23/05/2020 - 12:14

Ghen... 

Nhiều người quan niệm rằng, ghen là gia vị để đời sống tình yêu, hôn nhân thêm phong phú bởi có yêu thương thì mới có ghen. Tuy nhiên, ghen cũng như dao hai lưỡi, nếu sử dụng không khéo, sẽ tạo nên những vết thương không bao giờ lành.

Ghen tuông, rượu chè, bạo lực là những nguyên nhân dẫn đến gia đình tan vỡ. Ảnh chỉ mang tính minh họa, nguồn Internet

►Đầu độc tình yêu...

Chị Ng. (làm việc tại Cần Thơ) vừa đăng lên mạng xã hội hình ảnh người chồng, người cha say xỉn, đánh đập vợ con kèm theo lời bình “nỗi ám ảnh của em nó trong suốt thời thơ ấu...".

Chuyện gia đình chị Ng. không phải chuyện lạ, bởi ông X. - cha chị là người nổi tiếng hay ghen, thường xuyên đánh đập vợ con, phải nhờ chính quyền địa phương can thiệp. Gia đình chị Ng. có quán cháo lòng ở chợ xã. Mẹ chị khéo tay, nấu ăn ngon, nên quán rất đông khách ủng hộ. Biết tính chồng ghen, mẹ chị Ng. rất giữ ý tứ, không bông đùa hay cười nói quá trớn với khách. Thế nhưng, cha chị vẫn không vừa ý. Hễ thấy khách trò chuyện vài câu với vợ là ông kiếm chuyện, mượn rượu để đánh đập, chửi mắng vợ bằng những lời lẽ nặng nề. Nhiều lúc ông còn đánh luôn cả 2 đứa con gái.

Chị H.M., cũng rất khổ tâm vì có người chồng hay ghen. Trước kia, khi thấy vợ chồng chị đi đâu cũng có đôi có cặp, nhiều người thầm khen vì chị có người chồng tâm lý, chịu khó tham gia các hoạt động cùng với cơ quan của vợ. Nhưng sau này mọi người mới hiểu chuyện, chồng chị H.M. luôn tháp tùng cùng vợ chỉ để kiểm soát chị. Thậm chí nhiều lúc không tham gia được, anh kiểm soát qua hình ảnh mà bạn bè, đồng nghiệp vô tình tung lên mạng, xem chị đang đứng gần ai, có biểu hiện gì khác thường để “tính sổ”…

Chị K. - vợ anh N. cũng có máu “hoạn thư” ít ai sánh bằng. Mỗi khi chồng ra ngoài, hoặc đi công tác chị đều tra hỏi, đi với ai, làm gì. Khi đến chỗ hẹn, anh phải lập tức điện thoại gọi về để chị kiểm tra thông tin. Thậm chí tài khoản mạng xã hội của chồng, chị K. cũng lấy mật khẩu và sử dụng như “chính chủ”. Chị thường đưa ảnh vợ chồng hạnh phúc lên mạng, khiến ai cũng trầm trồ ngưỡng mộ. Đến khi bạn bè của anh N., nhất là các bạn bè khác phái biết được sự thật, tất cả đều tự động ngừng tương tác… Chính cách quản lý chồng vô tội vạ đã khiến cuộc sống hôn nhân của anh N. và chị K. luôn trong cảm giác bức bối, không được vui vẻ, thoải mái.

Chị H., đang giữ chức vụ khá quan trọng tại một cơ quan tư pháp tỉnh X. Ở tuổi trung niên chị vẫn đẹp mặn mà, bất chấp thời gian. Xinh đẹp, sự nghiệp thành đạt, gia đình con cái đều yên bề, lẽ ra hạnh phúc đã viên mãn. Thế nhưng, thỉnh thoảng khi đi làm, đồng nghiệp phát hiện mắt chị sưng húp, tay chân bầm tím. Bạn bè quan tâm thăm hỏi, chị trả lời qua loa “mất ngủ”, “bị té”... Dần dà, mọi người cũng biết, đó là vết tích của những lần chồng chị ghen tuông mù quáng. Không ít lần bạn bè khuyên chị nên nói chuyện thẳng thắn với chồng hoặc nhờ gia đình hai bên can thiệp, thế nhưng chị tự dối mình: “Chắc tại ổng thương nên mới ghen” và tiếp tục cuộc sống cam chịu.

►Hậu quả đắng chát

Chị Ng. kể, sau khi hai chị em chị khôn lớn, mẹ chị quyết định ly hôn với cha chị sau chừng ấy năm chịu đựng người chồng ghen tuông mù quáng. Chị rất ủng hộ quyết định của mẹ mặc dù thương cha. Hình ảnh mẹ quằn quại trong những trận đòn đã trở thành nỗi ám ảnh kinh khủng với chị. Thậm chí khi lập gia đình, điều kiện tiên quyết mà chị chọn chồng không phải là kinh tế, sự nghiệp mà là đừng có tánh hay ghen.

Bệnh ghen của chị K. ngày càng nặng lên theo thời gian. Biết tính vợ, anh N. hầu như không qua lại, cà phê với người khác phái để chị yên tâm. Tuy vậy, thỉnh thoảng các nữ đồng nghiệp của anh vẫn bị chị điện thoại “đánh ghen từ xa”. Sống trong tình cảnh vừa phải đối mặt với máu hoạn thư của vợ, vừa phải muối mặt xin lỗi đồng nghiệp, anh N. dần bị stress và  hôn nhân có nguy cơ tan vỡ.

Không chỉ những cặp đôi trẻ mới gặp nhiều sóng gió trong hôn nhân mà nhiều cặp vợ chồng chung sống với nhau gần hết cuộc đời vẫn vô lý ghen tuông. Nghe bà S. tâm sự, nhiều người lắc đầu ngán ngẩm. Bà S. năm nay khoảng 50 tuổi, sức khỏe tốt, nhưng bà không đi làm dù kinh tế gia đình eo hẹp. Hỏi về việc mưu sinh, bà S. thở dài, kể: “Trước kia, tôi đi bán vé số. Nhưng chồng tôi ghen quá, không cho tiếp tục mua bán vì sợ tiếp xúc nhiều người”. Sau đó, bà S. chuyển sang bán rau cải tại một khu chợ nhỏ tự phát gần nhà. Bà phải năn nỉ rất nhiều, chồng mới cho buôn bán với điều kiện: tịch thu điện thoại liên lạc, buôn bán đúng giờ phải về. Nhiều lúc bán buôn ế ẩm, bà gắng nán lại bán cho hết hàng nhưng hễ về trễ là bị chồng đánh, chửi mắng thậm tệ. Riết bà xấu hổ nên nghỉ buôn bán, cuộc sống đầy khó khăn.

Ghen là gia vị để cuộc sống hôn nhân thêm thú vị nhưng nếu “nêm” quá tay, sẽ làm hỏng hạnh phúc gia đình.

Hải Thư 

Chia sẻ bài viết