05/12/2019 - 06:10

Đưa công nghệ, vật liệu mới vào lĩnh vực xây dựng 

Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến được xem là yêu cầu cấp thiết của ngành xây dựng trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Đối với vùng ĐBSCL, với các đặc điểm về điều kiện tự nhiên, kết cấu địa chất, nhu cầu đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, tốc độ đô thị hóa đòi hỏi phải ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật vào xây dựng. Các công trình xây dựng không chỉ chú trọng vấn đề chất lượng mà còn tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến, sử dụng vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường…

Xu thế tất yếu

Sản phẩm cửa thép an toàn Galaxy Doors chống cháy, thẩm mỹ cao, giá bán chỉ bằng 50% cửa gỗ đã có mặt ở TP Cần Thơ và nhiều công trình nhà ở cao tầng, khách sạn... Ảnh: THIỆN KHIÊM

Trong những năm qua, ngành xây dựng đã và đang thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái, sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và năng lượng. Bên cạnh đó, ngành xây dựng đã chủ động làm chủ công nghệ, áp dụng hiệu quả vào các công trình xây dựng cao tầng, công trình xã hội, xử lý rác thải, chống ô nhiễm môi trường...

Hiện nay, ngành công nghiệp xây dựng không ngừng tăng giá trị và góp phần vào tăng trưởng nền kinh tế. Đối với TP Cần Thơ, ngành xây dựng giữ tốc độ tăng trưởng ổn định, nguồn vốn đầu tư xây dựng của thành phố ngày càng tăng, nhiều công trình xây dựng mới chất lượng tốt mọc lên, góp phần đưa TP Cần Thơ phát triển nhanh chóng và ngày một hiện đại, xứng tầm đô thị trung tâm vùng ĐBSCL. Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, chia sẻ: Trong thành tích chung của ngành xây dựng thành phố nói riêng và cả nước nói chung có vai trò đóng góp xứng đáng và hết sức quan trọng của khoa học công nghệ. Để thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của thành phố trong thời gian tới, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý chất lượng xây dựng, quản lý khai thác, bảo trì công trình xây dựng và hệ thống kết cấu hạ tầng cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa.

Các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, lựa chọn phát triển các công nghệ xây dựng, công nghệ vật liệu xây dựng hiện đại, tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam đã được áp dụng vào sản xuất, vào công trình xây dựng nhằm nâng cao năng suất lao động, đảm bảo chất lượng công trình, hạ giá thành, tiết kiệm năng lượng… góp phần quyết định vào tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững của ngành xây dựng. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Huỳnh Thanh Nhã, Hiệu trưởng Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang diễn ra; mang đến cho nhân loại cơ hội để thay đổi bộ mặt các nền kinh tế, nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường. Tiến tới thực hiện Nghị quyết 52-NQ/TW (ngày 27-9-2019) của Bộ Chính trị “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đòi hỏi ngành xây dựng phải bắt nhịp phát triển. Mục tiêu là xây dựng những công trình yêu cầu cao, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến và theo đó việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến là yêu cầu cấp bách.

Lựa chọn công nghệ phù hợp

Trong chuyên ngành kết cấu xây dựng, các kỹ thuật xây dựng mới cũng được áp dụng ngày một nhiều ở các công trình cao tầng. Theo Tiến sĩ Lê Hoàng, Khoa Kỹ thuật Xây dựng, Trường Đại học Kỹ Thuật - Công nghệ Cần Thơ, ngày nay, các công trình dân dụng trên 5 tầng sử dụng cấu kiện tường bê tông cốt thép ngày càng trở nên phổ biến. Để đáp ứng một số ý tưởng kiến trúc, các yêu cầu về lối đi, thông sáng, cửa đi, hệ thống các tường bê tông cốt thép có lỗ mở ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Tường bê tông cốt thép có lỗ mở giúp tăng khả năng chịu lực cho công trình, có tác dụng chống lại các dư chấn động đất. Theo đó, cần có các tính toán phù hợp trong quá trình xây dựng để xác định vị trí, kích cỡ của lỗ mở trên tường, giải pháp thi công đảm bảo khả năng chịu lực và chất lượng công trình.

ĐBSCL có đặc điểm địa hình trũng thấp, đây cũng là nơi thường xuyên chịu ảnh hưởng của triều cường, nước biển dâng, xâm nhập mặn, sạt lỏ bờ sông, bờ biển... Việc xây dựng các công trình này gặp rất nhiều khó khăn do cấu trúc địa chất phức tạp, phân bố nhiều loại đất yếu nằm ngay trên mặt, có bề dày lớn. Theo Tiến sĩ Huỳnh Văn Hiệp, Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, Trường Đại học Trà Vinh, hiện nay, bản đồ địa chất công trình là rất quan trọng phục vụ cho các công trình xây dựng. Công trình nào cũng phải qua bước thiết kế và tốn kém kinh phí khảo sát địa chất để tiến hành thiết kế nền móng. Đơn cử như với việc thiết lập Bản đồ địa chất TP Trà Vinh, các nhà xây dựng có thể căn cứ vào bản đồ này để xem xét các mặt cắt địa chất và biết tại vị trí xây dựng là loại đất gì, có độ sâu bao nhiêu, các chỉ tiêu cơ lý tương ứng với vị trí đó. Về sơ bộ nền đất tại TP Trà Vinh có lớp bùn sét rất dày, dao động từ 6-40m. Đây là thông tin rất hữu ích cho các nhà xây dựng để tính toán ổn định lún và đưa ra giải pháp thiết kế, xây dựng phù hợp cho các công trình trên địa bàn.

Áp dụng các loại vật liệu xây dựng mới thân thiện môi trường cũng là yêu cầu cấp bách hiện nay. Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Lê Anh Tuấn, Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, bê tông cốt liệu nhẹ là một trong những loại bê tông nhẹ được sản xuất từ cốt liệu nhẹ. Trên thực tế, cốt liệu nhẹ nhân tạo được sản xuất từ các nguồn vật liệu phế phẩm trong công- nông nghiệp thường được sử dụng nhiều hơn cốt liệu nhẹ có nguồn gốc tự nhiên do ưu điểm thân thiện môi trường. Tính chất của cốt liệu nhẹ được kiểm soát dễ dàng hơn thông qua quá trình sản xuất. Hiện nay, ở ĐBSCL có thể tận dụng tro bay để sản xuất cốt liệu nhẹ nhân tạo đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn Việt Nam. Cốt liệu nhẹ được sản xuất có thể ứng dụng chế tạo bê tông nhẹ, phục vụ nhu cầu xây dựng.

Theo các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực quản lý xây dựng, địa cơ nền móng, kết cấu công trình, kinh tế xây dựng, vật liệu xây dựng, để phát triển kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL, vấn đề lựa chọn công nghệ xây dựng, vật liệu xây dựng đòi hỏi phải dựa trên nhu cầu phát triển và các yếu tố liên quan đến điều kiện tự nhiên, địa chất, nhu cầu, khả năng phân bổ nguồn lực đầu tư... Bên cạnh đó, để công nghệ mới và các loại vật liệu mới được ứng dụng rộng rãi vào lĩnh vực xây dựng cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực từ Nhà nước cũng như sự quan tâm, thay đổi tập quán sử dụng từ người tiêu dùng. 

MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết