01/08/2008 - 21:13

Ghi nhận ở một khu vực văn hóa tiên tiến

Khu vực 2 rộng gần 62 ha với hơn 7.200 nhân khẩu, có diện tích lớn nhất và đông dân nhất so với các khu vực khác của phường Hưng Lợi, (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ). Khu vực 2, phường Hưng Lợi được công nhận “Khu vực văn hóa” từ năm 1997 đến nay. Đây là một trong 2 khu vực đạt danh hiệu văn hóa đầu tiên của phường. 10 năm qua, khu vực 2 tiếp tục giữ vững danh hiệu “Khu vực văn hóa”.

Sự đồng thuận trong nhân dân...

Khu vực 2, phường Hưng Lợi gồm một phần đường 30-4, đường Trần Hoàng Na và đường Tầm Vu. Dân cư trong khu vực, phần lớn là bà con lao động nghèo. Tuy nhiên, nếu ai có dịp đi vào khu vực này sẽ không khỏi ngạc nhiên. Trong khu vực, hầu hết nhà cửa khá khang trang chỉnh chu. Đáng nói là hầu hết các con hẻm sạch sẽ, hiếm thấy tình trạng xả rác bừa bãi. Mỗi hẻm đều có bảng tên rõ ràng và có đèn chiếu sáng. Bà con ở đây cho biết: Trước đây, phần lớn các hẻm toàn ổ gà, mưa xuống thì sình lầy, có nơi nước ngập gần đến đầu gối.

Theo cán bộ và nhân dân địa phương, phong trào nâng cấp, xây dựng mới các hẻm là một trong những hoạt động khởi đầu cho phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở khu vực 2. Khu vực có đến 22 con hẻm, trong đó, phần nhiều xuống cấp trầm trọng, trời mưa thì sình lầy rất khó đi, mùa nắng, mỗi khi xe gắn máy chạy qua rất nhiều bụi bặm. Hơn 10 năm trước, khi bắt đầu xây dựng khu vực văn hóa. Đảng bộ, Ban vận động đời sống văn hóa cùng các ban, ngành khác của khu vực xác định: một trong những công việc quan trọng phải làm đầu tiên là cần thay đổi diện mạo của địa bàn. Tuy nhiên, khu vực 2 rộng, dân ở rải rác, không liền kề như các khu phố, nhân dân phần lớn là người lao động thuần túy và cán bộ nghỉ hưu, nên việc vận động nhân dân đóng góp nâng cấp hẻm hết sức khó khăn.

Hẻm 50 đường Trần Hoàng Na được tráng nhựa phẳng, có hệ thống cống thoát nước và đèn chiếu sáng thuận tiện cho việc đi lại.  

Đầu tiên, chính quyền, đoàn thể xây dựng hạt nhân trong các thành viên đoàn thể, cán bộ. Tiếp tục là các cuộc họp đi đôi với vận động kiểu rỉ tai. Bà con đã được thuyết phục với yêu cầu nâng cấp hẻm. Khi hoàn thành thì việc nâng cấp hẻm tiến hành dân chủ, công khai và minh bạch. Chẳng hạn, nâng cấp, đổ bê tông hoặc tráng nhựa một con hẻm nào, người dân trong hẻm và xung quanh được tổ dân phố và khu vực mời họp lấy ý kiến. Khi bà con đã thống nhất, tập thể bầu ra ban quản lý công việc xây dựng. Ban quản lý cùng Ban nhân dân đề xuất một số phương án, sau đó, mời bà con họp bàn lần nữa để chọn ra một phương án thích hợp nhất. Điều kiện kinh tế của mỗi nhà mỗi khác nên mức đóng góp cũng được đề xuất theo phương thức hỗ trợ nhau: đối với những hộ nghèo, khả năng đóng góp ít thì sẽ tham gia bằng cách góp sức lao động, những hộ có điều kiện sẽ được vận động đóng choàng một phần tiền giúp hộ nghèo. Ban quản lý xây dựng hẻm có trách nhiệm thuê đơn vị thi công, giám sát việc thi công. Khi hẻm hoàn tất, ban quản lý xây dựng sẽ báo cáo quyết toán công trình trước tập thể...

Từ những con hẻm đầu tiên hoàn thành và phát huy tác dụng, nhân dân địa phương tin tưởng, khi khu vực phát động làm những con hẻm tiếp theo bà con rất nhiệt tình hưởng ứng. Với cách làm cuốn chiếu, đến nay, 17/22 hẻm của khu vực 2 đã hoàn chỉnh. Không những bà con tại chỗ rất phấn khởi mà khách đến đây cũng thấy thích thú vì đi lại dễ dàng.

Tình làng nghĩa xóm chan hòa

Vợ chồng anh Đoàn Văn Ới sống đầm ấm, hạnh phúc với cô con gái đầu lòng trong căn nhà nhỏ ở hẻm 114, đường Tầm Vu. Anh Ới xúc động kể: “Vợ chồng tôi từ đảo Phú Quốc về đây sinh sống. Lúc đầu, chúng tôi thuê nhà trọ ở. Dần dần tích góp mua được mảnh đất nhỏ, nhưng không có điều kiện xây nhà nên chỉ cất tạm căn nhà lá. Mỗi khi mưa dột phải che bạt rất cực khổ. Năm 2006, nhờ bà con giúp đỡ, đóng góp làm nhà nên vợ chồng tôi mới có một chỗ tươm tất để ở”. Gia đình anh Đoàn Văn Ới là một trong số những hộ hưởng lợi từ phong trào “xóa lá thay tôn” của khu vực 2. Đây cũng là một phong trào tiêu biểu của phường Hưng Lợi, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong nhân dân.

Được biết, ngoài nguồn quỹ “Vì người nghèo”, bà con rất tích cực đóng góp để giúp khu vực xây dựng nhà tình thương cho các hộ nghèo ở địa phương. Người thì góp tiền, người góp công, người góp vật liệu và đôi khi chỉ là một ít cây, gạch đá... làm nên mái ấm mới cho những gia đình khó khăn. Những hộ quá nghèo được hỗ trợ toàn bộ kinh phí, còn những hộ có điều kiện sẽ chịu một phần chi phí làm nhà, địa phương hỗ trợ một phần kinh phí. Cứ thế, từng căn nhà ọp ẹp dần dần được “xóa lá thay tôn”. Đến cuối năm 2006, khu vực 2 đã không còn nhà tre lá. Từng năm, từng năm, đã có 29 căn nhà tình thương được xây dựng với tổng kinh phí là 280 triệu đồng. Trong đó, có 18 căn được xây mới và 11 căn sửa chữa, nâng cấp.

Tinh thần “lá lành đùm lá rách” đã trở thành một thói quen, một quan niệm sống ở khu vực 2. Nhiều việc, không phải đợi chính quyền, bà con chòm xóm đã tự giác và rủ nhau chăm lo cho hộ người già neo đơn, quyên góp tiền, gạo hỗ trợ người nghèo, bệnh tật, gia đình có tang. Vào những ngày lễ, tết, nhân dân, chính quyền cùng các đoàn thể Khu vực đều không quên tổ chức đi thăm, tặng quà cho các gia đình chính sách.

Hiện nay, tại khu vực 2, 100% hộ dân có điện thắp sáng, sử dụng nước sạch và phương tiện nghe nhìn. Các hộ gia đình đều có nhà tắm, nhà vệ sinh và cùng nhau giữ gìn vệ sinh ngõ hẻm, đường phố, nhờ đó, khu vực ít khi xảy ra dịch bệnh hay ngộ độc thực phẩm. Cuối năm 2007, khu vực chỉ còn 18 hộ nghèo, giảm 5 hộ so với năm 2006. Câu lạc bộ (CLB) gia đình văn hóa, CLB Dân số gia đình, CLB Tuổi hồng, CLB văn nghệ... sinh hoạt đều đặn hàng tháng đã giúp đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú.

Khu vực 2, phường Hưng Lợi nhiều năm liền đạt danh hiệu Khu vực văn hóa tiên tiến và được UBND quận Ninh Kiều và UBND TP Cần Thơ tặng giấy khen. Mới đây, Ban công tác Mặt trận khu vực 2 đã được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận năm 2007.

Dù vậy, với một khu dân cư có địa bàn rộng vẫn còn nhiều việc phải làm. Từ chuyện lấn chiếm mương rạch, đất công cần phải có thời gian khắc phục; 3 tuyến hẻm còn lại chưa được triển khai nâng cấp vì thuộc dự án ODA, phải chờ... đã ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Một bộ phận dân cư ở rạch Cầu Kinh nhiều năm sống trong tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải từ hệ thống cống thoát nước của đường 30-4 đổ xuống. Ông Nguyễn Thế Nghiệp, Trưởng Khu vực 2, cho biết: “Việc cải tạo rạch Cầu Kinh nằm ngoài khả năng của khu vực. Thành phố đã có dự án cải tạo rạch Cầu Kinh nhưng chưa thấy triển khai. Do đó, hiện nay chúng tôi chỉ biết thường xuyên phát động bà con nạo vét để giữ gìn vệ sinh môi trường và hạn chế ô nhiễm”.

Những gì mà nhân dân khu vực 2 làm được trong 10 năm qua rất đáng ghi nhận, xứng đáng là một trong những Khu vực văn hóa tiêu biểu của phường Hưng Lợi.

Bài, ảnh: LỆ THU

Chia sẻ bài viết