa mà di tích của họ còn để lại trên mặt đất và dưới lòng đất; với những người Khmer, người Hoa... Ðặc biệt, các cộng đồng dân cư này đều có nét tương đồng về văn hóa, trong đó truyền thống thờ nữ thần là nét nổi trội. Trong bối cảnh như vậy, những tiếp xúc văn hóa và tín ngưỡng diễn ra, tạo nên một vùng đất đa văn hóa, trong đó Bà Chúa Xứ là vị thần tiêu biểu nhất.

Nhìn vào các lớp văn hóa tạo nên biểu tượng tâm linh Bà Chúa Xứ, chúng ta thấy thấp thoáng hình bóng Bà Mẹ Xứ Sở - Pô Inư Nưgar của người Chăm, Thánh Mẫu Thiên Y A Na của người Việt, Nữ thần Neang Khmau (Bà Ðen), tục thờ Neak Tà của người Khmer và xa xưa hơn nhưng cũng hiển hiện hơn là tất cả các biểu tượng trên đều được quy tụ trong linh tượng Shivalinga và Sakti (nữ tính) của Shiva(2).

***

Một nội dung nổi bật khác là truyền thuyết về anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, cũng như câu chuyện các anh hùng kháng Pháp... trong lễ hội dân gian vùng Tây Nam Bộ; từ đó đã tôn vinh, tưởng nhớ sự hy sinh anh dũng, khí phách hào hùng của những nghĩa quân vùng sông nước Cửu Long. Qua lễ hội Nguyễn Trung Trực, chúng ta thấy ông không phải là lính triều đình mà chỉ là một người bình dân, sống bằng nghề làm ruộng và bắt cá. Ðau lòng trước cảnh nước mất nhà tan, ông đã đứng lên tụ nghĩa, chống trả quyết liệt với kẻ thù. Thành tích vang dội của ông là đốt tàu binh Espérance của Pháp hạ neo ở bến Nhựt Tảo. Một chiến công khác cũng vang danh không kém là ông Nguyễn đánh đồn Pháp tại Rạch Giá, làm đồn sau khi bị triệt hạ không còn một tên giặc Pháp nào có mặt ở Kiên Giang nữa. Những chiến công của ông đã khắc ghi vào lịch sử dân tộc tên tuổi vị anh hùng xứng danh:

Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa,

Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần.

Như vậy, lễ hội dân gian vùng Tây Nam Bộ không chỉ giúp người tham gia lễ hội hiểu gian lao khó nhọc của tiền nhân trên bước đường khai hoang mở cõi, mà còn cho thấy những trang sử hào hùng trong công cuộc kháng Pháp của người dân vùng đất này.

Trần Kiều Quang

(1) Nguyễn Thị Việt Hương (2015), Tục thờ nước của người Việt qua lễ hội ở Hà Nội và phụ cận, NXB Lao Động, Hà Nội, tr.237.

(2) Ngô Đức Thịnh (2016), Tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam, NXB Khoa học xã hội, tr.389-392.

 

Chia sẻ bài viết