24/04/2017 - 10:22

Kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh Trà Vinh (5/1992-5/2017)

Đưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực ĐBSCL

Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2017), 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1980-19/5/2017) cũng là dịp tỉnh Trà Vinh mừng kỷ niệm 25 năm tái lập tỉnh (5/1992-5/2017). Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng trả lời phỏng vấn báo chí về những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội và những định hướng phát triển của địa phương.

* Xin ông cho biết những thành tựu nổi bật sau 25 năm tái lập tỉnh Trà Vinh ?

- Từ khi tái lập tỉnh, Đảng bộ và nhân dân Trà Vinh đã tập trung triển khai, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với điều kiện tình hình thực tế của tỉnh, tạo được sự đồng thuận và thống nhất cao trong nội bộ và nhân dân. Từ đó, qua 25 năm tái lập tỉnh, kinh tế - xã hội Trà Vinh có bước phát triển tích cực và đạt được những thành tựu quan trọng. Cụ thể:

Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh Trần Trí Dũng chúc Tết Hội đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh và Ban quản trị Chùa Kom Pong, phường 1, thành phố Trà Vinh nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây 2017. Ảnh: travinh.gov.vn

Tốc độ và quy mô nền kinh tế luôn tăng trưởng qua từng giai đoạn, giá trị tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng bình quân hàng năm trên 11%. Riêng năm 2016, GRDP tăng 10,26%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, giai đoạn 1992 - 2016, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm 38,86% (từ 77,91% giảm còn 39,05%), ngành công nghiệp - xây dựng tăng 17,14% (từ 8,49% tăng lên 25,63%), ngành dịch vụ tăng 21,73% (từ 13,6% tăng lên 35,33%). Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 33,4 triệu đồng, tăng hơn 33 lần so năm 1992.

Sản xuất công nghiệp trở thành một trong những ngành kinh tế chủ chốt của tỉnh, với giá trị sản xuất đạt trên 22.000 tỉ đồng, tăng gấp 78 lần so với năm 1992. Năm 1992, tỉnh chỉ có 10 xí nghiệp quốc doanh thì hiện nay, toàn tỉnh có 1.800 doanh nghiệp, trên 1.000 chi nhánh và có 27 doanh nghiệp nước ngoài. Hiện, tỉnh có 3 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế với 117 dự án đầu tư trong nước, 27 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với số vốn gần 100.000 tỉ đồng và gần 300 triệu USD.

Hệ thống giao thông đường bộ ngày càng được mở rộng và nâng cấp. Đặc biệt, đã xóa được sự chia cắt và tạo kết nối giao thương với các tỉnh trong khu vực bằng các tuyến Quốc lộ 53, 54, 60 và cầu Cổ Chiên. Hệ thống thủy lợi đã bảo đảm ngăn mặn, trữ ngọt, bảo đảm tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Nổi bật, đến nay, hơn 98,5% hộ dân được sử dụng điện; tăng hơn 90% so với lúc mới tách tỉnh. Số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85% dân số nông thôn và 90% dân số ở đô thị.

Thương mại - dịch vụ tiếp tục phát triển, tăng gấp 30 lần so năm 1992 (từ 702 tỉ đồng tăng lên 21.063 tỉ đồng). Các loại dịch vụ vận tải, viễn thông, tài chính, ngân hàng, du lịch... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo tiếp tục được phát triển. Đến nay, Trà Vinh không những xóa bỏ nạn mù chữ mà còn hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; xây dựng được 89 trường đạt chuẩn quốc gia; 82,1% phòng học được kiên cố hóa và có 1 trường đại học, 2 trường cao đẳng và 3 trường trung cấp.

Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng lên. Đến nay, có 141 cơ sở khám, chữa bệnh với 1.900 giường bệnh, bình quân có 19 giường bệnh và 6,4 bác sĩ/vạn. Tỷ lệ bảo hiểm y tế toàn dân hiện đạt 92,82%.

Trong xây dựng nông thôn mới, khi triển khai vào năm 2009, xã đạt cao nhất chỉ có 8 tiêu chí; đến nay, toàn tỉnh đã có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn tỉnh đã huy động trên 5.900 tỉ đồng cho chương trình xây dựng nông thôn mới.

Công tác đào tạo lao động, giải quyết việc làm và an sinh xã hội đã có nhiều tiến bộ. Năm 1992, có trên 40% hộ nghèo, gần 20% hộ thiếu đói. Đến nay, hộ nghèo còn 11,16%, không còn hộ đói. Riêng đồng bào dân tộc Khmer năm 1992 có 50% hộ nghèo, nay còn gần 20%.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được đổi mới phương thức lãnh đạo, không ngừng nâng cao sức chiến đấu và bảo đảm trong sạch, vững mạnh. Tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên tăng cả về số lượng lẫn chất lượng. Năm 1992, Đảng bộ tỉnh có trên 350 tổ chức cơ sở Đảng và trên 9.800 đảng viên, hiện nay có gần 630 tổ chức cơ sở Đảng và trên 41.000 đảng viên; trong đó, có trên 16% đảng viên đồng bào dân tộc Khmer. Đến năm 2016, toàn tỉnh có trên 40.700 người đạt trình độ trung cấp trở lên; trong đó, có 139 tiến sĩ, 994 thạc sĩ và trên 3.400 người có trình độ đại học.

Quốc phòng - an ninh được giữ vững, an ninh chính trị vẫn giữ ổn định, đoàn kết các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, đoàn kết lương giáo trên địa bàn tỉnh không ngừng được củng cố và phát triển. Bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được phát huy và hòa nhập.

* Theo ông, kinh nghiệm thực tiễn để tạo nên thành quả phát triển của tỉnh Trà Vinh là gì?

- Đạt được những thành tựu trên, trước hết là nhờ có những chủ trương, nghị quyết đúng đắn của Đảng; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội; sự chỉ đạo, hỗ trợ có hiệu quả của Chính phủ, các bộ, ngành, các cơ quan Trung ương và sự giúp đỡ của các tỉnh, thành bạn. Đồng thời, Đảng bộ tỉnh luôn quán triệt, vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề ra chương trình, kế hoạch sát hợp tình hình thực tế của tỉnh. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện luôn tập trung, quyết liệt, xác định được các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, các chương trình, dự án trọng điểm để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.

Tỉnh luôn chú trọng đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên theo hướng trong sạch - vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân và tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Xây dựng được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, phát huy dân chủ trong Đảng, trong xã hội, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự an toàn xã hội; kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện thiếu trách nhiệm. Đặc biệt, luôn đề cao cảnh giác cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo sự ổn định để mọi người dân và doanh nghiệp an tâm đầu tư sản xuất - kinh doanh.

Tỉnh Trà Vinh luôn xem việc kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh là nền tảng; sự nỗ lực phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, tinh thần tự lực, tự cường, trách nhiệm của từng cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, của mỗi cán bộ, đảng viên là ý chí; sự năng động, sáng tạo, vượt khó của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh là động lực trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

* Đảng bộ tỉnh đề ra Nghị quyết trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

- Mục tiêu phấn đấu trước mắt là đ ưa Trà Vinh trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm 11% - 12%; đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 3.200 USD. Để hoàn thành thắng lợi mục tiêu này, tỉnh phải tiến hành đồng thời nhiều biện pháp; trong đó có một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, đẩy mạnh, đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Hai là, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học - công nghệ và phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu.

Ba là, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Bốn là, lãnh đạo thực hiện tốt công tác chính sách đối với người có công, an sinh xã hội, dân tộc, tôn giáo.

Năm là, tập trung làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

Sáu là, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị "về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", xây dựng Đảng bộ vững mạnh.

Bảy là, nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Qua 25 năm nỗ lực xây dựng để phát triển, bằng những kinh nghiệm thực tiễn cùng sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, quân và dân Trà Vinh, tôi tin tưởng Trà Vinh sẽ trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực.

* Xin trân trọng cám ơn ông!

Thanh Hòa (thực hiện)

Chia sẻ bài viết