30/01/2010 - 20:34

Đừng tạo cái nhìn lệch lạc về gia đình trong phim Việt!

Phim “Hạnh phúc có thật” (dài 30 tập của đạo diễn Xuân Cường, do Công ty Sóng Vàng và Công ty Khang Việt sản xuất theo đơn đặt hàng của HTV, đang phát sóng trên THVL1 lúc 19 giờ hằng ngày), làm khán giả khó chịu khi xem những đứa con gái đối xử vô lễ với mẹ. Điều đáng nói là những việc thiếu lễ độ của con cái với cha mẹ lặp đi lặp lại trong nhiều bộ phim truyền hình Việt hiện nay.

Hà - nhân vật trong “Hạnh phúc có thật” - là một biên tập viên đài truyền hình trẻ trung xinh đẹp, năng động, quyết đoán. Nhưng khi nói chuyện với mẹ, cô hay liếc xéo, lừ mắt hoặc vùng vằng nói như quát: “Con chịu hết nổi mẹ rồi” trước khi xách giỏ bỏ đi khỏi nhà mỗi khi mẹ cô nhắc đến chuyện chồng con. Người mẹ trong phim thì khép nép đi ra khỏi phòng khi bị con liếc, bị lườm và “Xin lỗi con”...

Thanh Lam (vai mẹ của Kim)  và Doãn Tuấn (vai thầy giáo - người yêu của Kim)  trong “13 nữ tù nhân”. Ảnh: maivoo.com 

Trong các bộ phim truyền hình nước ta gần đây hay có cảnh các nhân vật chính về nhà và trút giận vào gia đình mỗi khi gặp chuyện không như ý trong công việc, tình yêu. Các vai ông, bà, cha, mẹ dường như chỉ là điểm xuyết thêm cho bối cảnh phim, đóng vai trò dẫn chuyện, “hỏi han” để nhân vật chính bộc lộ những “dằn vặt nội tâm” và góp phần làm cho phim... dài ra. Một mô-típ thường gặp là các nhân vật ông, bà, cha, mẹ thường là người... ra mở cổng hoặc đứng trong phòng khách đón mỗi khi các nhân vật chính đi làm về, hỏi han mấy câu đại loại như ăn cơm chưa, đi làm mệt không. Thường thì khi các nhân vật chính có biểu hiện mệt mỏi, buồn bã, người thân trong gia đình sẽ hỏi han hoặc đưa ra những lời khuyên, nhưng nhận được câu trả lời “Mặc kệ con”, “Chuyện của con con tự biết”... Việc các nhân vật trẻ bỏ đi một nước, không trả lời bất đồng quan điểm với các bậc cha chú, cô bác của mình trong phim Việt đã trở thành chuyện “bình thường”. Các nhà làm phim “Hạnh phúc có thật” đã bỏ sót một “hạt sạn” lớn khi xây dựng cách ứng xử cho nhân vật Hà, khiến cô gái trở nên phản cảm, hung hăng, hỗn hào với người mẹ là một điển hình của phần lớn các phim truyền hình Việt Nam hiện nay.

Ngay từ khi phim truyền hình Việt mỗi năm chỉ sản xuất vài phim như “Vòng xoáy cuộc đời”, “Dốc tình”, “Mộng phù du”... thì dường như hầu hết các bộ phim đều khắc họa chân dung gia đình Việt một cách lệch lạc với những bậc cha mẹ thường là tham lam, ích kỷ, độc đoán -góp phần tạo thêm đau khổ cho nhân vật chính như một cách tạo thêm kịch tính. Các nhân vật trẻ trong phim thì thường “bỏ quên” quy tắc ứng xử truyền thống Việt Nam nói riêng, Á Đông nói chung, cãi tay đôi với người lớn, bỏ nhà đi khi gặp bất đồng. Vị trí gia đình trong phim Việt đã “tuột dốc” với những hình mẫu cha - mẹ - con cái, nhân vật ngày càng phản cảm hơn. Điển hình như người cha bắt đứa con gái là Bích phải đi ăn xin, bán vé số về nuôi mình trong “Giấc mơ cổ tích” hay người mẹ tơ tưởng đến người tình của con gái trong “13 nữ tù”... (!) Thậm chí có nhân vật tổ chức đánh cướp chính gia đình của mình như Khiêm trong “Giấc mơ cổ tích”, hay cô con gái luôn sẵn sàng nạt nộ, lườm nguýt mẹ trong “Hạnh phúc có thật”.

Nhìn sang những bộ phim nước ngoài được khai thác trên sóng truyền hình nước ta, đặc biệt là Hàn Quốc, có thể cảm nhận rằng vị trí gia đình truyền thống được khắc họa rất đậm nét, như một cách gìn giữ và truyền bá bản sắc văn hóa dân tộc. Những cô con gái, cậu con trai trong phim Hàn vẫn có cá tính riêng thậm chí “dị biệt” và những bất đồng với người thân trong gia đình, nhưng vẫn cúi rạp đầu chào ông bà, nói chuyện với cha mẹ không lớn tiếng dù rằng bản thân họ bị hiểu sai, oan ức... Ngược lại, những người lớn trong phim Hàn có thể chưa hiểu con cái của họ nhưng luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của những người trẻ, là nơi nương tựa mỗi khi con cháu vấp ngã. Gia đình luôn có vị trí vững vàng trong phim Hàn.

Thiết nghĩ các nhà làm phim truyền hình Việt cần lưu ý để đừng có cái nhìn lệch lạc về gia đình.

XUÂN VIÊN

Chia sẻ bài viết