Mới đây, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu không nung trong xây dựng”. Hội thảo góp phần thúc đẩy và tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh, nhà đầu tư tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) trong xây dựng theo đúng lộ trình quy định của Chính phủ trong thời gian tới.
* Phát triển theo xu hướng chung
 |
Đại biểu tìm hiểu về gạch không nung tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu không nung trong xây dựng” tổ chức tại TP Cần Thơ. |
Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, VLXKN có nhiều ưu điểm chống thấm tốt, chịu lực cao, ít hao tốn vữa xây dựng, tiết kiệm nhân công xây dựng và thân thiện với môi trường
Vì vậy, xu hướng phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung không chỉ phù hợp chủ trương của Chính phủ mà còn góp phần giảm thiểu những tác hại về môi trường. Thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chỉ thị, quyết định về việc tăng cường sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Theo đó, từ ngày 15-1-2015, các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng 100% VLXKN; đối với các công trình từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng tối thiểu 30% VLXKN và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN trong tổng số vật liệu đưa vào công trình
Theo ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Quản lý xây dựng, Sở Xây dựng TP Cần Thơ, VLXKN có nhiều ưu thế tận dụng phế liệu công nghiệp, tiết kiệm chi phí xây dựng. Tuy nhiên, việc triển khai sản xuất, kinh doanh các loại vật liệu mới này trên địa bàn thành phố còn hạn chế, chỉ có một số ít doanh nghiệp sản xuất với quy mô nhỏ lẻ. Để thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN vào công trình xây dựng, Sở Xây dựng đã tổ chức kiểm tra công tác quản lý chất lượng đối với nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước
Qua kiểm tra có 16/26 công trình thực hiện đúng theo kế hoạch, các chủ đầu tư đã chấp hành đúng quy định việc đưa VLXKN vào công trình xây dựng.
Ông Trần Trung Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu, cho biết: Hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp chuyên sản xuất gạch đất sét truyền thống đều có xu hướng chuyển đổi mô hình sản xuất sang VLXKN cho phù hợp với tình hình mới. Nhưng đa phần các cơ sở, đơn vị sản xuất gạch truyền thống có quy mô nhỏ lẻ, vốn ít nên việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn về vốn. Vì chi phí đầu tư cho một nhà máy sản xuất VLXKN khoảng trên dưới 10 tỉ đồng. Do đó, để chuyển đổi sang mô hình sản xuất VLXKN có hiệu quả, ngoài trang bị kiến thức về kỹ thuật sản xuất vật liệu mới, các cơ sở, doanh nghiệp rất cần sự trợ lực từ các ngành chức năng trong việc hỗ trợ các nhà đầu tư phát triển thị trường VLXKN. Đồng thời, ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXKN
* Thúc đẩy phát triển VLXKN
Ông Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Với vai trò đầu mối trong phát triển các ngành vật liệu mới, Sở đã phối hợp với Sở Xây dựng thành phố tiến hành khảo nghiệm chất lượng sản phẩm gạch không nung để đảm bảo chất lượng của sản phẩm khi đưa vào công trình xây dựng. Tổ chức hội thảo giới thiệu các kỹ thuật sản xuất VLXKN, cung cấp kết quả khảo nghiệm gạch ống-xi măng cốt thép tại TP Cần Thơ
Qua đó, giúp các nhà quản lý, nhà sản xuất và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất gạch truyền thống có dịp trao đổi thông tin trực tiếp về kỹ thuật ứng dụng VLXKN đảm bảo chất lượng trong các công trình xây dựng, nhu cầu chuyển đổi mô hình sản xuất gạch nung sang gạch không nung của các đơn vị sản xuất gạch nung hiện nay. Đồng thời, triển khai những hỗ trợ từ các ngành chức năng đối với các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi sang mô hình sản xuất vật liệu mới... Hiện tại, Sở Khoa học và Công nghệ thành phố đã và đang triển khai “Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp về đổi mới công nghệ - Năng suất chất lượng - Sở hữu trí tuệ”. Chương trình này sẽ hỗ trợ một phần vốn cho các đơn vị, sản xuất kinh doanh gạch đất sét truyền thống trên địa bàn thành phố có nhu cầu chuyển đổi sang mô hình sản xuất VLXKN. Với những hỗ trợ này sẽ góp phần tạo điều kiện thúc đẩy các đơn vị kinh doanh, nhà đầu tư tăng cường sản xuất, sử dụng vật liệu mới trong xây dựng theo đúng quy định của Chính phủ trong thời gian tới.
Ông Tạ Chí Nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho biết: Thời gian qua, Sở Xây dựng thành phố tích cực phổ biến các quyết định, thông tư của Chính phủ về việc tăng cường sử dụng VLXKN đến các chủ đầu tư xây dựng công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Đồng thời, tiến hành khảo thu thập thông tin, thống kê báo cáo về tình hình các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung, các cơ sở sản xuất, kinh doanh VLXKN. Ngoài ra, Sở Xây dựng còn yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh, phân phối VLXKN, hằng tháng gửi bảng báo giá kèm theo địa chỉ cung cấp tại Cần Thơ về Sở. Theo ông Tạ Chí Nhân, để đưa VLXKN vào đời sống, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục triển khai chương trình phát triển VLXKN trên địa bàn thành phố, đặc biệt tập trung triển khai Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng TP Cần Thơ đến năm 2020 và định hướng đến 2030; tham mưu cho UBND thành phố xây dựng quy định về quản lý và đầu tư phát triển VLXKN, hạn chế sử dụng các sản phẩm kém chất lượng trong công trình xây dựng. Phối hợp với các sở, ngành hữu quan thành phố kêu gọi và tạo điều thuận lợi để các nhà sản xuất kinh doanh VLXKN phát triển mở rộng thị trường tại TP Cần Thơ. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo đội ngũ công nhân có tay nghề trong việc sử dụng các chủng loại VLXKN, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra các công trình có sử dụng VLXKN
góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng trong thời gian tới.
Bài, ảnh: M.HOA