25/09/2010 - 08:55

Niên vụ mía 2010-2011

Giá mía hấp dẫn, nông dân vẫn chưa vội bán

Hiện nay, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chính thức bước vào vụ ép mía năm 2010-2011. Theo các công ty mía đường ĐBSCL, giá thu mua mía 10 chữ đường (CCS) tại nhà máy đã được thống nhất là 1.000 đồng/kg. Dù giá mía các nhà máy đường đưa ra khá hấp dẫn nhưng tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL, người dân trồng mía vẫn chưa vội bán mía nguyên liệu...

* Giá mía hấp dẫn!

Ông Trịnh Minh Châu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sóc Trăng, cho biết: Niên vụ mía đường năm nay, các nhà máy đường trong khu vực ĐBSCL đã thống nhất quan điểm chung là cùng chia sẻ lợi nhuận với nông dân. Theo quan điểm trên, giá mía sẽ được tính dựa trên giá đường thị trường tại thời điểm thu mua, nên từ đầu niên vụ này, giá mía 10 CCS cân tại nhà máy đã được thống nhất là 1.000đồng/kg.

Thu mua mía nguyên liệu tại Hậu Giang. Ảnh: A.KHOA. 

Năm nay, lịch vào vụ của các nhà máy đường cũng được phân định rõ ràng để tránh tình trạng tranh mua mía non gây thiệt hại cho cả nhà máy lẫn nông dân như ở niên vụ năm ngoái. Ông Châu cho biết thêm: Niên vụ mía đường năm nay, các nhà máy sẽ vào vụ trễ hơn khoảng 1 tháng và có sự phân công lịch hoạt động rõ ràng cho từng nhà máy. Việc làm này nhằm đảm bảo cho nông dân mức lãi từ 30-40% trở lên (nhờ mía đảm bảo được chữ đường) theo chủ trương chung của Bộ NN&PTNT, vừa tránh thiệt hại cho các nhà máy như ở năm ngoái. Riêng nhà máy đường Sóc Trăng khoảng trung tuần tháng 10 mới đi vào hoạt động.

Theo kế hoạch, Nhà máy đường Phụng Hiệp và Xí nghiệp đường Vị Thanh thuộc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (CASUCO) khởi động ép vụ mía 2010-2011 vào ngày 24-9-2010. Giá thu mua mía nguyên liệu của CASUCO đưa ra như sau: giá mua mía tại bàn cân Nhà máy đường Phụng Hiệp là 1.000 đồng/kg loại 10 CCS; tăng giảm 0,1CCS giá tăng giảm tương ứng 7 đồng/kg; mía loại dưới 6CCS giá cố định 500 đồng/kg. Giá mía mua tại bàn cân Xí nghiệp đường Vị Thanh cộng thêm chênh lệch vận chuyển 20 đồng/kg.

Từ ngày 5 đến 10-10-2010, Nhà máy mía đường Bến Tre bước vào niên vụ ép 2010-2011. Nếu hoạt động hết công suất, Nhà máy mía đường Bến Tre cần 300.000 tấn mía nguyên liệu. Để đảm bảo nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, công ty đã ký hợp đồng đầu tư 1.700ha, tương ứng với 127.000 tấn mía nguyên liệu, giá thu mua bảo hiểm 700đồng/kg, số còn lại công ty phải thu mua của các hộ không tham gia bảo hiểm trong tỉnh và nguồn nguyên liệu từ các tỉnh chia sẻ.

* Nông dân chờ giá lên thêm

Giá mía nguyên liệu niên vụ 2010-2011 được công bố khá hấp dẫn, nhưng tại vùng mía nguyên liệu huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng), nông dân vẫn còn chưa chịu đốn bán. Anh Trần Văn Độ ở ấp Tâm Phước B, xã Long Hưng, huyện Mỹ Tú, cho biết: Mọi năm vùng này buộc phải đốn sớm để chạy lũ, nhưng năm nay lũ thấp có thể neo thêm thời gian nữa để đạt 10CCS. Hiện nay, mía chỉ đạt khoảng 8 CCS nên chỉ bán được khoảng 800 đồng/kg. Năm ngoái, vào thời điểm này, vùng nguyên liệu mía của huyện Mỹ Tú đã thu hoạch hơn 50%. Nhưng năm nay, toàn bộ 3.200ha mía của huyện vẫn còn đứng đồng vì nông dân chưa chịu bán. Anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Tâm Lộc A (xã Long Hưng) lý giải: Theo như kinh nghiệm năm ngoái, khi các nhà máy đồng loạt hoạt động, giá mía sẽ tiếp tục tăng thêm, nên không vội gì phải đốn sớm để bị mất chữ đường. Hơn nữa, lũ về chậm hơn so với mọi năm và giá đường từ nay đến Tết chắc chắn sẽ còn tăng.

Tại huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, nơi có hơn 1.500ha mía sẽ thu hoạch tập trung trước Tết Nguyên đán khoảng 1 tháng, nông dân cũng không vội lấy tiền cọc trước của thương lái như mọi năm vì sợ “hố” giá. Tâm lý tiếp tục chờ giá lên thêm của nông dân chủ yếu dựa vào giá mía năm ngoái và giá đường trên thị trường hiện tại. Ông Huỳnh Văn Của, một thương lái ở xã An Ninh, huyện Châu Thành, than: “Năm ngoái thời điểm này tôi đã có vài ghe mía giao cho nhà máy, còn năm nay, ai cũng lắc đầu chưa chịu bán. Bởi vậy đến giờ chỉ mới bỏ cọc được 5-6 ha, nhưng phải đến ngày 10-10 mới được đốn”.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, diện tích mía niên vụ 2010-2011 ở ĐBSCL là 48.000ha, ước tổng sản lượng khoảng 3,2 triệu tấn. Với sản lượng mía này, 10 nhà máy trong khu vực chỉ hoạt động liên tục trong vòng 5 tháng là hết. Hiện tại, một số nhà máy thu mua mía nguyên liệu tại ruộng giá hơn 800 đồng/kg (10 CCS). Nhiều ý kiến cho rằng, giá khởi điểm thu mua của các nhà máy đường đầu niên vụ 2010-2011 phải từ 840-980 đồng/kg thì mới hấp dẫn người trồng mía. Bởi với mức giá này, người trồng mía mới cải thiện kinh tế nông hộ và đầu tư tái sản xuất cho vụ sau.

TRƯỜNG - QUỐC

Chia sẻ bài viết