23/08/2013 - 13:52

Đứt dây chằng gối: đừng bỏ qua !

Khi bị té bất ngờ, chống mạnh chân thường bị đứt dây chằng gối. Người bị đứt dây chằng gối thường chỉ đến bệnh viện điều trị khi không chịu nổi cơn đau và đã bị teo cơ đùi. Có trường hợp không điều trị được do khớp gối đã bị thoái hóa (phải thay khớp gối nhân tạo). Trong khi đó, kỹ thuật nội soi để tái tạo dây chằng gối đã được nhiều bệnh viện trong TP Cần Thơ triển khai. Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ Cửu Long triển khai từ năm 2010. Để giúp bệnh nhân có cách điều trị đúng khi bị đứt dây chằng gối, bác sĩ Lý Thanh Sơn, Khoa Ngoại B (BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, đã cung cấp một số thông tin về cách nhận biết và điều trị đối với tổn thương này.

* Vì sao dây chằng chéo trước dễ bị đứt?

- Dây chằng chéo trước (dây chằng gối) là phần nối giữa xương đùi và xương chày, giúp cho khớp gối vững khi co duỗi trước sau. Chính vì vậy nếu chấn thương vào khớp gối theo hướng trước sau sẽ làm cho dây chằng chéo trước bị căng quá mức và bị đứt. Ngoài ra, nếu té chống chân trong tư thế xoắn vặn cũng có thể làm đứt dây chằng chéo trước. Đối với nam giới, việc đứt dây chằng gối thường xảy ra khi chơi các môn thể thao vận động mạnh như đá bóng, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt (trường hợp người trung niên). Phụ nữ càng dễ bị đứt dây chằng gối hơn nam giới, vì phụ nữ không có phản xạ tốt khi té ngã bất ngờ. Phụ nữ cần chú ý các trường hợp: bị té khi dẫn xe gắn máy lên bậc thềm hoặc bất ngờ té ngã, họ thường dùng chân trụ để chống đỡ, việc này dễ gây ra trật khớp gối hay đứt dây chằng chéo trước khớp gối.

Bác sĩ ở BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đang mổ nội soi khớp gối cho bệnh nhân.
Ảnh: M.N

* Cách nhận biết để không bỏ sót tổn thương.

Người bị té thường nghe được tiếng kêu “rắc” (tại khớp gối khi té ngã), sau đó bị cơn đau dữ dội, không đi được phải nhờ người khác nâng đứng dậy. Các trường hợp này, người bị té thường cần được giảm đau bằng cách chườm nước đá và uống thuốc hỗ trợ. Sau một vài ngày, cơn đau sẽ giảm dần nhờ uống thuốc giảm đau và bất động tốt. Chính vì vậy, người bị đứt dây chằng gối tưởng mình đã khỏi bệnh mà không cần đến bác sĩ để khám - đây là nguyên nhân bỏ sót căn bệnh đứt dây chằng chéo trước thường gặp nhất.

* Tầm quan trọng của việc điều trị đứt dây chằng gối.

Dây chằng chéo trước có vai trò quan trọng trong việc làm vững khớp gối. Khi tổn thương dây chằng này thì sự vững chắc của khớp gối bị ảnh hưởng, gối bị lỏng lẻo dẫn đến các hậu quả là: Giảm chức năng gối, đặc biệt trong các hoạt động đòi hỏi di chuyển nhanh, mạnh và đột ngột như chơi các môn thể thao cần di chuyển nhiều như: bóng đá, tennis, bóng chuyền,... Tổn thương thứ phát các thành phần khác của gối trong đó 2 thành phần dễ bị ảnh hưởng nhất là sụn chêm và sụn mặt khớp. Tổn thương sụn chêm thường gặp là rách sụn chêm dẫn đến biểu hiện đau, kẹt khớp và tràn dịch khớp. Tổn thương sụn khớp dẫn đến hư khớp hay còn gọi là thoái hóa khớp. Nếu bị thoái hóa khớp gối thì việc thay khớp gối sẽ phức tạp và tốn kém rất nhiều so với điều trị đứt dây chằng gối.

* Làm thế nào để xác định chính xác mức độ tổn thương dây chằng gối?

- Người bị đứt dây chằng khớp gối do tự té và tự điều trị bằng cách uống thuốc giảm đau, sau đó sẽ phải sống chung với những cơn đau tại khớp gối khi di chuyển, cơn đau sẽ ngày càng nặng hơn, chất lượng cuộc sống bị giảm sút. Trong các trường hợp này, cách tốt nhất là bệnh nhân đến bệnh viện thực hiện dịch vụ chụp MRI sẽ giúp đánh giá chính xác hầu hết các tổn thương khớp gối. Sau đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cách điều trị phù hợp.

* Cách điều trị hợp lý

 Trước hết bệnh nhân sẽ được điều trị nội khoa: dùng thuốc và vật lý trị liệu để tăng cường sức vận động cho các cơ vùng khớp gối nhất là nhóm cơ gập, duỗi gối.  Điều này rất có ích cho người bệnh, giúp cho khớp gối đủ vững cho những hoạt động thường ngày. Nếu điều trị thuốc và vật lý trị liệu không đem lại hiệu quả, gối còn lỏng thì nên phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước. Hiện nay, hầu hết bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo trước thường chọn kỹ thuật mổ nội soi. So với mổ hở mổ nội soi có nhiều ưu thế hơn là: thời gian phẫu thuật nhanh (mổ nội soi trong 1 giờ, mổ hở kéo dài hơn 3 giờ), bằng đường rạch da nhỏ, đưa dụng cụ và camera vào khớp gối để soi kiểm tra, người bệnh ít đau, vết mổ nhỏ, hồi phục nhanh, đặc biệt dây chằng mới được đặt đúng vị trí nên khớp gối gấp duỗi có cơ năng hoạt động bình thường, có thể chơi thể thao. 

* Bệnh nhân cần được tư vấn

Thời gian qua, có những bệnh nhân bị đứt dây chằng gối từ 3- 5 năm mới đến BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long chụp MRI. Qua tìm hiểu bệnh sử, những bệnh nhân này đều cho biết do bận công việc làm ăn. Thực tế, nhiều bệnh nhân do tự tìm hiểu cách điều trị bệnh cho bản thân qua việc tiếp cận với những người điều trị bằng phương pháp mổ hở (mổ hở: sau khi mổ thường bị cơn đau kéo dài, có trường hợp phẫu thuật không thành công do việc đặt dây chằng tái tạo bị lệch), do vậy người bệnh sẽ nảy sinh tâm lý chần chừ, sợ phẫu thuật. Những trường hợp này bệnh nhân có thể lên trang web của BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long hoặc các trang mạng về y tế để tìm hiểu về kỹ thuật mổ nội soi khớp gối. Đơn giản là ống nội soi sẽ đưa dụng cụ  gân cơ mác dài để thay cho phần gân bị đứt. Cách làm này giúp dây chằng không bị lệch như mổ hở và không ảnh hưởng gì đến sức khỏe bệnh nhân.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Đình Khôi (thực hiện)

 

Chia sẻ bài viết