28/08/2024 - 09:00

Đưa pháp luật đến gần hơn với người dân 

Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tư pháp. Thời gian qua, công tác này được ngành Tư  pháp TP Cần Thơ triển khai đạt hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, hình thành thói quen, văn hóa sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Các sở, ngành ký kết Kế hoạch phối hợp PBGDPL cho đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên năm 2024-2025.

Thực hiện công tác PBGDPL, Sở Tư pháp thành phố đã triển khai tuyên truyền, phổ biến các luật, pháp lệnh mới ban hành; phát động tổ chức cuộc thi viết về “Gương người tốt, việc tốt” năm 2024; cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật dành cho đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên” trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2024. Bên cạnh đó, Sở phối hợp Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Tư pháp cử hơn 60 đại biểu là báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, luật gia, luật sư tham dự hội nghị tập huấn Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị tổ chức tại TP Cần Thơ; phối hợp nhà mạng tuyên truyền 50.000 tin nhắn mạng Viettel và 2.000 tin nhắn mạng Vinaphone đến người dân thành phố về mức xử phạt đối với hành vi điều khiển mô tô, xe gắn máy hoặc chở người ngồi trên xe mang vác vật cồng kềnh.

Sở Tư pháp thành phố xây dựng tài liệu, soạn, biên tập và sưu tầm 282 bản tin đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGDPL thành phố. Ngoài ra, trên Trang thông tin điện tử PBGDPL thành phố còn đăng tải các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật lấy ý kiến do các sở, ban, ngành chủ trì soạn thảo. Bà Phạm Thu Hương, Trưởng Phòng Tư pháp quận Thốt Nốt, cho biết: “Việc tuyên truyền pháp luật luôn được Phòng Tư pháp quận quan tâm thực hiện. Từ đầu năm đến nay, quận chú trọng tuyên truyền các quy định của Luật Ðất đai năm 2024 đến cán bộ, công chức, viên chức. Phòng cũng phối hợp nhiều cơ quan, đơn vị PBGDPL về đất đai nhằm phục vụ nhu cầu công tác, đồng thời từng bước triển khai đến người dân. Ngoài ra, quận tuyên truyền, triển khai thực hiện các văn bản, các quy định mới đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn quận”.

Ông Lê Quang Huy ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, nói: “Hiện nay, người dân chúng tôi có thể dễ dàng tìm hiểu các quy định pháp luật, như luật Ðất đai, Luật Nhà ở hoặc những vấn đề vướng mắc mà bản thân và gia đình đang gặp phải thông qua các trang thông tin điện tử của các sở, ngành chuyên môn; các bài viết của các chuyên gia, những người nghiên cứu pháp luật qua kênh Zalo, Tiktok; các tờ gấp pháp luật tại các điểm thực hiện dịch vụ công”. Ông Nguyễn Hữu Thịnh ngụ phường Ba Láng, quận Cái Răng, chia sẻ: “Các quy định pháp luật thường khô khan, khó hiểu nên các thông tin về pháp luật cần được biên soạn thật ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, niêm yết ở những nơi dễ tiếp cận để những người dân có trình độ hạn chế cũng có thể dễ dàng hiểu được”.

Ðể đưa pháp luật đến gần hơn với người dân, theo ông Lê Việt Sĩ, Giám đốc Sở Tư pháp thành phố, ngành Tư pháp sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đề án: thí điểm khuyến khích, thu hút đội ngũ thẩm phán đã nghỉ hưu, thành viên Hội Luật gia, Ðoàn Luật sư thành phố tham gia công tác hòa giải ở cơ sở, PBGDPL trên địa bàn TP Cần Thơ giai đoạn 2024-2025; nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030; nâng cao năng lực đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thực hiện PBGDPL tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2024-2030. Bên cạnh đó, ngành đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền những quy định mới của pháp luật, câu chuyện pháp luật, câu hỏi tình huống pháp luật, xây dựng các thông điệp pháp luật; thực hiện chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” gồm phóng sự và tiểu phẩm pháp luật... trên báo, đài địa phương. Ðồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong biên soạn tin, bài; xây dựng các loại tài liệu tuyên truyền PBGDPL; xây dựng các video clip... đăng tải trên Trang thông tin điện tử PBGDPL thành phố và Cổng Thông tin điện tử của địa phương… Các cơ quan, đơn vị, thành viên Hội đồng Phối hợp PBGDPL quan tâm đổi mới, đa dạng nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng, địa bàn; công tác PBGDPL phải song song với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị, địa phương theo hướng “lấy người dân làm trung tâm”. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông, báo chí; chú trọng tổ chức đối thoại chính sách, tư vấn pháp luật; vận động khuyến khích nhân dân tìm hiểu, chấp hành pháp luật...

Bài, ảnh: Hoàng Yến

Chia sẻ bài viết