10/03/2010 - 08:59

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Gay gắt hạn, mặn

Mực nước trên các cửa sông Tiền, sông Hậu đang xuống thấp, gây hạn cục bộ ở nhiều địa phương và đe dọa sản xuất nông nghiệp. Và khi triều cường lên, nước mặn xâm nhập qua các cửa sông tiến sâu vào nội đồng. Nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang đối mặt với nhiều thách thức, nguy cơ năng suất lúa, tôm sú bị ảnh hưởng, thiệt hại mùa vụ…. Theo dự báo của các ngành chức năng, tình trạng trên còn tiếp tục kéo dài và gay gắt, trong khi một số nơi trong vùng đang thu hoạch lúa đông xuân, chuẩn bị cho mùa vụ nuôi trồng mới.

HẠN, MẶN TIẾN SÂU VÀO NỘI ĐỒNG

Từ cuối tháng 1-2010, tình trạng mặn xâm nhập qua các cửa sông Tiền, sông Hậu đã trở nên gay gắt. Theo dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, độ mặn đạt đỉnh vào tháng 3 và tháng 4, đồng thời xâm nhập sâu vào nội đồng, do mùa lũ năm 2009 ở mức trung bình, mùa mưa kết thúc sớm. Tại hầu hết sông chính vùng Biển Đông, độ mặn 40/00 có thể xâm nhập sâu vào nội đồng khoảng 40-45 km tính từ cửa sông. Trên sông Tiền, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Tiền Giang, biên mặn 10/00 có khả năng xâm nhập đến khu vực huyện Chợ Gạo, cách cửa sông khoảng 45km về phía thượng lưu vào giữa tháng 3-2010. Trong những ngày đầu tháng 3-2010, ở sông Cửa Tiểu, tại cống Vàm Kênh (huyện Gò Công Đông), độ mặn cao nhất 25-270/00. Tại An Định, độ mặn 0,5-1,50/00...

Còn tỉnh Bến Tre, độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền gần 40 km tính từ các cửa sông. Ông Phan Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh Bến Tre, cho biết: “Hiện độ mặn 4‰ đã xâm nhập vào đất liền cách các cửa sông chính gần 40 km, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang phải gánh chịu khắc nghiệt của mặn. Nhiều hộ dân ở 3 huyện vùng biển Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đang thiếu nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt”. Mặn từ sông Cửa Đại đã vào sông Giao Hòa– An Hóa và do còn nhiều hạng mục chưa được khép kín, nên hồ trữ nước ngọt lớn nhất khu vực ĐBSCL (dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre) cũng bị mặn đe dọa. Người dân huyện Chợ Lách đang lo lắng, vì độ mặn 1‰ nếu đem tưới cây giống thì cây sẽ chết. Hiện trên sông Cửa Đại: tại Bình Thắng độ mặn đo được 21,8 ‰, Lộc Thuận 7,5‰, Long Định - Phú Thuận 4 ‰, Giao Hòa 2,7‰. Trên sông Hàm Luông: An Thuận (Tiệm Tôm) 22,5 ‰, Hưng Lễ (bên ngoài cống đập Sơn Đốc) 5,8 ‰, Phước Long-Sơn Phú 4‰, Phú Khánh 7,7 ‰. Trên sông Cổ Chiên: Bến Trại 16,2 ‰, Hương Mỹ: 4,2 ‰, Thành Thới A 4‰ ,Thành Thới B 3 ‰. Theo ông Sơn, đến cuối tháng 3-2010, mặn xâm nhập trên diện rộng, độ mặn 4‰ vào sâu đất liền cách các cửa sông chính khoảng 50 km.

 Bơm nước cứu lúa ở Sóc Trăng. Ảnh: XUÂN TRƯỜNG

Theo thống kê của ngành chức năng, tại vùng tôm- lúa các tỉnh ĐBSCL như: Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng... tình trạng mặn đang rất khó kiểm soát. Mực nước trên các dòng sông tại Bán đảo Cà Mau đang dần cạn kiệt. Gần 20.000 ha hè thu sớm tại Bạc Liêu, tỉnh Sóc Trăng hơn 17.000 ha trong số 51.000 ha đã gieo sạ đối mặt với khô hạn, thiếu nước. Dù ngay đầu mùa khô, tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đắp đập ngăn mặn để giữ ngọt từ tuyến kinh Quản Lộ Phụng Hiệp. Theo Sở NN& PTNT tỉnh Bạc Liêu, toàn bộ các con kênh trong vùng ngọt ổn định có độ mặn từ 1,8 - 2,50/00 và không thể bơm tưới cho lúa. Toàn vùng ngọt hóa của Bạc Liêu gần 45.000 ha lúa đang vào vụ sản xuất, trong đó có 20.000 ha đang trên 1 tháng tuổi cần nước. Tuy Bạc Liêu chưa thống kê thiệt hại do mặn xâm nhập sâu vào đất liền, nhưng con số thiệt hại sẽ không nhỏ.

Ông Quách Văn Vĩnh, ấp Tường Thắng, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long (Bạc Liêu) nhìn 25 công ruộng đã hơn 40 ngày tuổi của mình đang dần chết khô, nói: “Chưa năm nào nước mặn vào đến khu vực này, vì cách xa biển đến hơn 40 km, nhưng không hiểu sao năm nay nước dưới sông mặn hết rồi. Cán bộ địa phương khuyến cáo dân dừng bơm nước lên ruộng, nhưng không bơm thì lúa khó sống!”. Nước mặn đã xâm nhập vào toàn bộ hệ thống phân ranh mặn ngọt của dự án ngọt hóa Quảng Lộ -Phụng Hiệp trước đây. Hiện trên 2.000 ha của xã Vĩnh Thanh đang trong tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Nước mặn đã tràn khắp các con kênh trong vùng ngọt ổn định của huyện Phước Long, trên 6.000 ha lúa của nông dân đang cần nước tưới, nhưng không thể bơm nước lên ruộng được.

Tại Cà Mau, nước mặn cũng đã tràn vào các huyện Trần Văn Thời, một phần huyện U Minh, gây thiệt hại lớn diện tích lúa và hoa màu của người dân. Ngành chức năng Cà Mau đang huy động người dân đắp trên 40 con đập thời vụ để đảm bảo sản xuất. Còn ở Sóc Trăng, nước mặn cũng theo cửa biển Trần Đề đổ ngược lên huyện Long Phú, Ngã Năm, Cù Lao Dung... Hiện tại hơn 17.000 ha lúa (trên 1 tháng tuổi) toàn tỉnh Sóc Trăng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước...

CHỐNG HẠN, MẶN: CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN

Theo ước tính của Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vào tháng 3-2010, toàn vùng ĐBSCL khoảng 800.000 ha lúa có nguy cơ bị mặn đe dọa, đây là thời điểm lúa cần nhiều nước để đảm bảo năng suất, sản lượng. Các địa phương đang khẩn trương chống hạn, ngăn mặn. Theo ông Nguyễn Văn Thạnh, Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh An Giang, năm 2010, An Giang có sự chủ động sớm trong công tác chống mặn, nên tình hình xâm nhập mặn hiện nay không đáng kể. Ngay từ đầu mùa khô, An Giang đã phối hợp với Kiên Giang đóng sớm hơn 20 cống ngăn mặn và giữ ngọt cho vùng tứ giác Long Xuyên, đảm bảo sản xuất cho người dân.

Tuy nhiên, tại một số vùng, tình trạng tranh chấp mặn-ngọt đang diễn ra gay gắt trong việc giữ ngọt trồng lúa, hay đưa mặn vào để nuôi tôm. Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang, toàn tỉnh khoảng 5.100 ha lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn; trong đó, có 3.000 ha bị mất trắng. Diện tích tôm sú chính vụ 2010 cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Phó Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Kiên Giang Nguyễn Ngọc Phượng cho biết: “Vụ tôm 2010, Kiên Giang nuôi khoảng 65.000 ha và hiện đã thả giống tôm đạt 60%. Nếu nắng nóng kéo dài, độ mặn tăng cao và thiếu nguồn nước ngọt sẽ gây dịch bệnh trên tôm, có khi phải thả giống nhiều lần”. Còn vùng giáp ranh giữa Bạc Liêu và Cà Mau đang chuẩn bị vào vụ tôm, nên tỉnh Cà Mau cho mở cống dẫn nước mặn và vô tình đẩy nước mặn từ phía Cà Mau sang Bạc Liêu.

Ông Lương Ngọc Lân, Phó giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết: “Hiện nay, có hai vệt nước mặn đang tồn tại trong vùng ngọt, nếu mở cống lấy nước ra sẽ làm cho vệt nước mặn này loang ra các nơi khác. Mặt khác, các dòng kênh đang bị cạn kiệt do người dân bơm nước phục vụ cho sản xuất quá lớn, việc chủ động nước tưới đang gặp khó”. Theo ông Lân, Ban chỉ đạo sản xuất tỉnh đã họp khẩn cấp chỉ đạo huyện Phước Long, Hồng Dân, huy động người dân bơm nước mặn ra khỏi vùng ngọt, sau đó sẽ cho mở cống lấy nước mặn ra để đón nguồn nước ngọt từ Sóc Trăng qua đập Nàng Rền về phục vụ cho nông dân. Song, nguồn nước ngọt này rất hạn chế, bởi hệ thống cống lại chưa hoàn chỉnh mà phải vừa phục vụ nuôi tôm vừa trồng lúa. Nếu chọn giải pháp cứu 45.000 ha lúa tại vùng này, sẽ dẫn đến thiếu nước mặn phục vụ cho trên 20.000 ha nuôi tôm tại huyện Giá Rai, Phước Long và một phần Hồng Dân.

KIÊN GIANG: KHAN HIẾM NƯỚC NGỌT

Mặn đã xâm nhập sâu vào Kiên Giang, nước ngọt trở nên khan hiếm và giá nước khá cao. Tại Hòn Ngang, Hòn Mấu (xã Nam Du, huyện Kiên Hải) thuộc quần đảo Nam Du, giếng và mạch nước ngầm đều khô hạn, nhiễm mặn. Có nơi, người dân phải thức đêm để “mót” từng ca nước ngọt. Theo những hộ dân định cư lâu năm trên đảo, thời tiết mỗi năm diễn biến phức tạp hơn, hạn hán thêm trầm trọng, nên nước ngọt quý như vàng... Thiếu nước ngọt luôn là nỗi ám ảnh của người dân trên đảo, đã có nhiều đợt hỗ trợ phương tiện chứa nước cho hộ nghèo, nhưng người dân vẫn chưa tự túc được nước ngọt sử dụng vào mùa khô. Hiện người dân ở quần đảo Nam Du chỉ trông chờ vào nguồn nước ngọt còn lại ở Bãi Ngự và giếng Ngự ở Củ Tron (xã An Sơn, huyện Kiên Hải). Nước ngọt chuyển từ đây qua Hòn Ngang, Hòn Mấu đổi cho dân với giá 15.000-20.000 đồng/phuy, tương đương 75.000-100.000 đồng/m3 nước ngọt, gấp 8-12 lần so với đất liền. Bình quân, mỗi người dân phải chi trả 200.000-300.000 đồng tiền nước ngọt/tháng. Còn vùng U Minh Thượng, 2 huyện An Biên, An Minh đang thiếu hụt nước ngọt để tưới tiêu và sinh hoạt. Giá nước tại đây đã lên đến 40.000 đồng/m3 nhưng nguồn nước ngọt vẫn không cung cấp đủ nhu cầu cho dân.

T. NGUYỄN

Theo kế hoạch, một số địa phương trong vùng ĐBSCL- vùng tôm- lúa sẽ xuống giống vụ hè thu vào cuối tháng 3-2010, nhưng nắng nóng và mặn kéo dài sẽ khó kịp thời vụ. Mới đây, trong chuyến khảo sát thực tế tại một số vùng trồng lúa hè thu sớm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ NN& PTNT Đào Xuân Học, nhấn mạnh: “Hiện tại, hạn chưa phải là gay gắt nhất, nhưng nguồn nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng sẽ rất khó khăn. Sóc Trăng cần tiến hành khẩn trương hơn nữa để bảo vệ các diện tích lúa, hoa màu đã xuống giống. Tỉnh cần phối hợp chặt chẽ với tỉnh Bạc Liêu để hạn chế tình trạng xâm nhập mặn và kiên quyết không cho dân xuống giống trong thời điểm khó khăn như hiện nay”. Theo Sở NN& PTNT tỉnh Sóc Trăng, diện tích lúa hè thu sớm của tỉnh hiện đã trên 51.000 ha và hơn 2 tháng nữa mới thu hoạch. Ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cho Chi cục Thủy lợi và Công ty cổ phần Thủy lợi tỉnh thường xuyên theo dõi tình hình hạn và mặn để vận hành cống điều tiết nguồn nước phục vụ sản xuất, hạn chế thiệt hại cho nông dân. Hiện một số tuyến kinh nội đồng thuộc huyện Long Phú đang thiếu nước trầm trọng, do các cống đã bị đóng lại và độ mặn tại cống đã ở mức 1,5-2,50/00 nên chỉ cầm cự được khoảng 1 tháng nữa. Trong khi khoảng cuối tháng 4 đầu tháng 5-2010 mới có mưa, nên 2 huyện Long Phú và Ngã Năm có nguy cơ thiệt hại lớn nhất trên lúa hè thu sớm và hè thu chính vụ.

Thời điểm tháng 3-2010, cây lúa cần nước để đảm bảo năng suất, cũng là thời điểm xuống giống tôm chính vụ năm 2010 ở các tỉnh ven biển. Tuy nhiên, tình trạng hạn, mặn được dự báo còn kéo dài, việc đảm bảo năng suất mùa vụ đang đặt ra nhiều thách thức cho các ngành chức năng.

NHÓM PV- CTV

Chia sẻ bài viết