10/07/2021 - 10:51

Duyên dáng, hồn hậu “Điệu buồn phương Nam” 

Cùng tựa với một bài hát nổi tiếng nhưng tập tản văn “Điệu buồn phương Nam” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) của tác giả Kim Chi lại khiến người đọc cười thích thú bởi cách kể chuyện duyên dáng, ngôn ngữ đậm chất miền Tây Nam Bộ cùng với những câu chuyện đời thường, gần gũi, dễ thương. Tất cả giúp tác giả tạo dấu ấn với độc giả khi ra mắt tác phẩm đầu tiên.

Đa phần trong 62 bài viết của tập tản văn “Điệu buồn phương Nam” ngắn gọn, dễ đọc và rất dễ thấm; bởi cách kể tự nhiên, chân chất nhưng bố cục, ý tứ thì không kém phần sâu sắc. Ngôn ngữ, giọng điệu kể chuyện đậm chất miền Tây bởi tác giả quê ở Rạch Giá, Kiên Giang. Cách dùng phương ngữ Nam bộ nhuần nhuyễn, hợp cảnh, hợp tình càng khiến các bài viết được nâng cao giá trị và cảm xúc.

Đặc biệt, chất hài hước, dí dỏm trong nhiều câu chuyện khiến người đọc khi cười mỉm, lúc cười sảng khoái. Những câu chuyện vui về sản vật xứ U Minh hay miền Tây thời khẩn hoang như: “Cọp cà lăm”, “Cua nào cũng cua”, “Con khỉ cà tưng”, “Người miệt Thứ”, “Quăng cái mền, bể cái quần”, “Ma Mỹ”… rất duyên dáng. Rồi những chuyện đời thường như tình yêu trai gái, vợ chồng, hàng xóm, ông sui bà sui… với những tình huống cười ra nước mắt được kể ý nhị mà thâm thúy qua các truyện: “Tưởng bở”, “Đánh ghen kiểu… Tây”, “Tuyệt chiêu”, “Trúng gió”, “Gái khôn tìm chồng”…

Đất và người miền Tây lần lượt được khắc họa sinh động qua từng trang sách. Từ cái thời ông cố, ông sơ đến thời kháng chiến rồi hòa bình, độc lập, mỗi giai đoạn đều có những chuyện vui, buồn đáng nhớ. Dù là thời nào thì cái chất hồn hậu, phóng khoáng của người miền Tây vẫn không hề phai nhạt qua nhiều thế hệ. Nơi đó, luôn có những con người ấm áp, nghĩa tình, thủy chung; có những câu chuyện nghe rưng rưng nước mắt, buồn thấu tim gan nhưng không hề bi quan, chán nản. Phụ nữ với nhiều câu chuyện buồn, bi thương vẫn là mảng đề tài được tác giả ưu ái. Mỗi người một cảnh khổ nhưng không vì thế mà họ buông xuôi, vẫn cố gắng sống vì con, vẫn nuôi một niềm tin về ngày mai sẽ khác… Cái chất hồn hậu và hy sinh ấy khiến người đọc thấy thương và cũng thấy xót!

Không chỉ làm người kể chuyện, tác giả đôi khi đặt ra những câu hỏi, những tình huống khiến mọi người phải “ngẫm”, phải “suy” về thế thái nhân tình, về cách ứng xử giữa người với người, giữa người với thời cuộc, với thiên nhiên. Chẳng hạn, cô viết: “Thời khẩn hoang chim thú nhiều vô kể, phải giành với tụi nó từng công đất. Bây giờ toàn người với người mà người ta vẫn giành từng cọng cỏ, bông lúa. Nếu ai ai cũng chừa lại trên cánh đồng ít vạt lúa chưa cắt, hay thả xuống sông những chú cá con, chắc giờ đồng quê vẫn còn ríu rít tiếng chim kêu, tiếng cá quẫy. Về quê bây giờ y như ở chợ. Buồn ghê hen” (trang 154). Cái buồn ấy còn là nỗi buồn khi có những gia đình không trọn vẹn khiến cha mẹ, con cái đều lâm vào bế tắc, bi thảm (“Trời mưa bong bóng phập phồng”, “Phận mỏng”, “Cây lẻ”). Hay cái buồn của những cảnh bỏ xứ tha hương, vất vả mưu sinh trên đất khách quê người mà thèm câu vọng cổ và nhớ quê quay quắt (“Nắng thị thành”, “Người giữ hồn cho đất”)…

“Điệu buồn phương Nam” có chút buồn man mác, có tiếng cười ấm áp và có những nét duyên dáng đặc trưng của người miền Tây. Để khi khép sách lại, vẫn vấn vương thương nhớ một vùng quê.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết